Tin nông nghiệp Cao su không cho mủ, giá xuống thấp người trồng vỡ mộng

Cao su không cho mủ, giá xuống thấp người trồng vỡ mộng

Author Cảnh Thắng - Kiều Thiện, publish date Thursday. January 7th, 2016

Cao su không cho mủ, giá xuống thấp người trồng vỡ mộng

Chặt không được, bỏ không xong

Huyện miền núi Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa (Nghệ An) là những địa phương trồng cao su sớm nhất và nhiều nhất tại các huyện miền núi ở Nghệ An. Trong đó, Nông trường Tây Hiếu là đơn vị trồng nhiều cao su nhất với diện tích lên đến hơn 500ha.

Bà Nguyễn Thị Hồng (xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn, Nghệ An) xót xa khi vườn cao su của mình đã vào mùa thu hoạch nhưng không thu hoạch được vì giá mủ quá thấp. Ảnh: K.T

Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm trước đây, mủ cao su được giá nên rất nhiều hộ dân xóm Nghĩa Hưng, xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa) và người dân ở xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Hồng, Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) đã làm đơn xin khoán đất của các nông trường nơi đây để đầu tư vào trồng cao su với hy vọng đổi đời từ “mỏ” vàng trắng này. Thế nhưng, từ cuối năm 2013 đến nay, giá mủ cao su liên tục rớt, khiến nhiều người dân đang sống nhờ vào cây cây cao su hết sức hoang mang, lo lắng.

Chúng tôi có mặt tại xóm Nghĩa Hưng, xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa và gặp ông Nguyễn Đức Tiến - người nhận khoán hơn 1ha cao su từ Nông trường Tây Hiếu 1. Ông Tiến buồn bã nói: “Mấy năm trước mủ cao su được giá nên cả 5 người trong gia đình tôi đều hàng ngày ra vườn chăm sóc, thu hoạch mủ cao su. Lúc đó, gia đình chúng tôi cũng có của ăn của để.

Nhưng mấy năm trở lại đây, giá mủ cao su rớt thảm, 2 đứa con lớn của tôi đành phải vào khu công nghiệp trong miền Nam để làm việc kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Tôi cũng bàn với vợ chặt bỏ cây cao su để trồng cam, nhưng cũng thấy tiếc vì vườn cao su là công sức của gia đình hơn 7 năm qua và mới thu hoạch được 2 vụ nên đang để vậy xem sang năm giá mủ có lên không thì tính tiếp...”.

Cùng cảnh ngộ, gia đình Nguyễn Xuân Hoàn trú tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cũng nhận khoán gần 1ha cao su 8 năm nay, chia sẻ: “Giá mủ xuống thấp, tiền bán không đủ trang trải công chăm sóc, thuê nhân công cạo mủ. Lâu nay tôi cũng như bao người dân vùng này không thu hoạch mủ cao su nữa, nhiều hộ để hoang vườn cao su không chăm sóc, chuyển sang nhiều nghề khác kiếm sống rồi”.

Ông Nguyễn Trọng Khánh - xóm trưởng xóm Nghĩa Hưng cho biết: “Xóm chúng tôi có hơn 102 hộ dân, trong đó có trên 70 hộ đã xin khoán đất của Nông trường Tây Hiếu để đầu tư trồng cao su với diện tích hơn 100ha. Gia đình tôi cũng xin nhận khoán 1ha cao su, mua giống về trồng nhưng sau 7 năm, đến nay thu không đủ bù chi, 2 đứa con phải rời quê đi làm ăn xa, còn vườn cao su bỏ hoang không ai chăm sóc”.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Đức Mậu – Đội trưởng đội sản xuất thuộc Nông trường Tây Hiếu 1 cho biết: “Từ cuối 2013 đến nay, mủ cao su ít nhất đã 3 lần rớt giá và hiện đứng ở mức gần 25.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều nếu so với thời điểm giá cao nhất trong cuối năm 2010 khoảng 70.000 đồng/kg. Giá thấp như vậy nên nhiều hộ rất chán nản, bỏ bê cao su không buồn chăm sóc”.

Ông Trần Ngọc Thắng – Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển cao su Nghệ An (Tập đoàn Cao su Việt Nam) chia sẻ: “Hiện công ty đã trồng hơn 4.200/10.700ha cao su được quy hoạch tại 3 huyện Thanh Chương, Anh Sơn và Quế Phong. Mấy năm trở lại đây, giá mủ cao su xuống thấp nên chúng tôi cũng ban hành chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm mọi chi phí đầu tư sản xuất. Hiện một diện tích cao su khá lớn đang vào thời kỳ thu hoạch mủ, nhưng với giá cả như hiện nay thì chúng tôi không thể cạo mủ được, đành ngồi chờ giá mủ lên thôi”.

Mòn mỏi chờ cây cho mủ

Trong khi người trồng cao su ở Nghệ An không buồn khai thác mủ thì những hộ trồng cao su ở Tây Bắc còn khốn khổ hơn, vì sau hơn 7 năm trồng, cây cao su vẫn “trơ trơ”, không cho giọt mủ nào. Dự kiến, sẽ không chỉ có 70ha cao su ở Sơn La phải chặt bỏ, mà sẽ còn hàng trăm ha ở các tỉnh khác tiếp tục bị đốn làm… củi.

"Tính đến nay, sau 7 năm tham gia trồng cao su, chúng tôi vẫn chưa có ai được ký hợp đồng với công ty cao su như hứa hẹn ban đầu nên không biết quyền lợi sau này của mình sẽ như thế nào”.

Nông dân Lò Văn Thời (xã Mường Bú, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La)

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những sai lầm rất lớn nhất trong quá trình phát triển cây cao su ở Sơn La nói riêng, miền núi phía Bắc nói chung là đã huy động diện tích đất sản xuất quá lớn, của quá nhiều hộ dân, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Là tỉnh đặc biệt khó khăn, lại thực hiện di dân tái định cư Thủy điện Sơn La nên quỹ đất sản xuất cũng như sức dân ở đây đều rất hạn chế, vì vậy việc đợi chờ nguồn thu trong khoảng thời gian đầu tư tới 9 năm (trước đây dự kiến là 7 năm) là quá sức đối với bà con.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có người dân bản Củ Pe (huyện Mai Sơn, Sơn La) muốn chuyển bản đi nơi khác vì không còn đất để sản xuất (đều đã dành để trồng cao su), bát cơm, manh áo hàng ngày bị đe dọa, mà nhiều dân bản khác cũng không còn “sức” để trông đợi vào dự án phát triển cây cao su. Theo báo cáo sơ kết 7 năm (2007-2015) về phát triển cây cao su tại tỉnh Sơn La, toàn tỉnh có 940 hộ thuộc 29 bản là dân tái định cư Thủy điện Sơn La đã góp đất trồng cây cao su với tổng diện tích là 563,2ha, bình quân gần 0,6ha đất/hộ. Trong đó, việc huy động đất sản xuất vào phát triển cao su ở huyện Quỳnh Nhai là lớn nhất, với 452,9ha của 736 hộ dân thuộc 21 bản tái định cư Thủy điện Sơn La.

Ông Lèo Văn Hợp - Chủ tịch UBND xã Mường Bú (Quỳnh Nhai) cho biết, diện tích cao su của xã chiếm tới gần 25% diện tích cây cao su của toàn tỉnh. Mặc dù không có hộ nào bị huy động 100% diện tich đất vào dự án cao su, nhưng sau nhiều năm chờ đợi trong vô vọng, đến nay bà con rất hoang mang trước hiệu quả kinh tế của loài cây này. “So với các địa bàn khác, nông dân Mường Bú vẫn còn một ít đất sản xuất để cạy cục miếng ăn. Nhưng hiện nhiều người đã đòi lại đất trồng cao su, một số người được nhận làm công nhân thì xin nghỉ việc vì không có việc làm, không có thu nhập” – ông Hợp cho biết.


Cao su và cuộc thí nghiệm khổng lồ mạo hiểm, dân gánh rủi ro Cao su và cuộc thí nghiệm khổng lồ… Cà phê rụng lá, khô cành vì phân bón dỏm Cà phê rụng lá, khô cành vì phân…