Tin nông nghiệp Cần nhiều chính sách mở đường

Cần nhiều chính sách mở đường

Author Thanh Xuân (thực hiện), publish date Wednesday. November 16th, 2016

Cần nhiều chính sách mở đường

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng, muốn thành lập ngân hàng đất nông nghiệp hoạt động hiệu quả và thành công, cần tạo khung pháp lý cũng như các chính sách hỗ trợ đi kèm.

Thưa ông, vừa qua Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã đưa ra ý tưởng cần thành lập ngân hàng đất nông nghiệp. Báo NTNN đã có loạt bài phản ánh xung quanh đề xuất này. Xin hỏi quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Trong ảnh: Từ đầu năm 2015, Công ty Cổ phần An Phú Hưng đã thuê, thu gom19,2ha đất nông nghiệp tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (Hà Nam) để trồng các loại rau, củ, quả.  Công ty cũng thuê các nông dân là chủ đất vào làm công nhân.  Ảnh: Vũ Sinh 

Một số địa phương đã triển khai nhiều hình thức tích tụ ruộng đất nhưng ở cấp T.Ư nên có đề án triển khai kiểu ngân hàng đất nông nghiệp như một đơn vị kinh tế độc lập. Tuy nhiên, để ngân hàng đất này đạt hiệu quả, cần tạo khung pháp lý cùng những chính sách hỗ trợ đi kèm”. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

- Đó là ý tưởng tuy không phải mới vì các nước đã triển khai, nhưng tôi cho rằng rất phù hợp ở nước ta khi đưa ra và triển khai trong thời điểm này. Hiện nay, ở Việt Nam với hoàn cảnh đất chật người đông thì không thể hy vọng có những vùng sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn. Tuy nhiên, đất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn có những cơ hội để làm giàu, có thu nhập cao hơn cho những người có tâm huyết, say mê và quyết tâm gắn bó với nông nghiệp. Do đó, nếu làm tốt công tác tích tụ ruộng đất và đặc biệt là triển khai ngân hàng đất, tôi hy vọng sau 15-20 năm nữa mỗi hộ nông dân sản xuất nông nghiệp sẽ có trung bình 2ha, thay vì sở hữu diện tích manh mún như hiện nay.

Ông có nhắc tới một số nước trên thế giới đã làm ngân hàng đất, cụ thể như Nhật Bản họ có thành công không và Việt Nam có thể học được kinh nghiệm gì?

- Nhật Bản mất khá nhiều thời gian mới có thể tăng quy mô ruộng đất từ khoảng 0,8ha/hộ lên 2,3ha/hộ tại thời điểm này. Ngay từ năm 1970, Nhật Bản đã thành lập tổ chức công lập làm trung gian hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp, đi kèm với một loạt chính sách khác như bỏ hạn mức sở hữu đất của hộ, hỗ trợ sản xuất quy mô lớn khác, đánh thuế đối với đất nông nghiệp bị bỏ hoang cao gấp 1,8 lần thông thường, nhằm buộc các chủ đất phải bán lại cho người khác hoặc cho ngân hàng đất đất nông nghiệp, đánh thuế khi thừa kế chia nhỏ mảnh đất.

Ở nước ta, hiện tại có nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình… đã triển khai các chính sách tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, tích tụ vẫn còn rất chậm vì người đi thuê, cho thuê rất khó gặp nhau về lợi ích. Phía nông dân có người thì muốn bán, có người thì chỉ muốn cho thuê, có người lại vẫn muốn sử dụng diện tích ngay bên cạnh người muốn thuê… nên muốn có diện tích đất lớn, tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa là rất khó khăn, nhất là với khung pháp lý còn chưa rõ ràng như hiện nay.

Thời điểm này, theo ông ở Việt Nam triển khai ngân hàng đất liệu có thành công?

- Chúng ta hoàn toàn có thể làm được ngân hàng đất nhưng nên cho thử nghiệm trước. Thực tế, quỹ phát triển đất ở đô thị hiện đã làm được trong khi ở nông thôn có nhiều người muốn bỏ ruộng thì sao không làm được ngân hàng đất nông nghiệp? Tôi có đi nhiều địa phương và thấy người nông dân chia sẻ, họ không muốn làm ruộng nữa do có việc làm khác thu nhập cao hơn nên đã cho mượn ruộng, cho thầu lại ruộng hoặc bỏ không.

Thực tế, khi đời sống ngày càng cao, có nhiều cơ hội việc làm trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, người nông dân có thể lựa chọn nhiều công việc khác với thu nhập cao hơn, tâm lý của nhiều người, nhất là giới trẻ, không muốn “chân lấm tay bùn” với thu nhập thấp và bấp bênh.

Tuy nhiên, có những trở ngại như trong Luật Đất đai  đã quy định tổ chức nhà nước không được đứng ra thu hồi đất của dân, mà muốn thu hồi đất để chuyển đổi mục đích sử dụng thì doanh nghiệp tự đi thỏa thuận. Do đó, nếu chính quyền can thiệp vào việc thu hồi, tích tụ ruộng đất là phạm luật. Nếu có ngân hàng đất ra đời, hoạt động như một tổ chức kinh tế, hoặc tổ chức sự nghiệp kinh tế miễn là có tư cách pháp nhân, đặc biệt là phải tạo khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ đi kèm thì tôi tin là chúng ta có thể làm được.

Như vậy, nếu ngân hàng đất ra đời thì chính quyền sẽ có vai trò như thế nào trong việc tích tụ ruộng đất?

- Tôi cho rằng, muốn triển khai ngân hàng đất thì chính quyền phải vào cuộc cùng, phải giám sát, cung cấp thông tin và đặc biệt là cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm lại cơ sở hạ tầng, san phẳng lại mặt ruộng… sản xuất nông nghiệp thuận lợi thì khi ngân hàng đất cho doanh nghiệp thuê sẽ có giá cao hơn. Riêng phần định giá phải theo nhu cầu của thị trường và theo giá thị trường, ký hợp đồng thuê đàng hoàng theo thỏa thuận. Chính quyền phải là “trọng tài” giám sát việc thỏa thuận đó và thực hiện các quy định trên hợp đồng. Ngoài ra, khi doanh nghiệp đã vào thuê lại đất từ ngân hàng đất nông nghiệp, họ sản xuất gì trên khu đất đó phải là do chính quyền cấp phép và giám sát.

Để ngân hàng đất có thể triển khai thành công, theo ông cần những điều kiện gì?

- Đầu tiên là phải có khung pháp lý cho ngân hàng đất nông nghiệp hoạt động. Các chính sách đi kèm như Luật Đất đai, đặc biệt là các quy định về thủ tục, giấy chứng nhận sử dụng đất cũng cần được hoàn thiện. Hiện nay, nhiều diện tích đất nông dân chưa được cập nhật hồ sơ đầy đủ nên rất khó khăn khi gửi vào ngân hàng đất, chưa kể tới đất gửi vào ngân hàng rồi cũng cần phải cấp chứng nhận quyền sử dụng mới thì ngân hàng mới có thể chuyển nhượng, cho thuê được.

Ngoài ra, ngân hàng đất nông nghiệp muốn hoạt động được cũng phải có vốn, tài sản ban đầu thì mới làm được, bởi không phải nông dân cứ gửi đất vào là có người thuê ngay. Trước khi cho thuê lại được, ngân hàng đất cũng phải san, gạt mặt ruộng, đắp bờ… mới có người thuê nên cũng phải có chính sách hỗ trợ đi kèm.

Xin cảm ơn ông! 


Bón phân DAP Lào Cai giúp ngô tăng năng suất, giảm chi phí Bón phân DAP Lào Cai giúp ngô tăng… Cấp đủ nước, tiêu úng nhanh cho đồng ruộng Cấp đủ nước, tiêu úng nhanh cho đồng…