Cảnh giác sâu bệnh cuối vụ đông xuân
Đến thời điểm này, lúa đông xuân tại ĐBSH rất sạch bệnh, được mùa, dự kiến thu hoạch rộ từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021. Tuy nhiên cần cảnh giác sâu bệnh cuối vụ.
Nhằm chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại lúa cuối vụ đông xuân 2020 – 2021 tại các tỉnh phía Bắc, ngày 20/5, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa đông xuân tại các tỉnh vùng ĐBSH như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình…
Lúa sạch bệnh, được mùa
Ghi nhận tại các tỉnh ĐBSH, đến thời điểm này, một số diện tích lúa đông xuân trà sớm đã được thu hoạch. Năm nay, theo chủ trương của Bộ NN-PTNT, các tỉnh ĐBSH tiếp tục nâng tối đa diện tích trà lúa xuân muộn. Hiện lúa trà xuân muộn vùng ĐBSH đang trong giai đoạn chắc xanh tới chín đỏ đuôi, dự kiến có thể thu hoạch tập trung từ cuối tháng 5 tới đầu tháng 6/2021.
Một số diện tích nhỏ (chủ yếu là giống lúa chất lượng, dài ngày, tập trung tại các huyện ven biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) hiện đang giai đoạn trỗ, dự kiến thu hoạch muộn hơn, tới giữa tháng 6/2021.
Qua kiểm tra cũng như tổng hợp của các địa phương, nhìn chung tới thời điểm này, lúa đông xuân tại các tỉnh vùng ĐBSH rất sạch sâu bệnh. Đặc biệt với bệnh đạo ôn cổ bông, nhờ bám sát dự tính, dự báo, cũng như chủ động phòng trừ sớm, hiện lúa đông xuân đã qua được giai đoạn mẫn cẩm với nguy cơ của bệnh đạo ôn cổ bông, không xẩy ra các diện tích đáng kể bị bệnh đạo ôn gây hại.
Tại tỉnh Ninh Bình, hiện toàn tỉnh ước đã thu hoạch xong hơn 1.800 ha lúa xuân trà sớm (chiếm 4,6% tổng diện tích). Khoảng trên 95% tổng diện tích lúa của tỉnh này là trà xuân muộn, dự kiến thu hoạch rộ trong khoảng 10 – 15 ngày nữa.
Tại tỉnh Thái Bình, hiện một số diện tích lúa trà xuân sớm, ngắn ngày ở chân vàn, vàn cao đã được thu hoạch để giải phóng đất sản xuất rau màu vụ hè thu. Các diện tích lúa đông xuân tập trung ở trà xuân muộn dự kiến sẽ thu hoạch tập trung từ ngày 26/5/2021
Qua kiểm tra, đánh giá của Cục BVTVcũng như Sở NN-PTNT Thái Bình, đây là năm mà lúa đông xuân rất sạch bệnh, lúa phát triển tốt, rất đồng đều. Các sâu bệnh hại phổ biến ở vụ đông xuân như đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy… gần như không phát sinh gây hại đáng kể. Cục bộ, chỉ có một số diện tích rất nhỏ xẩy ra bệnh bạc lá đối với các giống mẫn cảm…
Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Bình cho biết, đây cũng là vụ đông xuân mà nạn chuột phá hoại lúa gần như được khống chế triệt để. Bởi 3 năm liên tiếp gần đây, Thái Bình đã có chính sách hỗ trợ thuốc, triển khai diệt chuột, nên nạn chuột phá hoại đã giảm rất lớn.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Thái Bình, đây sẽ là vụ đông xuân được mùa, năng suất lúa dự kiến có thể đạt bình quân trên 7 tấn/ha… Tại các tỉnh khác như Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương…, hiện lúa đông xuân cũng đang phát triển tốt, sạch bệnh, dự kiến được mùa.
Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV cho biết vụ đông xuân năm nay, nhìn chung các địa phương đã triển khai phòng trừ rất chủ động trước các sâu bệnh hại nguy hiểm, nhất là đã chỉ đạo phòng trừ rất hiệu quả đối với bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông có nguy cơ bùng phát từ khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021.
