Cây Thuốc Giấu Trên Đỉnh Ngọc Linh
Từ hàng ngàn năm nay, người Xê Đăng ở trên đỉnh núi Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) coi củ kang - củ sâm Ngọc Linh, là thần dược, giúp họ chống chọi được với bao nhiêu bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc.
Xã Trà Linh bây giờ vẫn còn là một miền đất cao vợi, xa xôi nhất ở Nam Trà My, mặc dù đường sá đã được thảm nhựa. Và các nóc làng người Xê Đăng sống quanh lưng chừng đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.589m, quanh năm mây phủ nên muốn lên đây chỉ có cách duy nhất là leo núi với những dốc cao dựng đứng. Người khỏe mạnh đi bộ từ trung tâm xã (đoạn cuối đường giao thông) về các thôn mất ít nhất 4 giờ.
Ban ngày, các nóc làng vắng vẻ vì trẻ con đến lớp, người lớn vào rừng để chăm sóc, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh quý hiếm. Muốn gặp được dân làng phải leo dốc thêm 2 giờ nữa để vào rừng già. Có một nguyên tắc bất di bất dịch của người Xê Đăng nơi đây là mỗi khi muốn vào khu rừng trồng sâm, khách phải hú thật to từ xa để chủ vườn ra đón, nếu không sẽ đi lạc và đạp phải chông, thò mất mạng như chơi.
Dẫn chúng tôi vào chốt canh gác sâm làm bằng gỗ, mái lợp tôn vững chắc giữa khu rừng già, ông Hồ Văn Điền - Trưởng nóc Tắk Ngo, cho biết, mùa này cây sâm Ngọc Linh đang ngủ đông trong lòng đất, chờ khi có nắng ấm đầu xuân mới bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, ra hoa. Dân làng chỉ canh gác kẻ trộm nhổ sâm chứ không sợ thú rừng phá hoại.
Vì thế công việc cũng nhàn rỗi hơn các mùa khác. Giữa cái rét lạnh tới thấu xương nơi ngọn núi cao thứ nhì của Việt Nam, một ché rượu cần đặt bên bếp lửa cháy rực, già làng Hồ Văn Điền hút một ngụm rượu cần rồi kể rằng, cây sâm Ngọc Linh có từ lâu đời và được dân làng xem như một loại thần dược để chữa bệnh. Theo tiếng Xê Đăng, củ sâm Ngọc Linh có tên gọi là củ kang.
Cách đây chừng hai mươi năm, củ kang mọc đầy rẫy trong rừng già, mỗi khi có người ốm đau, bệnh tật, người làng chỉ cần vào rừng nhổ về giã nhuyễn để trị bệnh. Bây giờ nhiều người biết củ kang chính là củ sâm quý nhất Việt Nam nên sâm tự nhiên trong rừng già đã không còn nữa. Thay vào đó là những vườn sâm tập trung được người Xê Đăng tự nhân giống đưa vào trồng để bán lấy tiền, làm giàu.
Ông Điền bảo rằng, chẳng biết người đầu tiên phát hiện củ kang chữa được bá bệnh là ai, vào thời điểm nào. Chỉ biết từ xa xưa cha ông đã dùng loại củ này để cầm máu vết thương sau mỗi chuyến đi săn thú rừng, hoặc chữa trị cho trẻ nhỏ bị đau bụng, tiêu chảy, người già suy kiệt sức lực…
“Ngày xưa làm gì có bệnh viện, thuốc tây để chữa bệnh. Mỗi khi ốm đau, người Xê Đăng dùng củ kang để chữa trị. Nếu bị đứt tay chỉ cần giã nhuyển củ kang đắp vào vết thương là cầm máu ngay, một tuần sau sẽ lành. Hồi trước khi chia tách huyện, mỗi lần trong làng có người đau muốn chuyển xuống bệnh viện Trà My phải dùng cáng khiêng hết 2 ngày đường nên người Xê Đăng cho bệnh nhân ngậm củ kang để cầm cự mạng sống trong quá trình khiêng cáng rất hiệu quả.
Vì thế, người Xê Đăng quý củ kang hơn cả chiêng, ché…” - già làng Điền chia sẻ. Theo nhiều già làng lớn tuổi khác ở Măng Lùng, Tắk Lang, Kon Pin, Tu Ton… củ sâm Ngọc Linh được người bản địa đem về chôn dưới đất ngay dưới nhà sàn để chủ động hơn trong việc chữa bệnh. Tuy củ sâm rất quý nhưng trước đây không hề có chuyện buôn bán, trao đổi.
Người Xê Đăng xem củ sâm như một món quà quý báu mà thần núi ban tặng nên chia sẻ dùng chung cho cả cộng đồng. Mỗi khi đi rừng phát hiện được củ sâm to họ mang về chia cho cả làng cất giấu để chữa bệnh. Già làng Hồ Văn Reo ở nóc Măng Lùng kể rằng, trong những năm chống Pháp, chống Mỹ, xã Trà Linh được gọi là Bắc Bền thuộc căn cứ cách mạng bí mật của khu 5.
Bộ đội miền Bắc đóng quân rất đông, khi bị sốt rét, dân làng vào rừng đào củ kang tặng bộ đội chữa bệnh và phục hồi sức khỏe rất hiệu nghiệm. Già làng Reo cho biết thêm: “Gọi là cây thuốc giấu vì củ kang rất quý hiếm, mọc trong rừng già cần phải bảo vệ chứ không phải giấu là cất giữ bí mật chỉ dùng cho riêng mình.
Vì thế, người Xê Đăng, Kinh hay Ca Dong đến đây mà bị ốm đau, kiệt sức đều được dân làng đem biếu củ kang để chữa bệnh. Nó là thần dược mà không nơi nào ở Việt Nam có được”. Ông Reo còn bảo rằng, ngày xưa củ sâm mọc đầy trong rừng già nên người Xê Đăng đã nhổ sâm đem về trồng giấu một khu vực để chim chuột, thú rừng không phá hại.
Bây giờ củ kang được các nhà khoa học cho biết chính là củ sâm quý hiếm nên người Xê Đăng càng thêm ý thức giữ gìn và nhân rộng ra nhằm làm giàu cho mình và cho xã hội.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao