Cách giám định nhanh và xử lý bệnh vàng lá gân xanh trên cây bưởi da xanh
Trong những năm gần đây bệnh vàng lá gân xanh phát triển đã làm giảm năng suất, chất lượng của các loại cây có múi, trong đó có cây bưởi da xanh. Để phòng trừ tốt bệnh vàng lá gân xanh chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm nhận biết bệnh và xử lý khi cây bị nhiễm bệnh nhẹ.
Triệu chứng điển hình của bệnh vàng lá gân xanh:
Cần chú ý phân biệt bệnh vàng lá do cây thiếu kẽm với bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn. Cây bị bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn thì thịt lá màu vàng, gân lá màu xanh, trên một cây có nhánh nặng, nhánh nhẹ và có nhánh không bị bệnh. Diễn biến bệnh tương đối nhanh nên cây chết rất nhanh từ nhánh bị nặng đến nhánh nhẹ. Cây thường cho bông và trái nghịch mùa nhưng dễ rụng, trái nhỏ, méo mó và có nhiều hạt lép đen.
Bệnh vàng lá do cây thiếu kẽm thì lá và gân chuyển màu vàng, biểu hiện đồng loạt trên tất cả các cây hay ở một hướng hoặc một thửa nào đó trong vườn, triệu chứng giống nhau, không có nhánh bị nặng hay nhẹ. Mức độ diễn biến rất chậm, có thể kéo dài trong nhiều năm sau cây mới chết tuỳ theo điều kiện chăm sóc.
Giám định nhanh bệnh vàng lá gân xanh:
Phương tiện giám định:
Nếu có điều kiện thì có thể mua bộ “Kít bác sĩ nhà vườn 1” ở Viện Cây ăn quả miền Nam để dùng. Trong bộ này gồm có: 1 chai iod 5%, 1 chai nước cất, bịch túi nylon nhỏ, giấy nhám kẻ ô.
Nếu không có điều kiện mua, bà con có thể tự pha dung dịch iod 5% bằng cách mua ở hiệu thuốc 1 chai Povidon (là dung dịch iod 10%) và 1 chai cồn 900 để pha (cách pha: nếu dùng 10ml iod 10% thì cần dùng 10ml cồn 900 để hoà lại thì ta sẽ có dung dịch iod tương đương 5%).
Cách giám định:
- Hái lá trên cây có triệu chứng bệnh, không hái lá bị nấm bệnh, sâu vẽ bùa, không thu lá non. Nên thu mẫu từ sáng sớm đến trưa.
- Lấy 1 ô giấy nhám nhỏ chà lên lá khoảng 25-35 lần (để tinh bột bám lên giấy nhám)
- Bỏ ô giấy nhám đã chà vào túi nylon, nhỏ 4-5 giọt nước vào túi.
- Dùng tay bóp nhẹ túi có giấy nhám và nước đến khi trong bọc có dịch màu xanh.
- Nhỏ 1 giọt iod 5% vào túi nylon, trộn đều, chờ 2-5 phút rồi đặt lên nền giấy trắng để dễ xem kết quả.
+ Nếu dịch lá có phản ứng đen đậm là cây đã bị bệnh (dương tính);
+ Nếu dịch lá có phản ứng màu xanh hoặc nâu nhạt là cây không bị bệnh (âm tính).
Dịch lá có phản ứng đen đậm là cây đã bị bệnh (dương tính)
Cách xử lý cây bị vàng lá gân xanh nhẹ:
Phương tiện xử lý: kéo, hộp quẹt (bật lửa) hoặc cồn, keo trừ nấm.
Cách pha keo trừ nấm:
(Theo hướng dẫn của Viện cây ăn quả Miền Nam)
Cách xử lý:
- Đo đoạn cành có lá bị vàng là bao nhiêu thì cắt đối xứng với đoạn cành có lá còn xanh bấy nhiêu. Chú ý: nên cắt xéo 1 góc khoảng 45o để nước không bị ứ đọng ở vết cắt.
- Cắt xong thì bôi keo có pha thuốc trừ nấm lên vết cắt.
- Khi cắt ở những cây khác nhau thì nên hơ kéo bằng lửa hoặc lau bằng cồn.
- Cành cây bị bệnh khi cắt xong phải đem nơi khác tiêu huỷ.
- Sau khi cắt thì bón phân, tưới nước kích thích cho đọt mới mọc ra. Khi đọt mới vừa nhú ra, phải phun thuốc trừ rầy để bảo vệ đọt non bằng các loại thuốc đặc trị rầy (7-10 ngày phun 1 lần).
Phương pháp quản lý rầy chổng cánh:
+ Cây con dưới 7 tháng tuổi: pha 3ml Confidor với 50ml nước tưới xung quanh gốc, cách gốc 10 cm cho 1 cây, 3 tháng tưới 1 lần.
+ Cây 7 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi: sơn gốc bằng 1,5 ml Confidor/cây/lần/tháng (vị trí sơn: từ mắt ghép trở xuống)
+ Cây 2 năm tuổi trở lên: sơn gốc bằng 2ml Confidor/cây/lần/tháng (vị trí sơn: từ mắt ghép trở xuống).
Mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp cho bà con quản lý tốt vườn cây có múi của mình một cách hữu hiệu nhằm góp phần cải thiện kinh tế gia đình.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao