Cây Ca Cao Ở 3 Huyện Phía Nam, Thêm Một Bài Học
Chuyến công tác về lại 3 huyện phía nam là Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai (Lâm Đồng) trong những ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi thêm một lần nữa chứng kiến cảnh dở khóc dở cười của nông dân về chuyện “trồng - phá, phá - trồng” cây ca cao.
Tại Đạ Tẻh, tận mắt nhìn thấy cảnh mua bán, chế biến khá nhộn nhịp loại sản phẩm nông nghiệp này, chúng tôi đã bắt chuyện những người đi thu mua, chị Lê Thị Tuyến (một trong những người được hỏi) trả lời: “Đi mãi cả ngày trời nhưng mua nhiều lắm cũng chỉ được vài tạ. Ca cao trong dân thì hết rồi; trong khi các cơ sở sơ chế thì thiếu nguyên liệu”. Thì ra, trong vài tháng gần đây, giá ca cao ở 3 huyện phía nam tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Khảo sát của chúng tôi tại Đạ Tẻh: Từ đầu tháng 5 đến nay, giá ca cao hạt khô lên men luôn ở mức 55.000 - 57.000 đồng/kg, tương đương 4.700 - 5.100 đồng/kg trái tươi. Giá này cao hơn gấp đôi so với gần một năm trở về trước.
Diện tích giảm đáng kể
Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 9.2013 tại 3 huyện phía nam đã xảy ra hiện tượng nhà nông ồ ạt chặt bỏ cây ca cao để thay thế các loại cây trồng khác. Trong suốt thời gian 9 tháng này, giá ca cao ở đây chỉ còn không đến 30.000 đồng/kg hạt khô, tương đương 2.500 đồng/kg trái tươi. Với giá này, tính ra mỗi hecta ca cao cho nông dân thu nhập không đến 30 triệu đồng mỗi năm nên việc “lựa chọn” (chặt bỏ) của nông dân không phải là không có cơ sở.
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch UBND xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh) nói: “Vào thời điểm đó, giá ca cao giảm cùng với tình hình sâu bệnh trên cây trồng là nguyên nhân chính để bà con dân tộc thiểu số trong xã tự xóa sổ 3ha ca cao của dự án ACDI/VOCA (Hợp tác phát triển nông nghiệp và trợ giúp quốc tế của Hoa Kỳ)”.
Không chỉ 3ha của bà con dân tộc thiểu số xã An Nhơn mà cũng trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 9 tại huyện Đạ Tẻh còn có khoảng 100ha ca cao khác bị xóa sổ. Do vậy, diện tích ca cao của huyện Đạ Tẻh từ 300ha vào cuối năm 2012 đã giảm xuống còn không đến 200ha vào cuối năm 2013.
Tương tự, tại huyện Đạ Huoai, vùng nguyên liệu ca cao vào cuối năm 2013 cũng đã giảm 100ha trong tổng diện tích cao nhất là 400ha đạt được trước đó. Cũng như vậy, tại Cát Tiên, vùng nguyên liệu ca cao 300ha trước đó đã giảm xuống còn chỉ hơn 150ha vào cuối năm 2013.
Như vậy, tính cả tỉnh Lâm Đồng, vùng nguyên liệu ca cao vào thời điểm đạt cao nhất là 1.700ha vào cuối năm 2012 - sau 5 năm thực hiện chương trình phát triển ca cao - đã giảm đáng kể (ước tính khoảng 500ha, tính cả huyện Đam Rông và một số địa phương khác - mặc dầu những địa phương này không nằm trong diện quy hoạch phát triển ca cao của tỉnh) trong năm 2013.
Cần phát triển bền vững
Bắt đầu từ cuối năm 2013 đến nay - đầu tháng 5.2014, tình hình phát triển cây ca cao ở 3 huyện phía nam đã khác. Nhiều nông dân ở đây đã chạy đôn chạy đáo tìm mua cây giống để trồng lại trên chính vườn ca cao mà cách nay vài tháng đã bị phá.
Nhiều hộ nông dân ở huyện Cát Tiên cho biết: Do sâu bệnh và giá cả xuống thấp, nhận thấy vườn ca cao không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên họ đã tự phá bỏ. Tuy nhiên, trong lúc chưa kịp nghĩ ra trồng cây dài ngày nào mà chỉ mới trồng các loại cây ngắn ngày thì giá ca cao vọt lên ngất ngưởng; và do vậy, sự lựa chọn của họ là quay lại với loại cây trồng này.
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về diện tích ca cao của 3 huyện phía nam đã tăng lên bao nhiêu trong vòng hơn 4 tháng qua nhưng dấu hiệu phục hồi loại cây trồng này là chuyện đáng mừng. Bởi lẽ, theo quy hoạch (dự án “Quy hoạch phát triển bền vững ca cao tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”) thì đến năm 2015, Lâm Đồng (chủ yếu là 3 huyện phía nam) đạt 4.000ha ca cao; và diện tích này đến năm 2020 là 5.000ha.
Phân giai đoạn cho từng huyện, đến năm 2015, huyện Đạ Huoai có 2.400ha, Cát Tiên 1.000ha và Đạ Tẻh 600ha; đến năm 2020, con số này của Đạ Huoai là 3.000ha, Cát Tiên 1.300ha và Đạ Tẻh 700ha. Như vậy, rất có thể con số 4.000ha vào năm 2015 là con số khó đạt được, nên phải “bù” lại bằng cách “tăng tốc” vào những năm từ 2016 - 2020 để con số 5.000ha trở thành con số hiện thực vào cuối năm 2020.
Nhưng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để không tái diễn cảnh nông dân chặt phá vườn ca cao khi giá cả loại cây trồng này xuống thấp? Nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có chính sách trợ giá cho cây ca cao như nhiều loại cây trồng khác (như cây cà phê, cây chè, cây lúa, hồ tiêu, cao su...); bên cạnh đó, cần giúp nông dân nắm bắt giá cả thị trường, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, giúp về vốn để canh tác ca cao...
Có thể nói, việc “trồng - phá bỏ, phá bỏ - trồng” của nông dân ở 3 huyện phía nam đối với cây ca cao (như từng xảy ra với nhiều loại cây trồng khác) trong thời gian gần đây là một bài học cần được rút kinh nghiệm. Và do vậy, ngay từ bây giờ, Lâm Đồng cần đưa ra những giải pháp sát với thực tế hơn để đảm bảo cho loại cây trồng này phát triển bền vững như quy hoạch đã được phê duyệt.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao