Cần hỗ trợ người chăn nuôi để phát triển bền vững
Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh, đặc biệt là chăn nuôi heo, gà, vịt dưới hình thức trang trại. Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi một cách bền vững, rất cần các chính sách phù hợp để hỗ trợ người chăn nuôi.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, trong những năm qua ngành chăn nuôi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Điều này đã khiến cho người chăn nuôi bị thiệt hại về giá cả do khả năng cạnh tranh kém, không kiểm soát được đầu ra, bị thương lái ép giá. Người chăn nuôi nhỏ lẻ luôn chịu thiệt thòi, rủi ro cao, trong khi đó các khâu trung gian lại hưởng lợi nhiều.
Ông Lê Văn Công- chủ trại heo ấp Trường Đức, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành chia sẻ, thời gian qua, người chăn nuôi bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh, giá cả sụt giảm. Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng cao, khiến người chăn nuôi “hụt hơi” và thua lỗ.
Ông Bảy Được - chủ trang trại gà ở ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành cho biết: “Chúng tôi bán gà cho thương lái với giá trên dưới 60.000 đồng/kg, nhưng khi đến tay người tiêu thụ thì giá lên đến 100.000 đồng - 120.000 đồng/kg.
Khoản chênh lệch này “lọt” vào thương lái. Người chăn nuôi thiếu thông tin về tình hình chăn nuôi, về giá cả thị trường, sức tiêu thụ… nên lúc thấy giá cao thì ồ ạt tái đàn, mở rộng chăn nuôi, đến lúc giá hạ thấp lại ngưng nuôi, giảm đàn. Vì thế, khi giá lên cao trở lại thì không có sản phẩm để bán bù lỗ”.
Nhằm chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi trong ngành nông nghiệp, tỉnh đã có quy hoạch phát triển chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gia cầm tập trung. Sở NN&PTNT cũng đã đề ra phương án thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững và bảo vệ môi trường; ổn định số lượng đàn gia súc, gia cầm, khuyến khích các mô hình sản xuất sạch.
Đặc biệt, ngành coi trọng việc chuyển từ hình thức chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ lẻ ở nông hộ lên hình thức trang trại tập trung với phương thức bán công nghiệp và công nghiệp; tăng cường công tác quản lý giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi, quản lý, xử lý chăn nuôi gia súc, gia cầm phân tán trong khu dân cư, gần trường học, bệnh viện và chăn nuôi vịt chạy đồng…
Theo ý kiến một số chủ trang trại, để giúp người chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế, cần khuyến khích cơ sở áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong nông hộ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần chỉ đạo các ngân hàng có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay mới đối với các trang trại bị thiệt hại do dịch bệnh; có chính sách đầu tư vốn vào các trang trại chăn nuôi heo, gia cầm tập trung; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.
Song song đó, cần hình thành các mô hình chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, từ chăn nuôi - giết mổ - buôn bán sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; đồng thời ưu tiên phát triển các nguồn giống tốt và rút ngắn thời gian nghiên cứu các ứng dụng khoa học về chăn nuôi, sớm đưa vào sản xuất để góp phần hạ giá thành.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao