Tin thủy sản Chăm sóc thủy sản nuôi sau mưa, lũ

Chăm sóc thủy sản nuôi sau mưa, lũ

Author Ban KHKT, publish date Wednesday. November 11th, 2020

Chăm sóc thủy sản nuôi sau mưa, lũ

Hỏi: Sau mưa lớn, môi trường ao nuôi cần được xử lý như thế nào? (Pham Duy Thanh, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình)

Trả lời:

Ngay sau những cơn mưa, việc làm cần được ưu tiên chính là tiến hành kiểm tra bờ ao, cống cấp thoát nước… để biết được tình trạng ao nuôi và lượng thủy sản nuôi có thất thoát hay không? Sau đó, thu dọn, vớt rác, lá cây, thân cây bị đổ xung quanh để làm sạch ao và tránh lá cây bị thối gây ô nhiễm nguồn nước ao.

Tiếp đến, cần tiến hành theo dõi các hoạt động của thủy sản nuôi như màu sắc cơ thể, hình dạng bên ngoài, sức ăn… để kiểm tra sức khỏe của tôm, cá nuôi; Kiểm tra các thông số môi trường như pH, độ mặn, DO, NH3, độ đục… để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi kiểm tra pH trong ao, nếu thấy chưa đạt ngưỡng thích hợp cần bón CaCO3 với lượng 15 – 20 kg/100 m2.

Tiến hành chạy quạt nước và sục khí liên tục để cung cấp ôxy trong ao. Đồng thời, người nuôi cần dự trữ thêm viên ôxy để phòng trường hợp thiếu ôxy khẩn cấp.

Sau mưa, nước ao thường bị đục, độ kiềm có thể bị giảm do các chất hữu cơ, hạt sét bị nước mưa cuốn trôi từ trên bờ xuống. Khắc phục bằng cách sử dụng muối vô cơ như nhôm sunfat (Al2(SO4)3) để tạo kết tủa và lắng tụ hay thạch cao với liều lượng 30 kg/1.000 m2 và lặp lại 2 – 3 lần.

Dùng Dolomite liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m3 (đối với ao nuôi tôm) xử lý từ từ cho đến khi độ kiềm đạt ngưỡng cho phép.

Hỏi: Biện pháp phòng dịch bệnh sau mưa? (Nguyễn Thanh Minh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên)

Trả lời:

Khi mưa lũ đến, tôm, cá thường dễ bị bệnh do các yếu tố thay đổi thất thường, nhất là thủy sản nuôi lồng bè. Các bệnh thường gặp trong thời điểm này chủ yếu là do ký sinh trùng (trùng mỏ neo, trùng bánh xe…), vi khuẩn (Aeromonas, Vibrio…) gây ra. Vì vậy, cần theo dõi tình hình thời tiết để điều tiết lượng thức ăn cho tôm, cá; sau khi mưa bão chấm dứt mới cho ăn trở lại nhưng chỉ cho ăn với lượng 30 – 50% so với bình thường. Cho tôm, cá ăn đầy đủ, tránh những thức ăn bị mốc, thối. Đồng thời, bổ sung thêm Vitamin C, men tiêu hóa, khoáng vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm, cá

Dùng thuốc hay hóa chất tắm cho cá trong ao nuôi như muối ăn 2 – 4%, CuSO4 2 – 5%, formaline 25 – 30 ppm hoặc phun trực tiếp xuống ao với liều lượng nhỏ hơn 10 lần. Đối với lồng bè, có thể treo túi vôi hoặc viên Vicato theo hướng dẫn để phòng bệnh.

Đối với nuôi ngao bãi triều ven biển, sau mưa lũ, ngao thường tập trung vào các góc đăng, chắn. Cần tiến hành san đều ra toàn bãi, đảm bảo mật độ phù hợp để ngao phát triển tốt.

Người nuôi cần thu gom, xử lý môi trường (thủy sản chết, rác thải nếu có) đúng theo quy định; tuyệt đối không vứt xác thủy sản chết, rác thải ra môi trường gây ô nhiễm môi trường phát sinh dịch bệnh.


Vai trò của protein trong sản xuất thức ăn thủy sản Vai trò của protein trong sản xuất thức… Dầu cải canola biến đổi gen – nguồn dinh dưỡng thay thế dầu cá Dầu cải canola biến đổi gen – nguồn…