Mô hình kinh tế Cảnh Báo Với Sâu Hồng Hại Bưởi Ở Bến Tre

Cảnh Báo Với Sâu Hồng Hại Bưởi Ở Bến Tre

Publish date Friday. November 9th, 2012

Cảnh Báo Với Sâu Hồng Hại Bưởi Ở Bến Tre

Sâu hồng còn được gọi là sâu đục trái bưởi đang trở thành dịch lan rộng trên nhiều diện tích trồng bưởi của tỉnh trong hơn một năm qua. Sâu tấn công mạnh vào thời kỳ bưởi bắt đầu thu hoạch. Hiện chưa có thuốc đặc trị, công tác phòng là chính. Bà con trồng bưởi nhận xét: Bệnh nấm hồng, thối rễ, xì mủ thân cây, vàng lá gân xanh, vàng bạc Greening cũng không đáng sợ bằng con sâu hồng…

Anh Nguyễn Sĩ Liêm - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) cho biết: Mùa bưởi năm nay, bà con nhà vườn bị thất thu khá nặng do sâu đục trái. Khi bưởi từ 2 - 3 tháng tuổi là bị sâu đục vào, đặc biệt là lúc bưởi chuẩn bị thu hoạch. Hiện tượng thấy rõ nhất là trái bưởi chảy mủ và rụng. Hộ anh Trần Ngọc Thái - ấp Tân Long I, xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc) có 1,5 công bưởi nhưng vụ bưởi vừa qua bị sâu hồng, gây thiệt hại 100% trái (khoảng hơn 100 kg). Anh Thái cho biết, giai đoạn đầu thì không thấy có hiện tượng gì nhưng khi trái chuẩn bị chín thì mới phát hiện. Khi thu hoạch, thương lái không chịu thu mua, đành cho bà con lấy vỏ làm nem.

Theo bác Nguyễn Văn Âu - ấp Trung Xuân, xã Nhuận Phú Tân, trên địa bàn xã hiện cũng bị sâu hồng tàn phá vườn bưởi rất nặng. Ở những vườn bưởi bị nhiễm nặng, tỷ lệ trái rụng từ 80 - 90% (khi bổ trái bưởi ra xem, có khoảng 7 - 10 con sâu trong trái). Huyện Mỏ Cày Bắc có diện tích bưởi 820 ha, phần lớn bà con trồng bưởi da xanh, hiện đây là địa phương có vườn bưởi bị sâu hồng tấn công gây thiệt hại nhiều nhất. Các xã Thanh Tân, Tân Thành Bình, Nhuận Phú Tân, Hòa Lộc có diện tích bưởi khá cao và đang chịu sự tàn phá rất nặng.

Thành phố Bến Tre có diện tích bưởi gần 500 ha, tập trung nhiều ở hai xã Mỹ Thạnh An và Phú Nhuận, nơi có bưởi da xanh chất lượng ngon nhất nhì trong tỉnh. Anh Lê Trí Nhân - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Thành phố cho biết: Hiện tỷ lệ sâu đục trái bưởi diễn ra khá phức tạp, có xu hướng ngày càng lan rộng và trở thành dịch. Hiện nay, trái bưởi vừa tròn tháng tuổi là đã bị sâu đục trái tấn công nên làm thiệt hại lớn, tỷ lệ trên mỗi cây là từ 30 - 90% trái bị sâu và rụng. Bác Nguyễn Văn Sốt - ấp Tân Long II, xã Tân Thành Bình, một người rất có tâm huyết với cây bưởi da xanh, tâm sự: Một khi bị sâu hồng tấn công là cả vườn nhà mình và vườn bưởi lân cận cũng bị thiệt hại. Theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông, công tác phòng bệnh là chủ yếu, phải đồng bộ cả vùng, nhiều nhà vườn thì mới mong có hiệu quả.

Theo bác Sốt, khi trái bưởi rụng xuống đất thì bà con nên thu gom lại, đào lỗ chôn, bởi con sâu hồng này có thể tồn tại cả tuần lễ trong trái bưởi, sau khi nó ăn hết làm trái bưởi thối, nó tiếp tục tấn công các trái còn lại. Theo anh Nguyễn Sĩ Liêm, các tỉnh có vùng bưởi lớn như Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang… vườn bưởi đã bị sâu hồng tấn công rất dữ dội từ nhiều năm trước. Trên địa bàn tỉnh nhà, bệnh sâu hồng mới trở thành dịch trong hơn một năm nay.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh cho biết: Hiện ngành chức năng chưa có thuốc để điều trị con sâu hồng. Trước tình hình này, công tác phòng bệnh là rất quan trọng, bà con nên thăm vườn thường xuyên, phát hiện trái bưởi bị sâu là hái và tiêu hủy liền. Phải thường xuyên vệ sinh vườn bưởi, tạo sự thông thoáng. Đối với những vườn bưởi bị nhiễm nặng, bà con xới đất quanh gốc bưởi, bón vôi, thuốc sát trùng (Basudin) để diệt nhộng. Nếu sử dụng thuốc trừ sâu cần chú ý chọn thuốc có nguồn gốc sinh học (thuốc có gốc Pipronil, Abamectin) và nên xịt thuốc vào buổi chiều mát, tránh dùng thuốc BVTV khác sẽ làm tổn hại đến kiến vàng (thiên địch rất có lợi để diệt trừ sâu hồng).

Ngành chuyên môn khuyến cáo: Khi cây bưởi có trái từ 1 tháng tuổi trở lên, bà con nên tiến hành bao trái hoặc sử dụng dầu khoáng phun để bảo vệ trái không bị sâu hồng tấn công (theo bà con nhà vườn thì cách làm này rất tốn kém). Một kinh nghiệm được bà con nhà vườn phát hiện là treo long não trên các cây bưởi hiện nay cũng cho kết quả phòng được sâu hồng khá cao - mùi của long não gây ức chế thần kinh con sâu. Việc làm này chưa được ngành chuyên môn khuyến cáo vì chưa chứng minh được, nhưng theo bà con làm vườn cho biết, hiện rất có hiệu quả, tỷ lệ sâu hồng gây hại giảm đến 90%.


Nuôi Cá Lồng Trên Sông Cho Thu Nhập Cao Ở Quảng Trị Nuôi Cá Lồng Trên Sông Cho Thu Nhập… Tích Cực Phòng, Chống Bệnh Chổi Rồng Trên Cây Nhãn Ở Sóc Trăng Tích Cực Phòng, Chống Bệnh Chổi Rồng Trên…