Mô hình kinh tế Chậm triển khai Nghị định 67

Chậm triển khai Nghị định 67

Publish date Monday. June 29th, 2015

Chậm triển khai Nghị định 67

Chậm triển khai

Đã nhiều tháng nay, gia đình ông Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) rơi vào cảnh thất nghiệp. Tình huống xấu này là do ông Liên quyết định bán tàu cá QNa 95075 (có công suất 380CV theo nghề chụp mực) để có đủ vốn đối ứng đóng tàu theo Nghị định 67. Vậy mà đến nay, khi Nghị định 67 đã triển khai được 9 tháng, gia đình ông Liên vẫn chưa được vay vốn.

Tìm hiểu nguyên do, chúng tôi được biết, với hiệu quả sản xuất cao của gia đình ông đạt được trong thời gian qua, UBND tỉnh đã phê duyệt gia đình ông được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. “Thế nhưng khi chúng tôi gửi đủ các hồ sơ theo yêu cầu của ngân hàng để làm thủ tục vay thì lại chưa được trả lời cụ thể có được vay vốn hay không. Chúng tôi chỉ mong được sớm vay vốn để đóng tàu và đi vào sản xuất” - ông Liên nói. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho rằng, có rất ít ngân hàng thương mại mặn mà thực hiện Nghị định 67. Lý do là họ sợ thất thoát vốn. Trong khi đó, các ngư dân thì khẳng định ngân hàng thương mại “quy chụp” họ có tiền lệ chây ì trong việc trả nợ nên chưa chịu ký hợp đồng tín dụng.

Chỉ mới 2 ngân hàng thương mại vào cuộc

Trong số 12 hồ sơ được các ngân hàng thương mại tiếp cận đến thời điểm này, có 8 ngư dân được vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Trong đó, Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư & phát triển chi nhánh Quảng Nam đã ký kết vốn tín dụng cho 7 chủ  tàu đóng mới 6 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ gỗ. Tổng vốn vay giải ngân là 75,8 tỷ đồng. Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam đã ký hợp đồng tín dụng với 1 ngư dân đóng tàu vỏ gỗ có giá trị 4,9 tỷ đồng. Như vậy, đến thời điểm này, tại Quảng Nam mới chỉ có 2 ngân hàng thương mại vào cuộc với Nghị định 67.

Gia đình ông Liên chỉ là một trong số khoảng 50 ngư dân đã bán tàu cũ làm vốn đối ứng nhưng chưa được ngân hàng ký hợp đồng tín dụng để có vốn đóng tàu mới theo Nghị định 67. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, nguyên nhân của việc chậm trễ này là các ngân hàng thương mại nghi ngờ khả năng trả nợ của ngư dân. Bởi trong thời gian qua, dù được mùa nhưng ngư dân thu lợi không cao từ khai thác hải sản do sản phẩm luôn bị ép giá. Theo các ngân hàng thương mại, việc vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 có thời gian dài nên việc trả nợ phải được phân ra nhiều kỳ hạn. Tuy nhiên, khai thác hải sản có thể sẽ thu lợi thấp trong thời gian đến nên việc trả nợ theo kỳ hạn sẽ không thực hiện được. Khi 1 kỳ hạn chuyển nhóm nợ thì sẽ dẫn đến phải chuyển toàn bộ dư nợ của khách hàng vào nhóm nợ tương ứng. Bởi vậy, đưa ra lý do phải trích lập dự phòng rủi ro nên các ngân hàng thương mại chưa vào cuộc quyết liệt.

Cần tạo thuận lợi cho ngư dân

Theo ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (Núi Thành), Nghị định 67 đến với ngư dân địa phương rất chậm. Cụ thể, đến thời điểm này, mới chỉ có ngư dân Lương Tấn Xị ở thôn Đông An được tiếp cận vốn vay để đóng tàu mới. Theo ông Châu, ngư dân tiếp cận được vốn vay đã khó, triển khai đóng tàu càng gặp khó hơn. Cái vướng ở đây là ngư dân rất mong muốn được thường xuyên giám sát, kiểm tra quá trình đóng mới và hoàn thiện con tàu, nhất là khi giá trị của nó rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh lại chưa có cơ sở đóng tàu thép. Ngư dân phải đến các địa phương khác như Hải Phòng, Nam Định, Khánh Hòa để đóng tàu, đường sá rất xa, chi phí lớn, rất khó có mặt thường xuyên. “Chúng tôi kiến nghị các ngành, các cấp tinh giản các thủ tục kiểm tra, đăng kiểm tàu cá giúp con tàu mau chóng hoàn thành, qua đó ngư dân được yên tâm và không phải tốn quá nhiều chi phí, giảm thời gian đi lại. Đồng thời Bộ NN&PTNT cũng cần công bố thêm các mẫu tàu mới để cho ngư dân lựa chọn phù hợp với tập quán sản xuất” - ông Châu nói.

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình thì cho biết, Nghị định 67 triển khai chậm ở địa phương là do… chờ thiết kế. Theo phê duyệt thì thời gian Bộ NN&PTNT thẩm định hồ sơ thiết kế tàu cá của ngư dân là 45 ngày. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu đã gửi mẫu thiết kế quá thời hạn trên nhưng chưa có kết quả phê duyệt khiến họ không đủ hồ sơ để làm cơ sở cho ngân hàng thẩm định cho vay. “Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ chi phí thiết kế tàu cá giúp ngư dân thuận tiện tiếp cận Nghị định 67. Bộ NN&PTNT cần đẩy nhanh phê duyệt thiết kế tàu cá để ngư dân đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng và ký kết hợp đồng với cơ sở đóng tàu, triển khai đúng tiến độ” - ông Vũ nói.

Liên quan đến việc đầu ra của hải sản ngư dân khai thác được có giá bán không cao khiến ngân hàng ngại cho vay vốn theo Nghị định 67, ông Ngô Tấn cho rằng, tình trạng được mùa mất giá luôn xảy ra tuy nhiên có thời điểm hải sản bán được giá rất cao. Trước mắt, Sở NN&PTNT tỉnh đã gửi kiến nghị đến các bộ, ngành quan tâm giải ngân vốn để địa phương đầu tư khu hậu cần nghề cá quy mô lớn giúp ngư dân giải quyết tốt khâu tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, ngành thủy sản Quảng Nam cũng đã đề nghị Bộ NN&PTNT sớm có văn bản quy định các trường hợp điều chỉnh thiết kế mẫu tàu vỏ thép nhưng không làm thay đổi tính năng, an toàn của tàu cá và ủy quyền cho UBND tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt. Đồng thời có văn bản cho phép ngư dân được sử dụng máy tàu cũ đối với trường hợp nâng cấp tàu cá theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị định 67 được tổ chức mới đây.


Đẩy nhanh tiến độ sản xuất hè thu Đẩy nhanh tiến độ sản xuất hè thu Liên kết sản xuất lúa giống hàng xóa ở Duy Xuyên nông dân điêu đứng Liên kết sản xuất lúa giống hàng xóa…