Chăm sóc ngô vụ xuân
Trong những năm gần đây, khi đời sống con người ngày một nâng cao thì nhu cầu sử dụng ngô làm thực phẩm ngày càng lớn. Ngô được sử dụng từ làm rau cao cấp đến dùng để ăn tươi (luộc, nướng) như các loại ngô nếp, ngô đường (ngô ngọt) chế biến thành các món ăn được nhiều người ưa chuộng như ngô chiên, súp ngô hoặc đóng hộp làm thực phẩm xuất khẩu. Để trồng ngô có năng suất cao, chất lượng tốt, bà con cần lưu ý khi chăm sóc ngô xuân như sau:
Kỹ thuật bón phân và chăm sóc:
Tùy theo các giống ngô, chân đất khác nhau mà bố trí lượng phân bón cho phù hợp. Ngoài lượng phân bón như đạm, lân, kali hoặc NPK tổng hợp, cần bổ sung phân bón vi lượng cho ngô mới nhằm mang lại chất lượng cao cho bắp ngô sau này cũng như tăng khả năng chống chịu cho cây trước dịch bệnh và thời tiết bất lợi.
- Bón lót toàn bộ phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, phân vi lượng, lân và vôi bột trước khi gieo hạt.
- Khoảng 5 - 7 ngày sau khi gieo (cây con được 1- 1,5 lá) tiến hành kiểm tra dặm lại cây những nơi mất khoảng (cây chết hoặc không mọc). Nhổ bỏ những cây yếu chừa lại đúng số cây/hốc đã định (1 - 2 cây/hốc).
- Bón thúc lần 1 khi cây có 3 - 5 lá bón 1/3 lượng đạm urê + 1/3 kali.
- Bón thúc lần 2 khi cây có 7 - 9 lá bón 1/3 lượng đạm urê + 1/3 kali.
- Bón thúc lần 3 trước khi ngô trỗ 5 - 7 ngày bón toàn bộ lượng phân còn lại.
Khi bón phân nên kết hợp làm cỏ và vun xới đất giúp cây chống đổ tốt.
* Lưu ý:
- Nên ngâm lân với nước phân chuồng tưới cho cây con để hạn chế bệnh huyết dụ.
- Nếu bón phân đạm urê, kali nên hòa nước tưới hoặc bón theo hốc xong lấy đất lấp kín phân để tránh việc phân bị bay hơi và cháy lá.
- Thời kỳ bắp đang phát triển có thể bổ sung thêm lượng phân kali trắng bón cho cây với lượng 0,3 - 0,5 kg/sào, bắp ngô sẽ phát triển đẫy hơn, chất lượng bắp sau này sẽ cao hơn lại hạn chế được nấm khô vằn, đốm lá gây hại thời kỳ giữa và cuối vụ.
Chế độ nước tưới:
- Ngô cần nước ở các giai đoạn cây 3 - 5 lá, 9 - 10 lá, xoáy loa kèn, tung phấn phun râu và chín sữa, cần tưới đủ ẩm đảm bảo cho bắp và hạt phát triển tốt. Độ ẩm thích hợp với ngô 70 - 80%.
- Khi gặp mưa to kéo dài cần tiêu thoát nước nhanh. Nếu ruộng ngô bị úng khoảng 24 giờ, năng suất bắp giảm 30 - 50%.
Phòng trừ sâu bệnh:
Các đối tượng dịch bệnh phát sinh gây hại trên ngô xuân như: Sâu xám, sâu đục thân - đục bắp, bệnh khô vằn, đốm lá, rệp muội, chuột….
- Đối với sâu xám: Cắn ngang thân khi ngô còn nhỏ.
Biện pháp phòng trừ: Bắt sâu vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, vệ sinh đồng ruộng. Nếu mật độ sâu nhiều dùng thuốc Basudin 10 H, Patox 95 WG,… rắc quanh gốc cây.
- Đối với sâu đục thân - đục bắp:
Thường gây hại thời kỳ trỗ cờ và to bắp. Dùng thuốc Basudin, furadan… rắc khoảng 5 - 7 hạt vào loa kèn khi cây được 7 - 8 lá. Nếu tận dụng thân lá để cho gia súc ăn thì nên rắc quanh gốc cây.
- Đối với bệnh khô vằn:
Tăng cường bón lân và kaly, tiêu huỷ tàn dư vụ trước, giai đoạn trước trỗ cờ nên loại bỏ bớt các lá già, lá sâu bệnh, nếu mưa nhiều, ẩm độ cao thì phun Validacine, Anvil…
- Đối với bệnh đốm lá (đốm lá lớn và đốm lá nhỏ):
Thường gây hại từ thời kỳ 5 - 6 lá đến 8 - 9 lá nhất là trong điều kiện mưa nhiều, trời âm u. Sử dụng thuốc Tilt super 300EC, Daconil, Zinep....
- Rệp muội: Rệp gây hại ở lá non, bông cờ, lá bi, bẹ lá... làm cho cây còi cọc, yếu ớt, bắp bé đi hoặc không hình thành bắp, chất lượng hạt xấu kém.
Biện pháp phòng trừ: Nếu mật độ rệp cao, khả năng gây hại lớn, có thể dùng một trong các loại thuốc như: Regent 800WG, Trebon 40EC, Actara 25WG....
- Chuột hại: Gây hại chủ yếu từ giai đoạn bắp non đến thu hoạch, dùng biện pháp đánh bẫy, đánh mồi bả bằng thuốc Rat K 2%D, bả sinh học Biorat... hoặc đánh bắt thủ công.
Chú ý: - Thuốc BVTV pha nồng độ theo khuyến cáo ghi trên bao bì của nhà sản xuất.
- Thời gian cách ly thuốc BVTV đối với các loại ngô ngọt, ngô thu bắp non ít nhất 20 ngày trước thu hoạch để tránh ngộ độc cho người và gia súc.
Thu hoạch:
Thông thường, ngô nếp, ngô ngọt sẽ cho thu hoạch sau 65 - 70 ngày sau khi trồng. Nếu thu bắp tươi, thu sau phun râu 18 - 20 ngày, còn thu khô thì bẻ sau khi vỏ bắp khô./.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao