Trồng lúa Canh tác lúa trong mùa mưa bão

Canh tác lúa trong mùa mưa bão

Author Hồng Huệ, publish date Tuesday. September 15th, 2020

Canh tác lúa trong mùa mưa bão

Đổ ngã làm gia tăng tỉ lệ lem lép hạt trên lúa làm giảm năng suất lúa khiến nông dân ĐBSCL vô cùng lo lắng nhất là trong mùa mưa bão 2020.

Anh Nguyễn Đức Long, một nông dân gắn bó với cây lúa từ những ngày bé, cái thời chỉ làm vài việc vặt đỡ đần cha mẹ. Nay, anh đã là trụ cột chính, canh tác 2ha lúa của gia đình. Tính ra, cũng hơn 20 năm, anh làm lúa.

Anh và bà con ở vùng Vĩnh Trị A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cũng phải ngỡ ngàng trước những thay đổi bất thường của thời tiết năm nay. Cái thời tiết khiến cho năng suất lúa vụ này chỉ bằng khoảng 80% vụ trước vì lem lép hạt.

Phân bón Đầu Trâu TE A1 chuyên dùng cho lúa của Công ty Bình Điền. Ảnh: Phan Nam.

Đối với cây lúa, trong mùa mưa bão, hiện tượng đổ ngã xảy ra có thể làm giảm năng suất trên 10%, có khi lên đến 40-50%, ảnh hưởng đến chất lượng gạo và gây khó khăn trong thu hoạch, nhất là thu hoạch bằng máy. Lúa đổ ngã ở giai đoạn sớm, từ làm đòng đến trổ có thể thất thu hoàn toàn. Đổ ngã sau giai đoạn lúa chín cũng bị ảnh hưởng một phần năng suất, phẩm chất lúa, tăng chi phí khâu thu hoạch.

Lí giải về nguyên nhân đổ ngã gây thất mùa cho bà con nông dân, các nhà khoa học cho biết, lúa ngã ảnh hưởng đến quang hợp, quá trình tạo hột bị đình trệ do sự vận chuyển chất bị trở ngại, tỷ lệ lép và lửng gia tăng. Ngoài ra lúa ngã làm bông lúa ngập trong nước làm hạt nẩy mầm, hoặc hư thối do nấm bệnh tấn công, giảm chất lượng gạo.

Để hạn chế đổ ngã, đặc biệt trong mùa mưa bão, các nhà khoa học khuyến cáo nông dân cần áp dụng các biện pháp:

- Không sạ dày. Vì sạ dày làm cho lúa ốm yếu do vươn cao do cạnh tranh ánh sáng. Lượng sạ tốt nhất là từ 80-100 kg lúa giống/ha.

- Không bón thừa phân đạm (N). Chất N làm gia tăng hoạt động của hóc-môn tăng trưởng thúc đẩy lúa vươn cao, dễ đổ ngã. Lượng đạm bón trung bình cho cả vụ nên ở mức 80-100 kg/ha, tùy vụ.

- Rút nước giữa vụ để đất chặt lại, rễ ăn sâu, bẹ lá tiếp xúc với ánh sáng trở nên cứng chắc nâng đỡ thân lúa giúp giảm đổ ngã. Cần gia tăng độ cứng chắc các lóng thân bằng cách cung cấp silic, kali và can-xi

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, hiện nay, tại ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung, nhà nông đang đối mặt với những yếu tố bất lợi như khí hậu biến đổi, đất bị suy thoái, phù sa ít đã làm tăng chi phí phân bón mà năng suất lại giảm.

Theo phân tích thì nguyên nhân chủ yếu của việc hiệu quả sử dụng phân bón không cao ở ruộng lúa thường do: Phân tan trong nước chảy tràn qua bờ ra khỏi ruộng lúa; Phân theo nước thấm xuống sâu ra khỏi vùng rễ của lúa; Phân chuyển hóa thành thể khí bay hơi đi; Phân bị cố định trong đất làm lúa không hấp thụ được.

Trong 13 chất dinh dưỡng cung cấp cho lúa chỉ có chất đạm là bị thất thoát qua bay hơi (khí NH3, N2O, N2). Trong điều kiện nắng nóng, sự thất thoát này trung bình khoảng 40%. Còn chất lân không bị mất do bay hơi như đạm và cũng ít bị mất do thấm sâu hay chảy tràn, nhưng chất lân rất dễ bị cố định trong đất bởi chất sắt, nhôm, can-xi, ma-nhê và trở nên không hữu dụng cho cây đến 70%.

Vì vậy, để làm gia tăng hiệu quả sử dụng phân bón ở ruộng lúa, bà con cần chú ý áp dụng các biện pháp:

- Củng cố bờ bao và đánh bùn để hạn chế mất phân do chảy tràn hay thấm sâu. Giữ nước ruộng sau khi bón phân tối thiểu 5 ngày (tốt nhất 7 ngày).

- Ở đất không giữ được nước, đất thấm rút nhanh như đất cát, cần chia phân ra nhiều lần bón.

- Không bón phân khi cây lúa đang bị bệnh hay bị ngộ độc phèn, mặn, hữu cơ và không bón phân khi ruộng bị khô hay có rong.

- Sử dụng phân urê có Agrotain như phân đạm hạt vàng Đầu Trâu 46A+ để làm chậm tiến trình thủy phân, giúp giảm mất N do bay hơi, tăng hiệu quả sử dụng, tiết kiệm 20-25% lượng phân so với urê.

Lem lép hạt, để phòng ngừa, các nhà khoa học khuyến cáo, bà con cần áp dụng tổng hợp các biện pháp sau:

- Chọn giống lúa kháng sâu, bệnh.

- Xử lý hạt giống trước khi gieo sạ.

- Thau chua rửa mặn, khử độc hữu cơ cho đất. Giai đoạn trước khi gieo sạ, bà con nên bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn, lượng bón 100 – 160 kg/ha.

- Gieo cấy đúng thời vụ, sạ thưa.

- Bón phân đầy đủ và cân đối, cung cấp thêm các loại trung, vi lượng. Cụ thể:

Giai đoạn 7-10 ngày sau sạ, bón thúc 1 phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 100-150kg/ha.

Giai đoạn 18-22 ngày sau sạ, bón thúc 2 phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 120-150 kg/ha.

Giai đoạn 38-42 ngày sau sạ, bón thúc 3 phân Đầu Trâu TEA2, lượng bón 80-100 kg/ha

- Phòng trừ tốt các loại côn trùng, nhện và bệnh hại.

Để hạn chế sự tổn thất trong mùa mưa bão, bà con cần thực hiện đồng bộ qui trình canh tác lúa thông minh, tăng cường khoa học công nghệ, từng bước cơ giới hóa khâu thu hoạch, bảo quản lúa. Đây là những việc làm cần thiết để mang lại năng suất, lợi nhuận cao cho người trồng.


Giống lúa TBR97 đạt năng suất trên 8 tấn/ha tại Đắk Lắk Giống lúa TBR97 đạt năng suất trên 8… Giống lúa mới triển vọng Phong Nha 99 Giống lúa mới triển vọng Phong Nha 99