Mặc dù vậy, ông Dương đề nghị, các tỉnh phía Bắc có diện tích lúa đông xuân chưa thu hoạch, nhất là các tỉnh lúa trọng điểm vùng ĐBSH thời gian tới vẫn cần hết sức cảnh giác với các đối tượng sâu bệnh hại cuối vụ, đặc biệt là rầy cuối vụ.
Tại các huyện ven biển thuộc các tỉnh ĐBSH như Kim Sơn (Ninh Bình), Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy (Nam Định), Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình) hiện còn diện tích khá lớn lúa trà xuân muộn, nhất là các giống lúa chất lượng, dài ngày, vẫn có nguy cơ đối với các sâu bệnh hại cuối vụ như đạo ôn cổ bông,rầy…
Vì vậy, Sở NN-PTNT các địa phương cần chỉ đạo hệ thống ngành BVTV không chủ quan, tiếp tục bám sát, theo dõi sát đồng ruộng để kịp thời làm tốt công tác dự tính, dự báo, chủ động triển khai phòng trừ khi có sâu bệnh hại phát sinh nhằm đảm bảo an toàn, thắng lợi cho vụ đông xuân 2020 – 2021 tại các tỉnh phía Bắc.
ST25 'bén duyên' tại phía Bắc
Vụ đông xuân 2020 – 2021, giống lúa ST25 đã được nhiều địa phương vùng ĐBSH triển khai sản xuất thử và đã cho những kết quả hết sức triển vọng.
Tại tỉnh Ninh Bình, ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết vụ đông xuân 2020 – 2021 là vụ thứ 3, tỉnh này đưa giống lúa ST25 vào sản xuất thử tại một số địa phương trong tỉnh với tổng diện tích khoảng 50 ha.
Qua 3 vụ, đều cho thấy ST25 sinh trưởng phát triển rất tốt, chống chịu sâu bệnh, năng suất cao và chất lượng gạo rất ngon.
Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), hiện lúa ST25 đang giai đoạn chắc xanh – đỏ đuôi, rất sạch bệnh, năng suất vụ đông xuân này dự kiến sẽ đạt khoảng hơn 2,5 tạ/sào.
Hiện nay, lúa ST25 tại đây được thương lái tranh mua với giá lên tới 10-11 nghìn đồng/kg thóc, gạo bán ra từ 25-30 nghìn đồng/kg và được thương lái rất ưa chuộng.
Ông Vũ Khắc Hiếu cho biết thêm: Qua 3 vụ trồng thử, bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn gần như không xuất hiện. Nhược điểm nhất của giống là bộ lá đòng lòng mo, rậm, rất dễ bị sâu cuốn lá và rầy. Tuy nhiên đây lại là 2 loại sâu rất dễ phòng trừ nên không ngại.
ST25 tỏ ra rất hợp với chân đất phèn, hơi chua và mặn ở vùng ven biển như huyện Kim Sơn, hợp cả vụ mùa và vụ đông xuân. Nhưng nhược điểm duy nhất chỉ là thời gian sinh trưởng hơi dài, từ 130-135 ngày ở vụ đông xuân, dài hơn các giống đại trà khoảng 7 – 10 ngày…
“Hiện nay, nông dân đang rất háo hức với giống ST25. Nếu tình hình khả quan, giống chắc chắn sẽ bung ra rất nhanh trong các vụ tới”, ông Vũ Khắc Hiếu nhận định.
Trong khi đó tại tỉnh Thái Bình, vụ đông xuân năm nay, giống ST25 cũng đã được thử nghiệm trồng tại một số địa phương, nhất là các vùng ven biển. Tuy nhiên theo đánh giá, giống này trồng tại Thái Bình lại cho năng suất không cao, chỉ khoảng 170 – 180 kg/sào.
Theo đánh giá, có thể do quy trình chăm sóc chưa chuẩn với đặc thù chân đất tại địa phương nên năng suất ST25 trồng tại Thái Bình chưa cao?
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao