Các giống lúa đáp ứng nhu cầu ăn khỏe
Khi đói cần ăn no, phải tạo ra những giống lúa có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn để tăng sản lượng. Khi no cần ăn ngon, phải tạo ra những giống lúa chất lượng. Trong tương lai con người không chỉ ăn no, ăn ngon mà tiến tới nhu cầu ăn khoẻ.
ĐT128 là giống lúa có triển vọng lớn
Để đáp ứng nhu cầu ăn khoẻ không còn cách nào khác phải quan tâm đến nhóm giống lúa bản địa, nhóm giống lúa thảo dược.
Nhóm giống lúa bản địa bao gồm các giống lúa đã tồn tại trên 50 năm, thậm chí hàng trăm năm. Theo quan điểm đông y, đây là những giống lúa quý, hội tụ đầy đủ các yếu tố giống lâu năm tốt hơn giống mới lai tạo, giống dài ngày tốt hơn giống ngắn ngày.
Các giống lúa bản địa lại thường được gieo cấy trên đất trung du miền núi, nơi đất có nhiều hàm lượng vi lượng, biên độ nhiệt độ ngày và đêm càng chênh lệch càng tốt. Xin được dẫn chứng một số giống bản địa như Nếp cái hoa vàng Đông Triều, Bao thai lùn ở Quảng Ninh, lúa Séng Cù ở Lào Cai, giống Nếp thầu dầu ở Thái Nguyên, giống Nếp cẩm ở Thanh Hoá.
Rất tiếc một thời đói cần ăn no, các giống lúa bản địa do năng suất thấp, thời gian sinh trưởng dài nên đã bị lãng quên. Vì vậy nhiều năm qua, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh đã nỗ lực, quyết tâm phục tráng thành công giống lúa Nếp cái hoa vàng Đông Triều, năng suất tăng 10 – 15%, gạo đạt tiêu chuẩn 4 sao, là sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Công ty đang tiếp tục phục tráng giống lúa Bao thai lùn, một giống lúa chiếm tới 20% diện tích lúa của tỉnh.
Theo quan điểm đông y nêu trên, giống lúa Bao thai của Việt Nam hội tụ các tiêu chí tốt hơn các giống lúa của Nhật Bản. Tuy nhiên giá trị kinh tế các giống lúa bản địa của ta thấp, là do chúng ta chưa hiểu hết giá trị dinh dưỡng của nó, chưa làm tốt công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Có dịp chúng tôi biếu khách Trung Quốc, khách Nhật Bản họ đánh giá rất cao gạo Nếp cái hoa vàng Đông Triều, gạo Bao thai của Việt Nam.
Về nhóm giống lúa thảo dược, đây là những giống lúa về sinh học, về canh tác cũng giống như các giống lúa truyền thống. Điều khác biệt của các giống lúa thảo dược là hàm lượng các chất vi lượng, nhóm Omega rất cao, hàm lượng các chất lipit, gluxit thấp.
Vì thế khi sử dụng gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo lúa thảo dược rất có lợi cho sức khoẻ. Khi sử dụng gạo lúa thảo dược cần chú ý, gạo mầu đỏ, màu vàng là gạo dương, gạo màu đen, màu tím là gạo âm. Ai thể trọng âm phải ăn gạo dương, thể trạng dương phải ăn gạo âm thì mới có lợi cho sức khoẻ.
Giống lúa thảo dược Hồng hương ĐT 128 của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh hàm lượng vitamin B1 tới 78,5mg/100g cao gấp 88 lần, hàm lượng omega 3 tới 9,39mg/100g cao gấp 17 lần gạo đỏ đối chứng.
Giống lúa Hồng hương ĐT 128 đã được công nhận sản xuất thử, Công ty đang sản xuất vùng nguyên liệu hàng trăm tấn thóc để chế biến gạo lức Hồng hương ĐT 128, Cốm Hồng hương Yên Tử. Đang nghiên cứu để sản xuất sữa gạo theo quy trình của Hàn Quốc, trà gạo theo quy trình của Nhật Bản.
Để đáp ứng nhu cầu ăn khoẻ, ngay từ bây giờ cần quan tâm phục tráng nhóm giống lúa bản địa trước khi quá muộn, vì nhiều giống lúa bản địa đã bị thất truyền, lai tạp chứ không còn nguyên chủng như trước. Đặc biệt phải quan tâm tới nhóm giống lúa thảo dược, từ khâu nghiên cứu chọn tạo giống, tổ chức sản xuất nguyên liệu, sau đó là khâu chế biến các sản phẩm từ gạo lúa thảo dược.
Làm được như vậy không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn khoẻ cho dân ta, mà còn nâng cao giá trị gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao