Mô hình kinh tế Cánh Đồng Liên Kết Ở Đồng Tháp Phát Huy Hiệu Quả

Cánh Đồng Liên Kết Ở Đồng Tháp Phát Huy Hiệu Quả

Publish date Friday. February 21st, 2014

Cánh Đồng Liên Kết Ở Đồng Tháp Phát Huy Hiệu Quả

Nông dân tham gia mô hình biết được trồng cây gì, bán cho ai, bán ra sao, lợi ích mang lại nhiều hơn.

Trong sản xuất lúa gạo hiện nay, Đồng Tháp chọn hướng đi mới là áp dụng mô hình “cánh đồng liên kết”. Với lựa chọn này, địa phương mong muốn gắn kết chặt chẽ nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu hơn là quan tâm đến quy mô sản xuất lớn hay nhỏ.

Bên cạnh đó, nông dân tham gia mô hình sẽ biết được trồng cây gì, bán cho ai, bán ra sao. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không còn phải lo chuyện mua ở đâu, của ai và mua như thế nào.

Từ năm 2011 đến nay, quy mô làm liên kết sản xuất lúa đã tăng nhanh ở Đồng Tháp. Năm 2011, toàn tỉnh mới tổ chức thực hiện liên kết được 2.400 ha, quy mô doanh nghiệp thu mua lúa khoảng 800 tấn. Đến 2012, quy mô tăng lên 17.000 ha. Đến thời điểm này, nhờ thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nên Đồng Tháp đã phát triển tới 145 cánh đồng liên kết, với diện tích sản xuất lúa chất lượng cao gần 54.000 ha.

Lợi ích thiết thực mà phương thức sản xuất liên kết mang lại là nông dân sản xuất lúa yên tâm hơn và lợi ích mang lại nhiều hơn. Tại Hợp tác xã Tân Tiến, huyện Tam Nông, nhiều xã viên Hợp tác xã cho biết việc xây dựng và phát triển cánh đồng liên kết, canh tác theo hành trình cây lúa khỏe được xã viên rất đồng tình. Bước đầu dự án cánh đồng liên kết với doanh nghiệp được xã viên hợp tác xã tham gia với diện tích 100 ha từ vụ hè thu năm ngoái.

Anh Phạm Văn Sự, xã viên hợp tác xã Tân Tiến cho rằng: “Mấy vụ trước mình làm, xịt thuốc không đúng lúc. Năm nay là êm. So với vụ hè thu rồi, lợi nhuận mỗi công lúa là 200 ngàn, 1 ha là 2 triệu, với lại giảm được 2 lần phun thuốc”.

Tham gia trong cánh đồng liên kết ở Đồng Tháp, người nông dân được cán bộ kỹ thuật phân công bám sát địa bàn hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất, hướng dẫn thường xuyên thăm đồng, phòng trừ sâu bệnh và quản lý đồng ruộng; ghi chép sổ tay theo dõi tình hình sản xuất và hạch toán hiệu quả kinh tế.

Chính vì vậy, theo GS-TS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, đây là hình thức liên kết mang lại hiệu quả: “HTX là hình thức rất tiện lợi để các công ty có thể liên kết, từ các công ty có đầu vào để giúp bà con xã viên có được phân bón không bị trộn lẫn, thuốc BVTV tốt. Cuối cùng khi bà con sản xuất đúng quy trình thì công ty có đầu ra liên kết thu mua. Và khi doanh nghiệp mua vào để chế biến ra gạo thành phẩm thì có thể đăng ký thương hiệu được. Đây là hình thức rất tốt”.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khác với “cánh đồng mẫu lớn” nhấn mạnh đến phương thức sản xuất, hướng đến qui mô sản xuất lớn, còn “cánh đồng liên kết” nhấn mạnh đến yếu tố "hợp tác" giữa những người sản xuất và mối "liên kết" giữa sản xuất với tiêu thụ. Đây chính là mục tiêu của nền nông nghiệp bền vững, chứ không phải dựa trên qui mô lớn hay nhỏ.

Theo ông Sơn, “cánh đồng liên kết nhấn mạnh khía cạnh liên kết giữa các tác nhân với nhau. Tức là ‘cánh đồng liên kết’ chỉ về nội dung tổ chức sản xuất nhiều hơn. Trong mô hình liên kết, “người nông dân phải liên kết với nhau trong hình thức kinh tế hợp tác; giữa người nông dân và doanh nhân gắn kết với nhau trong các hình thức không phải chỉ liên kết hai chiều mà là đa chiều để vừa xử lý đầu vào, vừa xử lý đầu ra và xây dựng chuỗi ngành hàng”.

Dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng qua quá trình thực hiện, hiệu quả từ “cánh đồng liên kết” ở Đồng Tháp đã góp phần xây dựng mối liên kết chặt chẽ đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt chất lượng cao, ổn định giữa các xã viên Hợp tác xã và các doanh nghiệp. Từ đó, giúp nông dân an tâm và hợp tác sản xuất hiệu quả ngay trên cánh đồng của mình.


Báo Động Tình Trạng Nông Dân Phá Bỏ Cây Cà Phê Báo Động Tình Trạng Nông Dân Phá Bỏ… Việt Nam Nhập Khẩu Hàng Ngàn Con Trâu Từ Úc Việt Nam Nhập Khẩu Hàng Ngàn Con Trâu…