Câu chuyện TPP ở xứ xoài
Vậy là, bà con trồng xoài cảm thấy mình “vô can” trong một sự kiện nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý cũng như cộng đồng các doanh nghiệp, một sự kiện được đánh giá là nhiều thời cơ nhưng cũng đầy thách thức với ngay xứ sở của mình.
Đó là câu chuyện trao đổi dưới những tán xoài, giữa chính quyền, bà con nông dân và doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ đang tìm kiếm sự hợp tác, liên kết.
Câu chuyện bắt đầu từ sự “mặc cả” về những điều khoản để doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ xoài cho bà con quanh năm.
Và, một khi “mặc cả” thì không tránh khỏi có những lời lẽ nặng nhẹ, thậm chí là “chì chiết” nhau vì xung đột lợi ích đôi bên.
Và, không tránh khỏi câu chuyện “được mùa, mất giá”, chuyện bên này “lật kèo”, bên kia “chèn ép”.
Người trồng xoài kể lể về sự khó nhọc, vất vả, “mồ hôi, nước mắt”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Nhà doanh nghiệp thì viện dẫn ra những rủi ro về chi phí và chất lượng nông sản, trong đó, có trái xoài khi đưa đến thị trường xứ người.
Và rồi, “chỉ những người nông dân mới là người khổ nhất, chịu nhiều thua thiệt nhất”, còn mấy “thằng thương lái”, mấy “ông doanh nghiệp” chuyên ngồi giữa mà hưởng lợi, mà sống “trên đầu, trên cổ người sản xuất”.
Doanh nghiệp thì “than trời, trách đất” về cách làm ăn gian dối, sử dụng chất cấm làm ảnh hưởng đến lô hàng này bị trả về, lô hàng kia bị thua lỗ...
Ông chính quyền ngồi giữa, ngó bên này, nhìn bên kia, không biết theo bên nào vì lý lẽ bên nào cũng có cái lý cả, cũng có chứng minh trường hợp này, vụ việc kia.
Rồi ai đó chợt thốt lên: “Bà con ơi, mình đang tính toán thiệt hơn nhau, chì chiết nhau, đổ lỗi cho nhau thì trái xoài Thái Lan, xoài keo Campuchia đã thấy bán ngay ngoài chợ làng của mình rồi nè”!
Vậy, sao mình hổng chịu liên kết lại với nhau, nương tựa nhau để tạo ra sức mạnh đủ sức cạnh tranh với trái xoài của thiên hạ, mà để đến nỗi giờ này mình thua thiệt ngay trong chợ làng của mình?
Sau một hồi tranh luận, bà con mình mới “ngộ” ra rằng, không ai cứu được mình trong khi mình không tự cứu mình, không thay đổi nếp nghĩ cũ, cách làm cũ...!
Trước hết, phải kiên trì vận động những người trồng xoài hợp tác lại với nhau và cùng liên kết với doanh nghiệp mới có thể tạo thành sức mạnh đủ sức giữ vững “trận địa”, đủ sức mà “chiến đấu”, cạnh tranh trong ngôi chợ lớn gấp trăm ngàn lần ngôi chợ làng, đó là chợ TPP, chợ thế giới.
Tưởng chừng vậy là xong, là đã tìm thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”, nhưng bỗng ai đó chen vào:
“Trời ơi, biết vậy nhưng cái dở nhất của người mình là không hợp tác được với nhau”! Thì ngay ở đây chứ có đâu xa, trong nhà tui nè, hai anh em ruột bình thường thương nhau lắm, nhưng khi hợp tác lại, hùn vốn với nhau để mần ăn là có chuyện, là một hơn hai thua, riết rồi phải đưa nhau ra toà, là đoạn tình huyết thống.
Chợt giật mình vì đó là câu chuyện có thật, ngay cả ở cộng đồng doanh nghiệp.
Khoan hãy nói câu chuyện “thời cơ và thách thức” khi gia nhập TPP và các sân chơi khác, khoan hãy nói đến câu chuyện “chúng ta” phải thế này thế nọ, mà chưa biết “chúng ta” là ai.
Trước hết, hãy xúm nhau bàn cách vượt qua lời nguyền này, lời nguyền về sự thiếu hợp tác, lời nguyền về lợi ích cục bộ, hay “lợi ích nhóm” – như mấy ông chuyên gia hay nói.
Làm sao xoá đi nếp nghĩ chỉ lo cho mình mà không nghĩ đến người khác, được cho mình mà xâm hại đến lợi ích của người khác, đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.
Cuộc cạnh tranh ngày nay là cuộc tranh đấu khốc liệt, đã vượt qua không gian làng xã, không gian một xứ sở rồi, đã là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia này với quốc gia khác rồi.
Ngồi đó mà than trách, mà hơn thua nhau, chì chiết nhau thì điều gì sẽ xảy ra? Cùng chìm xuồng!
Hãy đưa những điều bình dị, gần gũi nhất về hội nhập kinh tế thế giới đến với xóm làng, từ câu chuyện cây lúa mớ rau, con cá con tôm, trái quýt trái xoài, để bà con mình, doanh nghiệp mình cảm nhận được “thời cơ và thách thức”.
Và nhất là, để mọi người hiểu rằng thách thức nằm ngay trong mỗi người, từ trong cách nghĩ “ao làng”, cách làm “mùa vụ”, tư duy “nhiệm kỳ” trong mỗi người, mỗi tổ chức, địa phương.
Mình đang lẩn quẩn ở ao làng, dưới tán vườn cây, kể lể về những tiềm năng, thấy một kết quả nhỏ trong ngắn hạn, trong một hai mùa vụ, ở ngành này lĩnh vực kia, rồi tự huyễn hoặc với bao lời khen tặng đầy tính ngoại giao, tưởng mình đã “hoá rồng, thành hổ”.
Trong khi đó, nhìn xa hơn ao cá, cao hơn những tán xoài, đảo quốc Singapore đã đưa ra chiến lược “Đẩy mạnh sáng tạo để phát triển công nghệ” cho tương lai, đất nước Chùa vàng Thái Lan đưa ra mục tiêu năm năm tới sẽ trở thành một trong năm quốc gia hàng đầu về du lịch.
Vậy là, thiên hạ đã tiến tới kỷ nguyên “mấy chấm không” rồi nhỉ, và chúng ta đang ở đâu trong vòng xoáy của sự phát triển toàn cầu?
Ai là người có trách nhiệm, ai là người kiến tạo dẫn dắt, ai là bà đỡ, ai là người đóng thuyền, ai là người cầm lái để đưa hàng hoá xứ mình vượt đại dương?
Ai là người cận kề với bà con nông dân, với doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh, để tăng lòng tin và niềm tin khi vượt ao làng vươn ra đại dương bao la nhiều tôm cá nhưng đầy những con sóng dữ?
Chắc phải chia nhỏ chữ “chúng ta” ra để trách nhiệm rõ ràng hơn.
Nhà nước phải làm gì? Doanh nghiệp phải làm gì? Nông dân phải làm gì? Mỗi bên đều có sức mạnh riêng và nếu liên kết lại thì thành một sức mạnh lớn hơn nhường nào.
Chứ không phải như ai đó trêu đùa: “Xứ mình có một thế mạnh là “mạnh ai nấy làm””!
Có người nói rằng: “Thực tế cho thấy vinh quang của quá khứ không hề là bảo đảm cho hiện tại và tương lai trong một thế giới năng động và sáng tạo hiện nay”.
“Nước đã đến chân” rồi, nhảy hay chết chìm?
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao