Tin nông nghiệp Chăm sóc vải thiều thời kỳ quả làm cùi đến cuối vụ

Chăm sóc vải thiều thời kỳ quả làm cùi đến cuối vụ

Author Vũ Đoàn, publish date Saturday. October 20th, 2018

Chăm sóc vải thiều thời kỳ quả làm cùi đến cuối vụ

Thời điểm này, cây vải thiều đang vào thời kỳ phát triển quả nhanh, tuy nhiên thời tiết những ngày gần đây diễn biến phức tạp, nắng nóng ở nhiệt độ cao, kèm theo sâu bệnh gây hại, làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng và mẫu mã quả vải. Do đó, việc chăm sóc hợp lý và phòng trừ sâu bệnh kịp thời nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng quả vải cần được quan tâm.

Trạm khuyến nông huyện Lục Ngạn khuyến cáo, bà con nông dân thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển của quả vải để có những biệp pháp chăm sóc hợp lý. Ảnh minh hoạ.

Theo đó, thời điểm này trên trà vải sớm (U hồng, U trứng...) đang trong giai đoạn quả phát triển dày cùi, tích lũy dinh dưỡng và chuyển hóa đường. Đối với trà vải trung (vải Thanh Hà) đang trong giai đoạn phát triển dày cùi, quả tròn. Đối với trà vải chính vụ (vải thiều) quả đang trong giai đoạn phát triển cùi; 

Trạm khuyến nông huyện Lục Ngạn khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của quả; tưới nước khi thời tiết nắng hạn, bón bổ sung phân Kali để tăng cường mẫu mã, chất lượng quả. Tiếp tục phun bổ sung các nguyên tố vi lượng như: Bo, Fe...bằng các loại phân bón lá như: Botrac, HVP... riêng đối với trà vải chính vụ nếu vườn sai, quả nhỏ có thể bón bổ sung thêm phân NPK chứa hàm lượng lân và kali nhiều. Các đối tượng sâu gây hại trong giai đoạn này bao gồm: Sâu đo, sâu róm, bọ xít, rệp sáp...khuyến cáo phun trừ bằng một trong những loại thuốc như: Cyperan 10EC, Sixtoc 700EC, Kinalux 25EC, hoạt chất Abamectin nước trong và hoạt chất Cypemethrin 10-25EC... 

Bên cạnh đó, cây vải trong thời kỳ này cũng dễ phát sinh một số loại bệnh như: Bệnh sương mai, đốm đen, đốm nâu quả (thán thư), xanh chàm...khuyến cáo phun bằng một trong các loại thuốc: Score 250ND, Anvil %SC, Amistartop 325SC, Ridomil Gol 68WP và hoạt chất Cacbendazim...

Riêng vải Thanh Hà, đối với cây quá sai, cây yếu để tránh hiện tượng khô lá, cháy quả gây chết cây vào cuối vụ cần lưu ý tỉa thưa bớt quả trên cây, tưới bổ sung nước đầy đủ khi thời tiết nắng hạn và phòng trừ các loại đối tượng sâu bệnh kịp thời. Đối tượng sâu đục cuống quả, bà con nông dân cần thăm vườn phát hiện con trưởng thành, khuyến cáo phun trừ bằng các loại thuốc đặc trị.

Tưới nước khi thời tiết nắng hạn kéo dài cần tưới nhẹ, tưới đều sung quanh gốc dưới tán cây, tránh tưới phun trên tán và tưới đẫm ngay sẽ gây hiện tượng sốc  nước, nứt quả và lây lan mầm bệnh. Bón phân Kali có thể hòa nước tưới hoặc rắc phân sau đó tưới nước, riêng phân NPK nên bổ hốc bón phân sau đó lấp đất và tưới nước. Khi thời tiết nắng nóng, cần phun thuốc BVTV vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để tránh hiện tượng cháy quả sau phun;

Quả vải trong thời kỳ làm cùi rất nhạy cảm với các tác động của thời tiết cũng như sâu bệnh hại, điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng và mẫu mã của quả vải. Do vậy, để áp dụng quy trình chăm sóc hợp lý, Trạm khuyến nông huyện Lục Ngạn cũng khuyến cáo, bà con nông dân thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển của quả vải để có những biện pháp chăm sóc hợp lý. Việc sử dụng thuốc BVTV theo liều lượng và thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì.


Giảm phân vô cơ, tăng năng suất cây trồng Giảm phân vô cơ, tăng năng suất cây… Chăm sóc vải thiều giai đoạn ra hoa Chăm sóc vải thiều giai đoạn ra hoa