Mô hình kinh tế Cấp Giống Tái Canh Cây Cà Phê

Cấp Giống Tái Canh Cây Cà Phê

Publish date Wednesday. July 31st, 2013

Cấp Giống Tái Canh Cây Cà Phê

Để thực hiện chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong 2 năm qua, từ nguồn vốn của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA), người dân trong tỉnh còn được cấp miễn phí giống cà phê để “trẻ hóa” vườn cây. Tuy nhiên, qua thực tế cấp phát cho thấy, công tác này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, nơi mà việc triển khai còn mang tính hình thức đại trà, chiếu lệ.

Theo số liệu thống kê năm 2012, toàn tỉnh có tổng diện tích cà phê là 114.000 ha, năng suất trung bình đạt 2,2 tấn/ha; trong đó, có trên 20% diện tích cà phê già cỗi, năng suất dưới 1,5 tấn/ha. Trước thực trạng đó, chủ trương của tỉnh về thực hiện chương trình “trẻ hóa vườn cà phê” nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và tăng thu nhập cho người trồng cà phê là giải pháp cần thiết và hết sức cấp bách. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do các cấp, ngành còn thực hiện theo hình thức “mô hình”, còn nông dân vẫn tự xoay xở nên hiệu quả không cao.

Cán bộ chuyên môn tắc trách!?

Thực hiện cam kết hỗ trợ giống thực hiện tái canh cà phê năm 2011-2012, Sở Nông nghiệp-PTNT Đắk Nông nhận 500 kg giống cà phê vối, giao cho các huyện, thị xã để ươm giống cấp phát cho người dân. Thế nhưng, nhiều địa phương đã khoán “trọn gói” công đoạn ươm giống cho các chủ vườn ươm đến việc cấp giống cho người dân tự trồng mà không có sự giám sát, theo dõi của cán bộ chuyên môn nên khi cây giống xuất vườn không đạt tiêu chuẩn, chất lượng nên số lượng cây sau khi trồng chết khá cao.

Đơn cử, trong năm 2012, thị xã Gia Nghĩa cũng thực hiện cấp phát 68.000 cây cà phê giống cho người dân; trong đó có 58.000 cây được Phòng Kinh tế thị xã triển khai ươm từ 50 kg hạt, còn 10.000 cây là do VICOFA đặt mua cây giống cà phê thực sinh tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, các xã, phường lại cấp cây giống cho các hộ dao động từ 20 cây đến 200 cây/hộ.

Do số lượng ít nên các hộ chủ yếu là trồng dặm để thay thế những cây cà phê già cỗi hoặc trồng ở những cây bị chết do bị bệnh; mặt khác, vì không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật tái canh cà phê nên nhiều cây sinh trưởng và phát triển kém. Theo kết quả kiểm tra thì đến nay, tỷ lệ cây sống ở một số xã, tổ dân phố đạt dưới 70%, có nơi chỉ đạt 30%. Còn tại huyện Tuy Đức, Chư Jút, qua kiểm tra thì toàn bộ số lượng cây giống cấp cho người dân trồng đều bị chết hết nên số giống nhận về và kế hoạch tái canh của hai huyện năm 2012 coi như công cốc.

Không riêng gì các địa phương nói trên, theo kết quả kiểm tra sơ bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì các huyện còn lại kết quả cũng chẳng mấy khả quan. Nguyên nhân dẫn đến vườn cây bị chết một phần do cấp giống muộn, sau khi trồng gặp thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho cây cà phê non sinh trưởng phát triển kém, còi cọc, tỷ lệ chết cao.

Mặt khác, do thực hiện tái canh phân tán nhưng bà con không có thời gian chuẩn bị đất cũng như việc hướng dẫn quy trình xử lý đất, khử nấm bệnh nên cây cà phê trồng mới không thể sống được. Liên quan đến vấn đề này, nhiều người cho rằng phần nhiều là do cán bộ chuyên môn tắc trách, buông lỏng quản lý trong quá trình cấp giống tái canh cà phê.

Có nên thay đổi hình thức hỗ trợ?

Tiếp tục thực hiện chương trình cấp giống tái canh cà phê, năm 2013, Sở Nông nghiệp-PTNT cũng đã nhận 700 kg hạt giống cà phê và 20.000 cây giống ươm sẵn. Đến nay, các huyện đã cơ bản cấp phát nguồn giống này đến tay người dân và so với năm ngoái thì năm nay, việc cấp phát giống có phần kịp thời vụ hơn.

Theo VICOFA thì để thực hiện tái canh theo mô hình phân tán, các đơn vị tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cụ thể cho người dân, cung ứng cây giống, vật tư để bà con chủ động thay thế các cây cà phê có chất lượng kém (tỷ lệ thay khoảng 7-10% số cây/ha/năm). Thế nhưng, theo bà con nông dân thì hiện nhu cầu tái canh những diện tích cà phê già cỗi ở các địa phương là rất lớn.

Tuy nhiên, cái cần lớn nhất của bà con là kinh phí để thuê mướn phương tiện cơ giới cho nhổ gốc, trục rễ cây cà phê và một quy trình tái canh thống nhất hiệu quả. Bởi chưa hẳn năm nào người dân cũng nhận được giống của chương trình để tái canh vườn cà phê của mình. Hơn nữa, người dân thường nhận giống một cách thụ động, chưa chuẩn bị kỹ đất trồng. Vì lẽ đó, theo các địa phương thì nên chăng, ngành cà phê Việt Nam cũng như các cấp, ngành hữu quan cần nghiên cứu, thay đổi hình thức hỗ trợ tái canh cho phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng sản xuất và điều kiện đời sống kinh tế của người dân.

Theo đó, các ngành chuyên môn và địa phương cần gắn công tác quy hoạch các vùng có diện tích cà phê già cỗi cụ thể cần được tái canh với việc chọn phương án hỗ trợ thích hợp cho từng đối tượng có nhu cầu. Chẳng hạn như, thay vì cấp giống theo kiểu dàn trải, trồng manh mún kém hiệu quả, đơn vị chủ quản nên điều chỉnh hình thức hỗ trợ, tập trung nguồn vốn của chương trình để giúp bà con nhổ tỉa vườn cây, xử lý đất… và cung ứng cây cà phê giống với số lượng lớn. Với cách làm này có thể thực hiện ở một vài hộ, sau đó mở rộng ra một thôn, xã, huyện…

Như vậy, phần nào tránh được sự lãng phí, hao tốn tiền của như việc cấp phát giống “đại trà” hiện nay. Mặc dù phương án trên tuy chậm nhưng với tiềm năng về tài chính của số đông người trồng cà phê thì biện pháp này sẽ nhanh chóng được nhân rộng và cũng rất thuận lợi trong việc chuyển giao công nghệ, giám sát về chuyên môn kỹ thuật của các ngành chuyên môn.


Gạo Đồ Hướng Đi Mới Trong Xuất Khẩu Gạo Gạo Đồ Hướng Đi Mới Trong Xuất Khẩu… Người Nuôi Heo, Gà Hụt Hơi Với Giá Người Nuôi Heo, Gà Hụt Hơi Với Giá