Mô hình kinh tế Chàng trai 9X người Tày trồng cam thu tiền tỷ

Chàng trai 9X người Tày trồng cam thu tiền tỷ

Author Minh Nguyệt, publish date Friday. December 2nd, 2016

Chàng trai 9X người Tày trồng cam thu tiền tỷ

Năng động, cần cù chịu khó, biết khai thác tiềm năng thế mạnh của gia đình và địa phương đã giúp anh Lương Tuấn Đại (dân tộc Tày) ở thôn 4 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang xây dựng được mô hình trồng cam với thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

Trong ảnh: Nhờ nỗ lực của mình, chàng trai người Tày Lương Tuấn Đại đã có vườn cam thu tiền tỷ mỗi năm. Ảnh:  M.N

Người trẻ mê cây cam

Nhìn bàn tay mềm, gương mặt sáng mang đậm chất thư sinh, ít ai nghĩ và tin Đại là ông chủ lớn của một vườn cam hơn 2.000 gốc, rộng gần 10ha với doanh thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Mới 26 tuổi nhưng gia tài của chàng trai người Tày này khiến nhiều người phải mơ ước.

Trong vai trò là Bí thư Đoàn xã Tân Thành, Đại đã truyền giao kỹ thuật trồng cam VietGAP cho nhiều thanh niên khác trong nhóm. Nhiều người đã lấy Đại làm tấm gương để vươn lên làm kinh tế giỏi. Hiện tại để phát triển mô hình kinh tế, Đại còn nuôi hơn 1.000 con gà đồi, cung cấp gà thịt cho người dân trong vùng và nuôi 10 con trâu.

Từng là học sinh giỏi toàn diện, Đại được gia đình đặt nhiều hy vọng, mong ước anh sẽ đậu  một trường ĐH danh tiếng, học xong về xây dựng quê hương... Thế nhưng anh lại từ bỏ giấc mơ học hành để về gắn bó với nghề nông của bố mẹ.

Đại tâm sự: “Khi còn học phổ thông, được tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình trồng cam rất hiệu quả của gia đình các bạn học, nên năm 2008, sau khi học xong cấp 3 mình quyết tâm không thi ĐH mà ở nhà làm kinh tế. Lúc đầu bố mẹ cũng cương quyết can ngăn, nhưng vì thấy mình quyết tâm quá nên không phản đối nữa”.

Thời gian đầu khó khăn, Đại vay mượn anh em họ hàng, đủ mọi nơi cũng chỉ được 30 triệu đồng, nên chỉ trồng được 100 gốc cam sành. Lúc đó nguồn tiêu thụ cũng bấp bênh, cam chủ yếu bán ở chợ và cung ứng cho một số mối hoa quả nhỏ lẻ nên Đại vừa làm vừa rụt rè. Mãi cho tới năm 2009, khi được Huyện đoàn huyện Hàm Yên cho đi học lớp trồng cam sạch theo hướng VietGAP, Đại mới quyết định mở rộng sản xuất.

“Sau khóa học, cộng với những kiến thức tìm tòi được từ trên mạng và thăm quan các mô hình trồng cam trong cả nước, mình quyết định mở rộng diện tích trồng cam ra cả 9ha đất đồi của gia đình. Bố mẹ còn thế chấp cả sổ đỏ để vay tiền cho con làm kinh tế. Lúc đó cũng vừa làm vừa run vì chưa bao giờ làm ăn lớn vậy” - Đại kể lại.

Những cố gắng của Đại đã đơm hoa kết trái, khi vườn cam sành hơn 2.000 gốc của anh Đại đã cho quả đều, to, mong nước. Mỗi cây có cả nghìn quả, đạt sản lượng từ 2-3 tạ/cây. Tính trung bình, một năm anh thu về hơn 90 tấn cam, giá trung bình 8.000 đồng/kg. Tính ra mỗi năm anh thu cả tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận cũng đạt từ 700- 800 triệu đồng.

Hướng đến sản xuất an toàn

Từ khi quyết định trồng cam theo mô hình VietGAP, anh Đại luôn quyết tâm thực hiện gieo trồng cũng như chăm sóc theo đúng quy chuẩn. Để đảm bảo công việc chăm sóc rất khắt khe, anh thường xuyên phải thuê 3 lao động chăm sóc, thu hái cam.

“Ngoài việc, chăm sóc, xới đất tăng độ dinh dưỡng, tôi còn thực hiện việc ghi nhật ký ruộng vườn và nhật ký ở nhà. Tất cả các khâu từ xới đất, bón phân, tỉa cành, hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều được ghi lại và theo dõi. Cả khâu xuất bán sản phẩm, giá thành, ngày bán... cũng đều được ghi lại cụ thể để sau này nếu cần thương lái, đại lý có thể truy xuất được nguồn gốc cam” - anh Đại nói.

Từ năm 2010, sau khi tích lũy được một số vốn nhất định, anh Đại tiếp tục đầu tư vào việc làm đường tắt trong vườn và làm đường từ đồi ra đường lớn để ô tô vào ra chở hàng được thuận lợi. Cùng với đó, hệ thống máy bơm cũng được xây dựng với mật độ dày hơn, những cây cam cằn cỗi cũng được trồng mới... 


Nông dân trẻ bén duyên hoa lan, thu tiền tỷ mỗi năm Nông dân trẻ bén duyên hoa lan, thu… Nuôi cá trê vàng cho hiệu quả kinh tế cao Nuôi cá trê vàng cho hiệu quả kinh…