Cẩm Khê Tăng Giá Trị Sản Xuất Nông Nghiệp Từ Mô Hình Canh Tác Lúa Tái Sinh
Lúa tái sinh (hay còn gọi là lúa chét) được một số nông dân ở một số xã của huyện Cẩm Khê đã đưa vào canh tác ở những cánh đồng trũng từ những năm ở thập kỷ 70-80.
Với địa hình đồng đất canh tác nông nghiệp của Cẩm Khê phần lớn diện tích là vùng trũng, vùng lòng chảo, ngập úng nhiều, vào vụ mùa, năng suất lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, khí hậu, do vậy từ năm 2008, sau khi thu hoạch vụ chiêm, mô hình canh tác lúa tái sinh ở Cẩm Khê được nông dân áp dụng nhiều và phát triển ra nhiều xã với diện tích lớn.
Năm 2014, Cẩm Khê xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo sự đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là cây lương thực, nhằm nâng cao năng suất, giá trị hàng hoá, bảo đảm an toàn lương thực trên địa bàn.
Ngay từ đầu năm, ngoài việc tập trung chỉ đạo sản xuất gieo trồng lúa theo mùa vụ, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã có diện tích đồng trũng áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh lúa tái sinh. Đối với các xã có nhiều diện tích đồng trũng, có thể áp dụng thuận lợi vào canh tác lúa tái sinh, UBND xã đã tổ chức họp các trưởng khu dân cư tuyên truyền về nguồn lợi từ thâm canh lúa tái sinh, để từ đó triển khai tới các hộ nông dân, đồng thời tổ chức cho nông dân tập huấn quy trình kỹ thuật trong canh tác.
Năm 2014, diện tích lúa tái sinh toàn huyện Cẩm Khê là 215 ha và tập trung nhiều ở các xã Sơn Tình, Sơn Nga, Phú Lạc, Tiên Lương, Sai Nga, Cấp Dẫn… hầu hết diện tích đã thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 60-90 kg/ sào.
Xã Sơn Nga, địa phương có nhiều cánh đồng trũng, ngập úng nên nhiều năm nay người dân trong xã đã thực hiện mô hình lúa tái sinh với diện tích thâm canh lớn. Theo các hộ dân, thâm canh lúa tái sinh có nhiều thuận lợi: Không tốn công cày xới trở lại, tiết kiệm về giống, phân bón.
Ngoài ra, lúa tái sinh có thời gian sinh trưởng nhanh (40-45 ngày thì thu hoạch), ruộng ít cỏ, thân lúa cứng, hạt ít bị lép. Năm 2014, xã Sơn Nga có trên 40 ha diện tích thâm canh lúa tái sinh/ tổng số 75 ha diện tích gieo cấy lúa vụ chiêm.
Xã Sai Nga, có trên 30 ha lúa tái sinh được canh tác sau khi thu hoạch lúa vụ chiêm 2014. Trong đó người dân chỉ thu hoạch hơn 10 ha với năng suất bình quân đạt từ 60-100 kg/ sào, còn lại trên 20 ha nông dân không thu hoạch mà họ đắp bờ cho nước dâng cao để nuôi vịt, thả cá, với nguồn thức ăn sẵn có là lúa tái sinh.
Qua sự so sánh của người dân những năm gần đây cho thấy: Nếu cấy ở vụ mùa, năng suất lúa chỉ đạt 120-130 kg/ sào mà phải làm đất, gieo mạ và cấy, nếu thời tiết mưa nhiều gây ngập úng là mất trắng, trong khi đó nếu thâm canh lúa tái sinh thì không bao giờ bị mất mùa, bởi thời gian sinh trưởng lúa tái sinh ngắn ngày, khi hạt lúa vào chắc mà gặp mưa nhiều, gây ngập úng thì lúc đó lúa cũng đã đến kỳ thu hoạch non được, như vậy, hiệu quả từ lúa tái sinh là rất rõ rệt.
Các xã: Sơn Tình, Phú Lạc, Tiên Lương, mỗi xã có trên 10 ha sản xuất lúa tái sinh và được một số hộ nông dân áp dụng theo phương thức kết hợp, đó là khi lúa phát triển ở thời kỳ làm sữa thì họ đắp bờ ngăn nước tới lưng cây lúa để thả cá con, khi lúa thu hoạch xong thì cá bắt đầu lớn và cho nước dâng cao. Như vậy, trong thời gian vừa canh tác lúa tái sinh vừa nuôi thả cá, giá trị sản xuất được người nông dân thu được rõ rệt.
Từ thực tế sản xuất, huyện Cẩm Khê khuyến khích nông dân thực hiện tiếp tục thâm canh lúa tái sinh sau khi thu hoạch vụ lúa chiêm, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao