Các Tỉnh Ào Ào Xin Vacxin Cúm Gia Cầm
Nhận định về nguyên nhân của việc dịch CGC tái bùng phát dữ dội sau một năm yên ắng, hầu hết các địa phương, mà đặc biệt là các tỉnh phía Bắc đều có chung nhận định, việc đàn gia cầm không được tiêm phòng trong suốt một thời gian dài có thể là nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng này.
Ông Nguyễn Đức Quyền – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua giám sát dịch tễ cho thấy, tất cả những vùng đàn gia cầm có tiêm phòng đều không xẩy ra dịch, trong khi đó, tất cả những đàn gia cầm bị chết đến thời điểm này, đều đã phát hiện có virus CGC, và đây đều là những đàn gia cầm chưa được tiêm phòng.
Theo ông Quyền, mặc dù từ năm 2011 đến nay, cơ quan Thú y cho rằng vacxin có tác dụng bảo hộ rất thấp đối với chủng virus tại miền Bắc nên không triển khai tiêm phòng đại trà, tuy nhiên nếu căn cứ vào những đặc điểm trên, thì có thể khẳng định việc tiêm phòng vacxin vẫn có hiệu quả. Vì vậy, để dập dịch Cục Thú y phải tiến hành kiểm tra lấy mẫu, khảo sát về sự lưu hành của virus ở tỉnh này cụ thể là chủng virus gì để tiến hành tiêm vacxin gấp cho đàn gia cầm.
Thanh Hóa kiến nghị, ngoài 1,2 triệu liều vacxin đã được TƯ chuyển về để dập dịch trong thời gian vừa qua, sắp tới cần phải bổ sung thêm lượng vacxin để tiêm phòng đại trà. Cùng chung ý kiến, một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nêu quan điểm: “Toàn bộ các ổ dịch xẩy ra đều không được tiêm phòng. Quan điểm của tỉnh Quảng Nam, là không tiêm phòng thì không tài nào phòng chống dịch được. Cục Thú y nói hiệu quả vacxin thấp, nhưng thấp còn hơn không có”.
Giống Thanh Hóa, tỉnh Quảng Nam đề nghị trong thời gian sớm nhất, cần được TƯ hỗ trợ gấp 500 nghìn liều vacxin CGC để tiêm trực tiếp cho các vùng dịch, vùng có nguy cơ cao. Các tỉnh khác ở miền Bắc đang có dịch CGC như Hải Dương cũng đề nghị xin gấp TƯ 500 nghìn liều vacxin, Hà Nội xin được trích kinh phí mua thêm 7 triệu liều, Hải Phòng cũng xin tự trích kinh phí mua 1 triệu liều…
Trước ý những ý kiến này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng: Về chủ trương chung thì các tổ chức thế giới đều khuyến cáo Việt Nam nên rút dần việc phụ thuộc vào vacxin trong chiến lược phòng chống dịch CGC. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình cụ thể, thì việc tiêm vacxin vẫn là một giải pháp bổ trợ để chống dịch hiệu quả. Vì thế trong thời gian sớm nhất, Bộ NN-PTNT sẽ tiến hành nhập gấp vacxin chống dịch.
Trong thời gian sớm nhất, Bộ NN-PTNT sẽ tiến hành nhập gấp vacxin chống dịch
Trong thời gian nguồn vacxin từ TƯ chưa có, Bộ NN-PTNT khuyến khích các tỉnh tự trích kinh phí để chủ động mua vacxin chống dịch. Bộ cũng kêu gọi các tỉnh hành động quyết liệt, triển khai “Tháng tiêu độc khử trùng” trên cả nước nhằm chặn đứng dịch CGC. Thứ trưởng Tần cũng chỉ đạo Cục Thú y, chủ trì phối hợp với các đơn vị khác duy trì hoạt động của 7 đoàn công tác giám sát dịch của Bộ NN-PTNT kéo dài thêm, ít nhất là tới ngày 15/3/2012, thay vì tới ngày 25/3.
Cũng theo Thứ trưởng, hiện tại nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều tỉnh là rất cao. Đặc biệt là các tỉnh sau đây đang có tỉ lệ virus CGC lưu hành ở mức rất cao, dịch có thể bùng lên bất cứ lúc nào, đó là: Hà Tĩnh (tỉ lệ virus CGC lưu hành là 25%), Quảng Nam 9%, Thanh Hóa, Quảng Ninh 10%... Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nói thêm: “Tại Sóc Trăng, đàn gia cầm không lớn, vacxin Re-5 vẫn đang có hiệu quả bảo hộ 100% đối với nhánh virus ở đây. Thế mà vẫn để dịch xẩy ra, làm chết gia cầm, chết người nữa thì là điều đáng tiếc”.
Ông Trần Thanh Dương – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế):
“Tôi thấy tỉnh nào cũng rào rào xin vacxin, nhưng xin nói vacxin tỉ lệ bảo hộ cao nhất cũng chỉ đạt 80 – 90% là cùng, nếu trừ đi tỉ lệ tiêm phòng rất thấp nữa thì quy chung, tỉ lệ bảo hộ sau tiêm phòng chỉ đạt 50 – 60%. Như thế, vacxin cũng chỉ là một trong số các giải pháp để chống dịch mà thôi.
Theo tôi, cái quan trọng nhất để khống chế dịch đó là UBND các tỉnh, thậm chí phải quyết liệt quy trách nhiệm tới người đứng đầu đơn vị cấp dưới. Ở cấp xã là chủ tịch UBND xã, hay trưởng xóm phải chịu trách nhiệm gì đó nếu để dịch xẩy ra hoặc không báo cáo, chậm phát hiện dịch”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao