Mô hình kinh tế Cảnh Báo Tôm Nuôi Bị Bệnh Ở Nhiều Xã Vùng Biển Ở Bến Tre

Cảnh Báo Tôm Nuôi Bị Bệnh Ở Nhiều Xã Vùng Biển Ở Bến Tre

Publish date Wednesday. April 25th, 2012

Cảnh Báo Tôm Nuôi Bị Bệnh Ở Nhiều Xã Vùng Biển Ở Bến Tre
Sau khi thả nuôi tôm biển vụ chính gần 3 tháng, ở Bến Tre, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp. Tôm nuôi bị chết không thể hiện rõ triệu chứng. Ngành hữu quan đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh xảy ra trên diện rộng…

Tôm chết - không rõ triệu chứng, nguyên nhân

Dựa trên kết quả quan trắc môi trường và tình hình thực tế, cuối tháng 1-2012, ngành hữu quan đã công bố lịch thời vụ thả con giống nuôi tôm biển vụ chính đối với ba huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Đến thời điểm này, nhiều hộ dân đã chuẩn bị ao nuôi sẵn sàng nhưng vẫn còn do dự trong quyết định thả con giống. Một số hộ không thả con giống nuôi cùng một lúc mà thả nuôi từng ao để thăm dò tình hình. Nhiều hộ nuôi tôm biển cho biết, năm nay, tình hình thời tiết diễn biến thất thường. Có thời điểm, độ mặn đo được 10 phần ngàn - 15 phần ngàn thích hợp cho sự phát triển của tôm chân trắng và tôm sú nhưng vài hôm sau gió chướng suy yếu và mưa trái mùa, độ mặn đã giảm nhanh chóng, kết hợp môi trường thay đổi đột ngột nên xảy ra hiện tượng tôm chết. Ông Võ Trịnh Quốc Toàn - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bình Đại cho biết, từ xã Định Trung trở xuống các xã ven biển, với diện tích gần 3.000 ha là đất nằm trong quy hoạch nuôi tôm biển. Các hộ dân ở khu vực ấp 3, ấp 4 xã Thạnh Trị và xã Phú Long nuôi tự phát, với diện tích 500 ha. Hiện các hộ dân trong và ngoài vùng quy hoạch đã thả tôm giống nuôi hơn 1.000 ha. Tất cả các xã đã thả tôm giống nuôi đều xảy ra dịch bệnh, với diện tích 146 ha, trung bình mỗi ngày có 2 - 3 hộ dân đến Phòng NN&PTNT báo tôm nuôi bị chết. Tôm giống thả nuôi từ 20 đến 45 ngày nổi lên mặt nước, hộ nuôi xử lý cầm cự được vài ngày thì tôm bị chết. Ở huyện Thạnh Phú diện tích thả nuôi tôm biển 220 ha, trong đó có 32 ha bị thiệt hại.

Tương tự, ở huyện Ba Tri, khi lịch thời vụ thả nuôi tôm giống được công bố, các hộ dân xã Tân Xuân, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, lấy nước từ cửa sông Ba Lai, đã thả con giống. Riêng các xã An Đức, Vĩnh An, An Hòa Tây do lấy nguồn nước từ sông Hàm Luông nên đến tháng 3 và tháng 4-2012, độ mặn mới đảm bảo và thả tôm giống. Theo bà Trần Thị Ngọc Sương - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri, hiện các xã đã thả con giống với diện tích 1.000 ha, trong đó diện tích tôm nuôi bị chết là 130 ha tập trung nhiều nhất ở Tân Xuân và Bảo Thạnh. Các xã thả nuôi sau, chưa phát hiện tôm bị chết. Bà Sương trăn trở: Hiện hộ dân chưa thả nuôi hết diện tích (còn 250 ha) nhưng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại cao hơn so với cả vụ nuôi năm 2011. Tôm thả nuôi bị chết, hộ dân báo và cán bộ Phòng NN&PTNT đến lấy mẫu gởi xét nghiệm theo đúng quy định. Như năm 2011, phần lớn tôm chết do bệnh vi bào tử là dạng ký sinh trùng nội tế bào, gây tổn thương tế bào gan, tụy ở tôm và bệnh đốm trắng.

Bà Sương và ông Toàn cho biết thêm, hàng năm, tôm bị chết đều được lấy mẫu gởi các viện, trường để tìm nguyên nhân. Theo kết quả nhận định ban đầu, tôm nuôi bị bệnh có liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật dùng xử lý ao nuôi. Đến thời điểm này chưa có thuốc đặc trị bệnh vi bào tử và đốm trắng. Tôm nuôi bị bệnh và chết chỉ việc tiến hành xử lý ao, sau đó thả nuôi tiếp. Thực tế cho thấy, ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, một nguyên nhân nữa dẫn đến tôm nuôi bị chết là trong những năm gần đây, số vụ thả nuôi trong năm đã tăng dần. Từ 1 vụ/năm đã tăng lên 2 vụ/năm, thậm chí 3 vụ/năm. Có hộ vụ chính nuôi tôm sú sau đó nuôi liên tiếp 2 vụ tôm chân trắng, cũng có hộ nuôi 3 vụ tôm chân trắng/năm. Theo khuyến cáo, kết thúc vụ nuôi phải tiến hành quy trình xử lý ao nuôi, với thời gian hơn 15 ngày, nhưng phần lớn hộ nuôi tiến hành xử lý chưa được 10 ngày đã thả tôm giống nuôi, nước trong ao của vụ nuôi cũ chưa xử lý triệt để đã lấy nước vào nuôi vụ tiếp theo. Ở vụ nuôi này, Đội kiểm tra liên ngành của huyện Bình Đại phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản và thanh tra chuyên ngành NN&PTNT tỉnh đã kiểm tra và phát hiện 7 trường hợp vi phạm, tôm giống nhập vào tỉnh không có giấy kiểm dịch hoặc số lượng con giống vận chuyển cao hơn số lượng ghi trong giấy kiểm dịch. Khi phát hiện sai phạm, huyện đã ra quyết định xử phạt, với mức từ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp vi phạm, buộc chủ phương tiện phải vận chuyển tôm trở về kiểm dịch. Do đó, tôm giống cũng là vấn đề nan giải đối với hộ nuôi.

Tôm giống chân trắng, giá 100 đồng/con, mật độ nuôi 90 con/m2, thời gian nuôi từ 2 tháng rưỡi đến 3 tháng thu hoạch. Tôm sú giống giá từ 70 - 75 đồng/con, mật độ nuôi từ 30 - 35 con/m2, thời gian thu hoạch từ 4 đến 4 tháng rưỡi. Theo tính toán của hộ nuôi, tôm chân trắng thả nuôi từ 1 tháng trở lại bị chết, người nuôi chịu lỗ gần 100 triệu đồng/ha, nuôi được 2 tháng, nếu tôm chết, người nuôi thu được vốn, còn tôm sú nuôi 2 tháng chỉ thu lại được 50% chi phí tiền con giống và thức ăn. Khi tôm nuôi bị chết, hộ dân đến báo, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện kết hợp cùng Ban Quản lý vùng nuôi của xã tiến hành lập biên bản và hỗ trợ 50% hóa chất xử lý ao nuôi.

Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp

Hiện UBND các huyện có dịch bệnh tôm xảy ra đều có kế hoạch chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, trong đó tập trung tuyên truyền thả con giống đúng lịch thời vụ, áp dụng quy phạm thực hành nuôi tôm tốt (GAP), thả nuôi con giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch, xét nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thủy sản phải thực hiện 3 không: không giấu dịch; không xả thải nước bể, ao, đầm, sản xuất giống bị bệnh chưa qua xử lý mầm bệnh ra môi trường; không xả bỏ thủy sản chết, thủy sản bệnh ra ngoài môi trường. Các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản không mở rộng vùng nuôi ngoài vùng quy hoạch của tỉnh, từng bước hoàn thiện hệ thống ao nuôi, như: bố trí thêm ao lắng, ao chứa bùn, ao xử lý nước thải để xử lý bùn đáy ao, nước thải trước khi đưa ra môi trường bên ngoài. Ban Quản lý vùng nuôi cần được củng cố và nâng cao ý thức cộng đồng. Các biện pháp vệ sinh phòng dịch cần được áp dụng như: tuân thủ mùa vụ thả nuôi, thiết kế ao nuôi đúng kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp trong toàn bộ quá trình nuôi. Sử dụng thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và các vật tư khác có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; chủ động giám sát và phát hiện sớm dịch bệnh.

Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản gởi UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú xem xét, chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện tập trung nhân lực thực hiện công tác quản lý nuôi tôm biển, thống kê, báo cáo tình hình thả giống nuôi, dịch bệnh. Trước mắt, tập trung khuyến cáo tạm ngưng thả giống nuôi ở những vùng phát sinh dịch bệnh. Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, tham mưu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi thủy sản. Các thành viên Ban Chỉ đạo vụ nuôi của huyện bám sát địa bàn được phân công phụ trách theo dõi tình hình nuôi, chỉ đạo các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, quản lý môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý cộng đồng, thông qua hoạt động của Ban Quản lý vùng nuôi. UBND các xã thành lập ngay tổ xử lý dịch bệnh để kịp thời xử lý khi dịch bệnh xảy ra. Chủ cơ sở, hộ nuôi tôm sú, tôm chân trắng khi phát hiện vật nuôi nghi nhiễm bệnh nguy hiểm hoặc chết bất thường phải nhanh chóng đóng kín cửa cống, tuyệt đối không xả nước trong ao bị nhiễm bệnh ra môi trường tự nhiên; báo ngay cho Ban Quản lý vùng nuôi, cán bộ thủy sản cấp xã, huyện và tổ chức, cá nhân nuôi xung quanh biết để có biện pháp phòng, chống dịch; khi được cơ quan chức năng xác định tôm nuôi bị nhiễm các bệnh nguy hiểm: tiến hành thu hoạch đối với thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm và phải đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vùng nuôi xung quanh, thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành tiêu hủy bằng hóa chất theo quy định; thu gom triệt để và tiêu hủy an toàn những thủy sản bị chết sau khi xử lý bằng hóa chất, giữ nước lại trong ao tối thiểu 10 ngày sau khi xử lý.

Trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường theo chiều hướng bất lợi cho vật nuôi, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản phê duyệt Quy trình phòng, chống dịch bệnh thủy sản áp dụng thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Văn bản nêu rõ: Sở NN&PTNT cần chủ động phối hợp cùng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng để thông tin, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có nuôi thủy sản và có tham gia thí điểm bảo hiểm biết để áp dụng. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bến Tre được bảo hiểm thí điểm với các đối tượng nuôi trồng thủy sản như cá tra, cá ba sa, tôm sú và tôm chân trắng. Mục đích của việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần đảm bảo ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

180 Triệu Đồng Xây Dựng Mô Hình Thuỷ Sản Ở Bắc Giang 180 Triệu Đồng Xây Dựng Mô Hình Thuỷ… Nguy Cơ Bùng Phát Bệnh Trên Tôm Nguy Cơ Bùng Phát Bệnh Trên Tôm