Cây ca cao 10 năm nhìn lại
Ngày 28/7 tại TPHCM, Bộ NN&PTNT và Ban Điều phối phát triển ca cao Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá 10 năm phát triển ca cao Việt Nam, định hướng thời gian tới. Đây là dịp để cơ quan quản lý, các công ty, các địa phương, người dân nhìn lại những việc đã làm được, chưa làm được trong hơn 10 năm qua.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong những năm qua, một điều dễ nhận thấy là diện tích trồng cây ca cao sau một thời gian tăng trưởng mạnh rồi đột ngột giảm nhanh do nông dân chặt bỏ để trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn.
Thực tế cho thấy, giai đoạn 2004-2012, cây ca cao Việt Nam có rất nhiều chương trình hỗ trợ của các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ cũng như tập đoàn sản xuất sô-cô-la trên thế giới về tài chính, kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm biến Việt Nam trở thành một thủ phủ về cây ca cao của châu Á.
Một vài dự án như dự án PSOM được Chính phủ Hà Lan tài trợ, Winrock và WWF hỗ trợ cho dự án ca cao sinh thái ở Lâm Đồng, dự án SUCCES ALLLINACE hỗ trợ cho người trồng ca cao các tỉnh phía Nam, các dự án ở dạng hợp tác công-tư (PPP) trong việc xây dựng các trung tâm trình diễn, khảo nghiệm các giống ca cao phù hợp với từng địa phương.
Vì thế, trong giai đoạn từ 2005-2012, theo số liệu của Cục Trồng trọt, diện tích ca cao từ 4.270 ha (năm 2005) đã tăng liên tục trong các năm sau đó và đạt 25.700 ha trong năm 2012. Tuy nhiên, sau năm 2012, giá ca cao đột ngột giảm sâu chỉ còn 3.000 đồng/kg trái tươi, giảm hơn 50% so với trước đó.
Cùng với đó là giá những sản phẩm cạnh tranh đất trồng với cây ca cao như dừa, bưởi da xanh, hồ tiêu luôn tăng mạnh. Vì thế, người dân đã chặt bỏ ca cao để trồng cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Tính đến nay, sau 3 năm kể từ thời điểm nói trên, tổng diện tích trồng ca cao của cả nước chỉ còn chưa đến 11.700 ha, giảm 14.000 ha.
Theo Cục Trồng trọt, trong mục tiêu phát triển ca cao đến năm 2020, tổng diện tích trồng ca cao vào khoảng 50.000 ha, năng suất trung bình khoảng 1,2 kg hạt khô/cây.
Theo ông Lâm, với năng suất như vậy sẽ không khuyến khích người dân. Vì thế, Cục Trồng trọt phải làm sao nâng được năng suất trung bình ở mức 2 kg hạt khô/cây thì mới thúc đẩy người dân mở rộng phát triển cây ca cao bền vững.
Mặc dù cây ca cao trải qua những giai đoạn thăng trầm, song đại diện một công ty sản xuất sô-cô-la tại Việt Nam, ông Gricha Safarian, Giám đốc điều hành Công ty Puratos Grand Place Việt Nam lại tin rằng, vào thời điểm hiện tại, Việt Nam đang hội tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành một quốc gia sản xuất ca cao có tầm cỡ ở châu Á.
Theo vị giám đốc này, ngoài điều kiện tự nhiên phù hợp với cây ca cao, thì lý do quan trọng là nông dân Việt Nam có thể tiếp thu nhanh kỹ thuật trồng, chăm sóc ca cao. Cụ thể, trong thời gian qua những nông dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc ca cao đã nâng năng suất thu hoạch hạt ca cao lên khá cao, có thể đạt đến 3 kg hạt khô/cây, tức là gấp 3 lần so với khi chưa được tập huấn.
Ông Gricha Safarian cũng cho biết thêm, hiện giá ca cao mà nông dân đang bán cho các công ty thu mua hạt ca cao đã tương đương với giá ca cao trên thị trường London. Đây chính là tín hiệu tốt khi sản phẩm hạt ca cao của Việt Nam được gắn kết với giá thế giới.
Một điều nữa để ông Gricha Safarian tin tưởng vào sự phát triển của công ty Puratos Grand Place tại Việt Nam trong những năm tới là nhìn thấy Chính phủ đang có những chính sách nhằm hỗ trợ hơn nữa cho cây ca cao phát triển theo hướng bền vững bằng cách hướng đến chất lượng sản phẩm và tăng năng suất hơn là tìm cách tăng trưởng nóng diện tích ca cao như trước đây.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao