Cần tái tạo giống cam Thanh Lân
Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch cho đến Tết Nguyên đán, người dân xã Thanh Lân bước vào vụ thu hoạch cam. Cam Thanh Lân có vị ngọt đậm, tuy nhiên, do chưa có sự đầu tư, chăm sóc nên giống cam Thanh Lân dần dần bị thoái hóa.
Cam Thanh Lân đang vào độ chín.
Ông Nguyễn Duy Cường, thôn 3, xã Thanh Lân cho biết: Giống cam Thanh Lân khi đủ độ chín có vị ngọt đậm hơn so với giống cam khác. Cam Thanh Lân có nhiều ưu điểm và đặc tính nổi trội so với cam khác như tính chịu hạn, thích hợp với vùng đảo tốc độ gió lớn, đồng thời năng suất và chất lượng quả tốt và đã trở thành loại quả đặc sản của xã.
Cam Thanh Lân là cây trồng bản địa được người Hoa phát hiện, trồng và nhân giống trên địa bàn từ hàng chục năm trước, diện tích chủ yếu tập trung tại xã Thanh Lân. Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến nay nguồn giống cam ở Thanh Lân đã bị mai một do các vườn cam trước kia nay già cỗi, trong khi nguồn giống mới không đảm bảo chất lượng, diện tích trồng cam không theo quy hoạch, chủ yếu là đất dốc. Mặt khác, chế độ chăm sóc, đầu tư của người dân còn hạn chế, việc áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc không đúng hướng dẫn nên dẫn đến việc cây trồng không đạt yêu cầu về chất lượng. Từ đó, cam Thanh Lân có biểu hiện thoái hóa dẫn đến suy giảm chất lượng và sản lượng (ước đạt 2 – 3 tấn/ha).
Gốc cam chiết cành từ nguồn giống cam bản địa đang được trồng thử nghiệm tại xã Thanh Lân.
Tháng 10/2017, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành lập Đề tài Khai thác và phát triển nguồn gen cam Thanh Lân phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho huyện đảo Cô Tô và các vùng sinh thái tương tự của tỉnh Quảng Ninh. Qua khảo sát thực địa cho thấy, xã Thanh Lân có tiềm năng về điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với cây cam. Với điều kiện là một huyện đảo, khí hậu đặc trưng, việc bảo tồn, lưu giữ, khai thác và phát triển nguồn gen quý này là một việc cần thiết, góp phần phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho người dân đảo.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lân chia sẻ: Khi giống cam Thanh Lân được tái tạo và nhân rộng phát triển trên địa bàn xã sẽ tạo công ăn việc làm, nâng cao trình độ kỹ thuật của người lao động từ đó người lao động có việc làm ổn định, thu nhập tăng hơn, đảm bảo đời sống góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội của xã Thanh Lân nói riêng, huyện Cô Tô nói chung.
Hy vọng rằng, tới đây, giống cam Thanh Lân được tái tạo và nhân rộng trên địa bàn, xã Thanh Lân sẽ có được thương hiệu và sản phẩm đặc trưng, từ đó sẽ thúc đẩy được sự phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó còn là hướng tới mô hình du lịch sinh thái nhằm thu hút du khách đến trải nghiệm, góp phần tác động tích cực vào kinh tế xã hội ở địa phương.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao