Cá rô phi Cải thiện mô hình nuôi cá rô phi ao đất bằng zeolit

Cải thiện mô hình nuôi cá rô phi ao đất bằng zeolit

Author Như Huỳnh, publish date Thursday. December 10th, 2020

Cải thiện mô hình nuôi cá rô phi ao đất bằng zeolit

Sử dụng zeolit trong ao nuôi cá giúp cải thiện chất lượng nước, tăng trưởng và tình trạng sức khỏe của cá rô phi trong ao đất.

Zeolite có nhiều vai trò trong cải thiện chất lượng cá rô phi nuôi ao đất.

Bổ sung zeolite đã được sử dụng thành công trong các hệ thống nước ngọt để giảm nồng độ và độc tính của amoniac. Ngoài ra zeolit tự nhiên hoặc tổng hợp (natri nhôm silicat) được biết là dễ dàng hấp phụ các ion kim loại như Cd, Cr, Cu, Fe, Mn, Ni, Pb, Zn. Do đó, zeolit được ứng dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản từ giai đoạn giống đến giai đoạn trưởng thành để cải thiện chất lượng nước và kích thích tăng trưởng. 

Do đó, nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá tác động của việc bổ sung zeolit tự nhiên trong việc cải thiện chất lượng nước , năng suất tăng trưởng và tình trạng sức khỏe của cá rô phi (Oreochromis niloticus) trong ao đất.

Thí nghiệm bao gồm 3 nghiệm thức và hai lần lặp lại

Nghiệm thức đầu tiên (đối chứng) không có zeolit

Nghiệm thức thứ hai trong đó zeolit tự nhiên nằm rải rác dưới đáy ao (khoảng 11,5kg/100m2)

Nghiệm thức thứ ba zeolit tự nhiên được sử dụng như một bộ lọc hình nón trong đó zeolit (500kg) được đặt trong một ao bê tông có kích thước (chiều dài 1,5m, chiều rộng 2,3 m và chiều cao 90cm) trong đó nước đi qua hệ thống lọc và sau đó được phân phối đến các ao bằng đường ống dẫn nước vào.

Kết quả cho thấy ứng dụng zeolite trong ao nuôi cá cải thiện các thông số chất lượng nước; giảm tích tụ kim loại nặng, trầm tích trong nước và kích thích các thông số tăng trưởng của cá. Tuy nhiên, thành phần hóa học trong cơ thể cá O.niloticus không thay đổi đáng kể giữa các phương pháp điều trị khác nhau.

Hạt zeolit tự nhiên thương mại.

Chất lượng nước

Việc sử dụng zeolit làm tăng đáng kể pH nước (8,22 ở nghiệm thức zeolit ở đáy ao và 7,89 ở zeolit lọc) so với ao đối chứng (7,54). Zeolite có tính axit yếu và chất trao đổi dạng natri có tính chọn lọc đối với hydro, dẫn đến giá trị pH cao.

Về tổng lượng muối hòa tan, ở ao đối chứng (2,31 g/l) cao hơn so với trong ao xử lý zeolit ở đáy ao (1,87 g/l) và zeolit lọc (2,07 g/l). Việc giảm giá trị tổng lượng muối hòa tan trong các ao zeolit ở đáy ao và zeolit lọc cho thấy zeolite hấp thụ nhiều muối khác nhau từ nước ao. Độ cứng của nước tăng lên ở nghiệm thức đối chứng là (1879,0 mg/l) và giảm ở zeolit ở đáy ao (834,0 mg/l) và zeolit lọc (1216,0 mg/l). Điều này là do hoạt động hấp phụ của zeolit để loại bỏ các cation hóa trị hai (Ca2+, Mg2+ và / hoặc Fe2+) khỏi nước. Ngoài việc loại bỏ sắt, zeolit có thể được sử dụng để làm mềm nước, thông qua loại bỏ ion Ca2+ và thay thế bằng ion Na+.

Nồng độ các chất dinh dưỡng nitơ thấp hơn đáng kể ở zeolit ở đáy ao và zeolit lọc là do khả năng hấp phụ của zeolit khi nó thu hút các ion nitrat và cải thiện khả năng giữ dinh dưỡng từ đất và nước 

Trầm tích

Nồng độ trung bình của các kim loại khác nhau giữa các trầm tích của ba nghiệm thức và được phát hiện theo thứ tự sau: Fe > Mn > Zn > Pb > Cu > Cd. Kết quả này cho thấy trầm tích của các ao đối chứng tích tụ hàm lượng cao của tất cả các kim loại nghiên cứu. 

Khả năng trao đổi cation và hấp phụ các phân tử vô cơ và hữu cơ có kích thước nhất định và tính chất xúc tác là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của zeolit. Vì vậy, sử dụng vật liệu tự nhiên zeolit là một trong những phương pháp giúp loại bỏ sắt và mangan hiệu quả hơn.

Tăng trưởng

Cá nuôi ở nghiệm thức zeolit ở đáy ao có trọng lượng cơ thể cuối cùng cao nhất, tiếp theo là ao zeolit lọc sau đó là ao đối chứng lần lượt là 268,2; 248,3 và 199,80g. Mặt khác, mức tăng trung bình hàng ngày và tỉ lệ tăng trưởng bền vững cao nhất được ghi nhận ở mức ao rải zeolit ở đáy ao (tương ứng 1,59 và 1,58% / ngày), tiếp theo là ao zeolit lọc (tương ứng 1,44 và 1,47%/ngày), trong khi giá trị thấp nhất (1,15 và 1,41%/ngày, tương ứng) được tìm thấy trong các ao đối chứng. 

Chiều dài cuối cùng trung bình của cá vào cuối giai đoạn thí nghiệm tuân theo khối lượng cơ thể cao nhất là nghiệm thức zeolit ở đáy ao, tiếp theo là zeolit lọc và thấp nhất là nghiệm thức đối chứng lần lượt là 27,2; 26,0 và 24,8 cm.

Về tỷ lệ sống của cá rô phi được cải thiện với cả hai hình thức bón lót dưới đáy ao hoặc sử dụng làm bộ lọc. Tỷ lệ sống cao nhất (96,4%) thu được khi bổ sung zeolit ở đáy ao, tiếp theo là zeolit lọc, trong khi thấp nhất (89,9%) được quan sát ở nghiệm thức đối chứng. 

Kiểm tra lâm sàng của cá

Kiểm tra lâm sàng một số con chết lưu và chết ở tất cả các nghiệm thức cho thấy cá nổi lờ đờ trên bề mặt, hôn mê và mất phản xạ. Nhóm đối chứng cho thấy da đổi màu vàng nhạt, xuất hiện chấm xuất huyết ở vùng cuống và gốc vây. Điều này cho thấy có thể nguồn nước cung cấp cho ao nuôi bị ô nhiễm. 

Nghiên cứu cho thấy ứng dụng zeolite trong ao cá đã cải thiện sức khỏe cá, khả năng kháng bệnh, các thông số chất lượng nước và giảm tích tụ kim loại nặng trong nước, trầm tích và trong các cơ quan của cá cũng như cải thiện các thông số tăng trưởng. Sử dụng zeolite rải rác dưới đáy ao làm tăng hiệu quả cải thiện chất lượng ao nuôi hơn so với sử dụng làm bể lọc.


Những mối lo ngại về đa dạng sinh học cá rô phi Những mối lo ngại về đa dạng sinh… Trùng quả dưa tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn trên cá rô phi Trùng quả dưa tăng nguy cơ bội nhiễm…