Tin thủy sản Cẩn trọng khi du nhập sinh vật ngoại lai

Cẩn trọng khi du nhập sinh vật ngoại lai

Author NGUYỄN THANH VŨ (quận Tân Phú, TPHCM), publish date Wednesday. November 21st, 2018

Cẩn trọng khi du nhập sinh vật ngoại lai

Trên vỉa hè hay trong các cửa hàng động vật cảnh đang bày bán nhiều động vật mới du nhập từ nước ngoài. Trên nhiều website cá nhân, trang mạng Facebook, cũng thấy quảng cáo, chào bán nhiều động vật lạ.

Thậm chí có nơi còn tổ chức những buổi giao lưu về các loài bò sát, chim, cá lạ, để trao đổi kinh nghiệm và chào hàng. Có thể kể một vài loài đang được giới trẻ ưa chuộng: sâu đá, bọ cạp đen, ếch pacman, cua ma cà rồng, siêu sâu...

Nhiều loài có giá bán cao, từ 3 triệu đến 30 triệu đồng/con, như cáo sa mạc, tép ong đỏ, khỉ đuôi sóc, rồng Úc, sóc bay Úc, giông Axolotl..., nhưng nhiều người vẫn chi tiền để mua cho bằng được.

Có nhiều người mua về nuôi vì thị hiếu sưu tầm động vật độc, lạ, nhưng lại không am hiểu về đặc tính sinh học cũng như nguồn gốc động vật đó, nên chủ quan với các nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật. Hơn nữa, đây là một thú chơi vui có thể gây tác hại môi trường sống.

Trong quá khứ, chúng ta từng biết đến sự sai lầm khi nhập về Việt Nam những sinh vật ngoại lai đã phá hoại môi trường sống.

Cụ thể, ốc bươu vàng có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam cách nay khoảng 40 năm, đã để lại những hậu quả nặng nề cho sản xuất lúa. Dù nông dân ra sức tiêu diệt nhưng chúng sinh sôi và tràn lan rất nhanh, không thể nào triệt hết.

Tương tự, cá lau kiếng cũng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập Việt Nam qua đường kinh doanh cá cảnh (chủ yếu nhập từ Hồng Công và Singapore), để bây giờ người dân ĐBSCL phải khốn đốn vì cá lau kiếng dễ thích nghi với môi trường sông nước, có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển.

Sau thời gian phát tán ra tự nhiên, hiện cá lau kiếng đang trở thành loài có nguy cơ xâm hại các loài cá khác ở cùng một môi trường sống. Ngoài ra có thể kể loài cá chim trắng, cá rô phi vằn, rùa tai đỏ, cây mai dương, cây ngũ sắc, bọ cánh cứng hại dừa... đã từng được nhập về Việt Nam, đều nằm trong danh sách loài động vật xâm lấn cần tiêu diệt.

Không thể phủ nhận các sinh vật ngoại lai cũng có đóng góp đối với đa dạng sinh học ở Việt Nam. Thậm chí, một số giống thực vật ngoại lai được nhập khẩu như ngô, táo, thanh long… đã mang đến lợi ích kinh tế nhất định.

Tuy nhiên, với các sinh vật ngoại lai xâm hại, sẽ là mối đe dọa lớn đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, các sinh vật ngoại lai nhập về Việt Nam chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch, nhập lậu, nên các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn và xử phạt nghiêm khắc. Bởi một khi lỡ nhập vào Việt Nam, phát tán ra môi trường, đến lúc phát hiện nguy hại thì khó xử lý triệt để.

Vì vậy, bà con nông dân và những người đam mê nuôi trồng sinh vật cảnh nên cảnh giác, không chủ quan khi tiếp nhận những loài sinh vật ngoại lai.


Sử dụng khoáng trong nuôi tôm Sử dụng khoáng trong nuôi tôm Khánh Hòa phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 575 triệu USD Khánh Hòa phấn đấu kim ngạch xuất khẩu…