Cải tạo, thâm canh dừa hướng hữu cơ, năng suất tăng gấp đôi
Những cây dừa 20 - 40 năm tuổi sau khi được áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh theo hướng hữu cơ, đã ra rễ nhiều hơn và năng suất trái tăng gấp đôi.
Cây dừa được bón 30kg phân hữu cơ mụn dừa và 30kg tro/cây/năm. Ảnh: V.Đ.T.
Xanh lại xứ dừa
Thị xã Hoài Nhơn là địa phương được mệnh danh là “xứ dừa” của tỉnh Bình định với gần 3.000 ha, chiếm khoảng 32% diện tích dừa cả tỉnh, trong đó có trên 2.920 ha dừa đã cho thu hoạch với tổng sản lượng đạt 31.519,6 tấn/năm.
Tuy nhiên, hiện nay dừa ở Hoài Nhơn hầu hết là vườn dừa trồng lâu năm, đã già cỗi, chủ yếu trồng phân tán trong nông hộ. Công tác quản lý, phòng trừ các đối tượng gây hại và mức đầu tư bón phân, chăm sóc cho vườn dừa chưa được các chủ nhà vườn chú trọng. Do đó, năng suất dừa rất thấp, chỉ từ 25 - 30 quả/cây/năm. Từ đó dẫn đến thu nhập của người trồng dừa thấp, nguồn nguyên liệu cung ứng cho các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn không ổn định.
Từ thực tế trên, trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Bình định và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã Hoài nhơn đã phối hợp, triển khai thực hiện mô hình “Thâm canh dừa theo hướng hữu cơ”.
Mô hình đã chuyển giao giải pháp kỹ thuật, nâng cao kỹ năng, trình độ thâm canh vườn dừa kinh doanh theo hướng hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm dừa quả, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. Đây cũng là cách góp phần tái cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, phù hợp với trình độ canh tác trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
“Từ mô hình, nông dân đã biết ứng dụng các giải pháp kỹ thuật đầu tư thâm canh cho vườn dừa. Từng bước hình thành nhóm, chi hội trồng dừa, xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân trồng dừa và cơ sở kinh doanh, chế biến để việc tiêu thụ dừa ổn định.
Đồng thời, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của cây dừa, góp phần tăng thu nhập cho nông dân nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của những vườn dừa hiện có.
Huyện cũng chủ trương phát triển diện tích trồng mới dừa tập trung trên chân đất chuyển đổi, có thổ nhưỡng thích hợp với cây dừa để cây dừa ở Hoài Nhơn trở thành một trong những cây ăn quả chủ lực trên địa bàn trong thời gian tới”, bà Trương Thị Thúy Ức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã Hoài Nhơn cho biết.
Năng suất tăng gấp đôi
Mô hình “Thâm canh dừa theo hướng hữu cơ” được thực hiện tại Khu phố Phụng Du 1, phường Hoài Hảo (Thị xã Hoài Nhơn) với 500 cây dừa ta đang trong giai đoạn kinh doanh đã được 20 - 40 năm tuổi. Mô hình có sự hỗ trợ một phần kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Bình Định từ nguồn vốn khuyến nông năm 2021.
Tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn bón phân hữu cơ mụn dừa với số lượng 30 kg/cây/năm và bón tro trấu 30 kg/cây/năm. Thời điểm bón phân được thực hiện vào đầu mùa mưa và cây dừa được tưới nước định kỳ trong giai đoạn nắng hạn, bố trí trồng trồng xen các loại cây ngắn ngày như cỏ phục vụ chăn nuôi, sả, cây cảnh...
Nông dân tham gia thực hiện công tác quản lý phòng trừ dịch hại tổng hợp trong vườn dừa, vun bầu làm rãnh thoát úng khi có mưa lớn. Các chủ vườn dừa được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc, dọn vệ sinh cỏ dại quanh gốc, vệ sinh tàu lá khô trên ngọn dừa và dọn sạch tàu lá quanh ngọn dừa.
Thông qua mô hình, các hộ dân đã nắm bắt được biện pháp ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, bón phân theo "4 đúng" (đúng lúc, đúng loại, đúng lượng, đúng cách) cho cây dừa trong thời kỳ kinh doanh.
Kết quả cho thấy, những cây dừa trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, bình quân số tàu lá xanh đạt 33 tàu/cây, tăng hơn dừa ngoài mô hình 3 tàu/cây và có màu xanh bền, quanh gốc ra rễ mới nhiều hơn so với vườn dừa đối chứng nằm ngoài mô hình.
Kết quả cho thấy, những cây dừa trong mô hình có số buồng cho quả và tỷ lệ đậu quả cao hơn so với dừa ngoài mô hình. Năng suất dừa quả trong mô hình đạt bình quân 65 quả/cây/năm, tăng cao hơn dừa ngoài mô hình 30 quả/cây/năm, cho thấy năng suất quả cây dừa trong mô hình tăng vượt trội nhờ được đầu tư bón phân chăm sóc tốt.
"Nhờ được hỗ trợ dinh dưỡng, bón phân hợp lý, tưới nước giữ ẩm nên cây dừa có sức đề kháng, chống chịu tốt với sâu bệnh gây hại. Các đối tượng bọ dừa, bệnh đốm lá dừa trong mô hình có tỷ lệ thấp hơn so với dừa ngoài mô hình khoảng 12 - 15%. Hiện tượng nứt trái, rụng trái non ít hơn so với vườn dừa ngoài mô hình”, bà Trương Thị Thúy Ức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã Hoài Nhơn cho hay.
Cũng theo bà Ức, dừa ở Hoài Nhơn chủ yếu được nông dân trồng phân tán trong vườn nhà, trên đất vườn thừa với mật độ trồng khoảng 160 cây/ha. Khi đầu tư thâm canh cho vườn dừa trong mô hình, chi phí tăng 38,4 triệu đồng/ha so với dừa ngoài mô hình nhưng lợi nhuận tăng 9,6 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là về lâu dài, năng suất cây dừa được đầu tư thâm canh theo hướng hữu cơ sẽ còn tiếp tục cao hơn ở những năm tiếp theo.
“Thông qua mô hình, nông dân trên địa bàn đã biết quan tâm đầu tư chăm sóc cây dừa bằng nguồn phân bón hữu cơ không gây ô nhiễm môi trường, giúp vườn dừa hồi phục dinh dưỡng, tăng tuổi thọ, tăng sức đề kháng. Tỷ lệ các đối tượng sâu bệnh gây hại ít, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, đồng thời cho năng suất, chất lượng quả cao hơn, tăng thu nhập cho nông dân.
Từ hiệu quả của mô hình, nhiều lượt nông dân trong vùng đã đến tham quan học tập và áp dụng, chứng tỏ khả năng nhân rộng mô hình rất tốt”, bà Trương Thị Thúy Ức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thị xã Hoài Nhơn bộc bạch.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao