Tin nông nghiệp Cao thủ nuôi lợn đen ở Mèo Vạc

Cao thủ nuôi lợn đen ở Mèo Vạc

Author Bảo Lâm, publish date Monday. May 7th, 2018

Cao thủ nuôi lợn đen ở Mèo Vạc

Anh Hoàng A Páo đang nuôi khoảng 60 con lợn đen bản địa và dạy 13 xã viên khác làm giàu từ giống lợn này.

Lợn đen bản địa tại Tả Lủng có chất thịt ngọt thơm, ít mỡ. Ảnh: Bizmedia

Hoàng A Páo thuộc thế hệ 8X, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, anh trở về quê hương phát triển kinh tế theo các mô hình nông - lâm kết hợp. Nhờ nói hay làm giỏi, anh được tín nhiệm trở thành cán bộ làm việc cho UBND xã Tả Lủng đến nay.

Nhận thấy lợn đen bản địa (ít mỡ, thịt thơm) được các nhà hàng trên thị trấn ưa thích, anh Páo quyết tâm tìm hiểu và thử nghiệm nhiều mô hình chăn nuôi để làm giàu từ giống lợn này. 

"Tôi nuôi thử lợn đen ở bản đã lâu, nhưng từ 2014 mới bắt đầu đưa vào chăn nuôi theo mô hình bán chăn thả", anh Páo chia sẻ.

Trang trại của anh nằm trên đỉnh đồi thôn Há Chế, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Tại đây, gia đình đang chăn thả 10 con lợn nái, 15-20 lợn hậu bị, còn lại là lợn thương phẩm. Xung quanh chuồng lợn là dãy trại nuôi chim bồ câu, bò, ngựa.

Giống lợn đen bản địa tại Tả Lủng có mõm dài, lông dài màu đen hoặc hơi vàng, cơ thể chắc nịch, nhỏ hơn lợn thường. Con trưởng thành tối đa đạt 50-70kg nếu nuôi được tròn năm.

Trước kia, giống lợn này được bà con H’mông, người Dao nuôi trong bản. Anh Páo chọn lọc những con giống tốt để nhân rộng mô hình. Dòng lợn này chậm lớn, nuôi trung bình 4-8 tháng mới đạt 15-20 kg, nếu nuôi trên một năm thì nặng 40-50kg.

Anh nhớ lại thời điểm bắt đầu gặp nhiều khó khăn về thức ăn và chuồng trại; nuôi không đúng cách, lợn chậm lớn và dễ bệnh; nuôi nhiều khiến dịch bệnh lây lan, thiệt hại không ít. Năm 2016, có thời điểm anh mất trắng đến 400 triệu đồng.

“Qua những lần thất bại, tôi vẫn cố gắng làm lại”, anh Páo chia sẻ.

Sau nhiều lần thất bại, A Páo mạnh dạn đầu tư chuồng trại để nuôi lợn đen bán chăn thả. Ảnh: Bizmedia

Hiện, anh Páo đang nuôi lợn theo hình thức bán chăn thả với thức ăn chính là cỏ, cây chuối, bột ngô. Anh bổ sung thức ăn tinh ngày 2 bữa, gồm bỗng rượu trộn với chuối, cỏ, bên cạnh việc thả lợn tự ủi tìm thức ăn.

Do thời tiết vùng cao khắc nghiệt, lợn hay mắc bệnh phổi, dịch tả, đường ruột. Để phòng bệnh, anh định kỳ vệ sinh máng ăn và rải vôi quanh chuồng trại, tiêm vắcxin theo quy định và cho lợn ăn thêm các loại thảo dược như hà thủ ô, giảo cổ lam, ba kích… Các cây này được trồng rải rác trên núi đá quanh nhà, cũng là những loại cây bản địa nên không cần tốn công chăm bón.

Hiện, anh Páo đã hoàn thiện được mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín. Anh tận dụng bỗng rượu làm thức ăn nuôi lợn; phân từ đệm lót sinh học quay lại bón cho cỏ làm thức ăn cho bò, lợn. Việc tận dụng nguồn lực sẵn có giúp hạ chi phí và tạo ra thực phẩm thịt sạch, ngon.

Đàn lợn được xuất bán đều đặn hàng tuần. Giá thịt lợn loại trên 45 kg có giá bán 50.000-60.000 đồng, lợn 30-45kg có giá 70.000 đồng, dưới 30kg bán 80.000-100.000 đồng mỗi kg.

Lợn được cho ăn cỏ và  thức ăn tinh để có đủ chất dinh dưỡng. Ảnh: Bizmedia

Theo anh, do điều kiện ở địa phương toàn núi đá, nên ngoài trồng ngô, bà con chỉ có thể phát triển chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Giữa năm 2016, anh Páo vận động dân làng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng với 11 xã viên tại 8 thôn bản.

Đến cuối năm 2016, anh hướng dẫn 13 hộ nuôi khoảng 18 con. Năm nay, anh dạy thêm được 8 hộ. Ngoài truyền đạt kiến thức chăn nuôi và cung cấp giống cho bà con, hợp tác xã còn bao tiêu luôn đầu ra.

Anh Páo cho biết, nhờ hỗ trợ từ chính sách vay vốn, phát triển chăn nuôi của địa phương, hiện anh đã hoàn thành giai đoạn 1 là xây dựng chuồng trại, ổn định chăn nuôi. Giai đoạn 2 cùng được hoàn thiện gồm đầu tư con giống, hỗ trợ, gắn kết bà con chăn nuôi, cung ứng giống chuẩn đã được tiêm phòng lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả… và bao tiêu đầu ra để bà con yên tâm sản xuất ổn định. Theo kế hoạc giai đoạn 3, hợp tác xã sẽ xây dựng thương hiệu hoàn thiện chuỗi, đóng gói hút chân không và bảo quản lạnh để chuyển ra thị trường.

Bằng nỗ lực dám nghĩ dám làm, năm 2006, anh Páo được nhận giải thưởng Lương Định Của do Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”. Năm 2017, anh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho nông dân đã có thành tích trong sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang.


Giải pháp nước tưới vụ hè thu Giải pháp nước tưới vụ hè thu Nhân rộng cây trồng xen trong vườn cà phê Nhân rộng cây trồng xen trong vườn cà…