Trồng lúa Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 7

Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 7

Author Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, publish date Thursday. February 1st, 2018

Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 7

BỆNH HẠI LÚA (Diseases)

1/ Bệnh do nấm (Fungus diseases)

1.3 Bệnh gạch nâu (Narrow brown leaf spot): do nấm Cercospora oryzae (Hình 8.22) 

Vết bệnh có dạng các gạch nâu ngắn và hẹp trên lá lúa. Những gạch nầy chạy song song với gân lá. Thông thường những gạch nầy có màu nâu đỏ ở tâm và chung quanh màu lợt hơn. Bệnh làm giảm diện tích lá, do đó, làm giảm khả năng quang hợp của lá, có ảnh hưởng đến năng suất lúa. Phương pháp phòng trị tốt nhất là dùng giống kháng bệnh.

Hình 8.22 Bệnh gạch nâu

1.4 Bệnh than vàng (Trổ trái: False smut): do nấm Ustilaginoidea virens (Hình 8.23) 

Bệnh xuất hiện lúc lúa trổ bông và trở nên rõ rệt hơn khi lúa bắt đầu chín. Hạt lúa thường nở ra một khối phấn (bào tử nấm) bên ngoài có màu xanh lá cây và bên trong có màu vàng hay màu cam rồi trở thành màu than đen khi chín. Khối phấn nầy sẵn sàng phát tán các bào tử để lây nhiễm cho các hạt lúa khác. Bệnh thường xãy ra trong mùa mưa ẩm và trên trà lúa tốt bón thừa phân đạm. Nấm thường xâm nhập vào hạt lúa lúa trổ bông. 

Hình 8.23 Bệnh than vàng

Mỗi bông lúa thường chỉ có một số hạt bị bệnh, do đó, bệnh thường không ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa. Để phòng bệnh nầy có thể dùng giống kháng hoặc phun thuốc trừ nấm để ngừa bệnh khi lúa trổ đều.

1.5. Bệnh đốm vằn (Sheath blight): còn gọi là khô vằn hay ung thư, do nấm Thanatephorus cucumeris (Rhizoctonia solani Kuhn) gây ra (Hình 8.24). 

Nấm bệnh có hai cách lan tràn: bằng hạch nấm và bằng bào tử. Những hạch nấm tròn nhỏ bằng hạt cát trôi trên mặt nước bám vào bẹ lá và từ đó tấn công cây lúa. Bằng cách nầy, bệnh xuất hiện đầu tiên ở bẹ lá, rồi từ đó lan dần lên phiến lá. Trên bẹ lá, vết bệnh lúc đầu tròn hay bầu dục, màu xám có viền nâu, sau lan ra không đều thành những vết loang lỗ vằn vện như da hổ, bẹ lá khô tóp lại làm lá bị chết khô, bông lúa trổ bị nghẹn hoặc trổ cũng bị lép nhiều.

Hình 8.24. Bệnh đốm vằn (khô vằn, ung thư) 

Ngoài ra, bệnh còn có thể lan truyền dưới dạng bào tử nấm bay trong không khí, di chuyển nhờ gió. Bằng cách nầy, bệnh đầu tiên sẽ xuất hiện trên phiến lá do bào tử nấm trong không khí rơi xuống trên lá. Như vậy, trong trường hợp nầy bệnh sẽ lan dần từ phiến lá xuống bẹ lá. Bệnh thường xuất hiện nhất vào thời kỳ lúa làm đòng đến chín. Bệnh thường xuất hiện thành từng chòm và phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, ruộng ngập sâu, bón nhiều phân đạm, sạ cấy quá dầy và giống dễ nhiễm. 

Để ngừa bệnh nầy nên sạ cấy vừa phải, bón ít đạm, tăng cường phân lân và kali, giữ nước thích hợp. Khi bệnh chớm phát có thể dùng các loại thuốc trừ nấm để trị như đối với bệnh cháy lá.


Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 8 Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần… Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 6 Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần…