Tin nông nghiệp Chanh không hạt cho trái ngọt trên vùng đất mặn phèn

Chanh không hạt cho trái ngọt trên vùng đất mặn phèn

Author Minh Sáng, publish date Tuesday. January 25th, 2022

Chanh không hạt cho trái ngọt trên vùng đất mặn phèn

Từ chỗ chỉ độc canh cây mía, đến nay, cây chanh không hạt của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (Long An) đã thế chân cây mía, cho “trái ngọt” trên vùng phèn mặn

Chanh không hạt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Ảnh: MS.

Cơ giới hóa thay sức người

Những ngày cuối năm, ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An) tất bật chỉ đạo lực lượng công nhân thu hoạch trái chanh không hạt để kịp sơ chế và đóng gói xuất đợt hàng cuối năm và bán Tết.

Câu chuyện với ông Thuận thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi liên tục có những cuộc điện thoại gọi tới cho ông đặt hàng mua chanh tươi phục vụ thị trường Tết. Ông bảo, ngày nào HTX cũng tiếp một vài doanh nghiệp đến xem hàng chanh tươi rồi đặt vấn đề mua hàng xuất khẩu. Ông trở lại tiếp tục tâm sự về hành trình cuộc đời từ tay ngang làm cơ khí chuyển hướng sang nông nghiệp.    

Là con trai cả trong gia đình có 5 anh em, cả đời cha mẹ ông chỉ biết gắn bó với đồng ruộng, năm 1989, chàng thanh niên Trần Duy Thuận quyết tâm rời quê hương Thanh Hoá “Nam tiến” để tìm hướng đi mới, hi vọng kiếm được công việc để giúp cha mẹ lo cho các em.

Chân ướt chân ráo bước chân vào Sài Gòn, ông tìm học nghề cơ khí theo sở thích rồi xin vào làm trong công ty thi công cơ giới, chuyên về máy móc thiết bị thi công cầu đường tại TP. HCM. Năm 1996, ông được phân công làm chỉ huy trưởng công trường thi công tuyến tỉnh lộ 830 tại địa bàn huyện Bến Lức, là một trong những tuyến đường trọng điểm của tỉnh Long An.

“Về đây làm việc, tôi có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều bà con nông dân, cảm nhận được người miền Tây sống thân thiện, xuề xoà, chân thật khiến tôi rất quý mến. Duyên số đã cho tôi gặp được một người con gái Long An và quyết định lập gia đình rồi chuyển hẳn về gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây”, ông Thuận chia sẻ.

Thời điểm đó, hằng năm mỗi khi mùa lũ về Long An vẫn bị ngập sâu. Để bảo vệ được tài sản và các loại cây trồng, giúp ổn định sản xuất, theo suy nghĩ của ông, cần phải đắp bờ bao bằng công trình đê bao ngăn lũ mới hiệu quả.

Nghĩ vậy, ông chấp nhận xin nghỉ việc làm công trình với mức lương cao để quay về đầu tư chế tạo lắp ráp các loại máy cobe, đồng thời thành lập đội cơ giới chuyên thi công các tuyến đê bao ngăn lũ. Chẳng bao lâu, đội cơ giới của ông đã nhanh chóng thi công hoàn chỉnh các tuyến đê bao ngăn lũ, giúp giao thông nông thôn vừa được nâng cấp khang trang, việc đi lại của người dân cũng rất thuận lợi.

Thời điểm đó, Bến Lức vẫn là “thủ phủ cây mía”, nhưng loại cây trồng này ngày càng bấp bênh, hơn nữa người dân chỉ biết sản xuất và thu hoạch bằng phương pháp thủ công nên hiệu quả kinh tế không cao. Dần dần, nông dân nản với cây mía, bắt đầu chuyển đổi sang trồng cây chanh không hạt. Tuy nhiên, cũng chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống, thuê công lao động lại khá đắt khiến giá thành sản xuất bị đội lên cao, lãi thấp.

Nhận thấy hạn chế này, ông nghĩ cần phải đưa cơ giới vào các khâu từ sản xuất đến thu hoạch chanh, vừa thay sức người vừa cho năng suất hiệu quả cao. Do đó, ông đầu tư mở cơ sở chuyên chế tạo các loại máy móc cơ giới để chuyển giao giúp nông dân áp dụng vào sản xuất. Cũng nhờ vậy, phong trào ứng dụng cơ giới hoá nông nghiệp ngày càng phát triển rầm rộ…

Chanh không hạt cho "trái ngọt" 

Trước đây, nông dân ở vùng đất nhiễm phèn nặng của huyện Bến Lức phải gắn chặt sản xuất của mình với cây mía, bất chấp giá cả bấp bênh, hay sâu bệnh đe dọa… chỉ vì không có cây trồng nào thay thế. Tuy nhiên bây giờ, cả một vùng trồng chanh rộng lớn được mở ra ngay trên mảnh đất “nắng thì khô hạn, mưa thì dậy phèn”, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cây mía.

Men theo tuyến đê bao ngăn lũ ra cánh đồng trồng chanh không hạt của HTX, những chiếc ghe máy chở đầy chanh đầy ắp khoang, nối đuôi nhau chạy dưới dòng kênh. Ông Thuận hào hứng cho biết, bây giờ cả giao thông đường sông lẫn đường bộ đều rất thuận tiện, bà con vận chuyển nông sản hàng hoá không còn phải vất vả như xưa”.

Ông Thuận kể: Cái duyên đưa ông đến với cây chanh cũng rất tình cờ, sau những ngày tháng tiếp xúc với người dân, trao đổi, bàn bạc với họ về đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá vào xản xuất nông nghiệp, rồi nghề trồng chanh ngấm vào ông lúc nào không biết. Hơn nữa, trong quá trình thi công các tuyến đê bao ngăn lũ, ông đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm của bà con về làm nông nghiệp, cũng như trồng chanh không hạt. Từ đó, ông quyết tâm thành lập HTX và liên kết với nông dân cùng đầu tư trồng chanh công nghệ cao.

“Từ chỗ tay ngang bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều bạn bè đồng nghiệp, kể cả người nhà rất ái ngại và ngăn cản vì thấy có rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, tôi có niềm tin mãnh liệt khi đầu tư và đưa cơ giới hoá vào sản xuất, từ chăm sóc, thu hoạch tới chế biến xuất khẩu. Nhất là khi gặp được ông Chủ tịch Liên minh HTX của Đức chia sẻ về con đường phát triển HTX, tôi càng tin tưởng vào con đường mình chọn, chắc chắn sẽ thắng lợi”, ông Thuận khẳng định.

Theo ông, nông nghiệp công nghệ cao không nhất thiết cứ phải đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới to, hiện đại, mà cần phải sản xuất theo quy trình, giúp cho trái chanh đạt năng suất chất lượng cao. Sản phẩm làm ra phải có truy suất nguồn gốc, giống lấy từ đâu, quy trình chăm sóc như thế nào, dùng phân, thuốc gì, cách ly bao nhiêu ngày mới thu hoạch...

Những ruộng chanh không hạt của HTX các khâu sản xuất như tưới nước, phun thuốc, làm đất... hiện đều được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hoá gần như 100% nên HTX chỉ cần sử dụng rất ít nhân công, nhờ đó tiết kiệm được nhiều chi phí.

Ông Thuận tâm sự: “Để ứng phó với hạn mặn, HTX dùng máy cơ giới chở bồn nước cả ngàn lít ra ruộng và đưa hệ thống phân bón lá xịt vào ban đêm giúp chanh đạt năng suất và hiệu quả cao. Về thu hoạch trái, thay vì mỗi nông dân phải vác từng bao chanh 50 kg, HTX áp dụng cơ giới hoá, đưa xe vào tận ruộng, chỉ cần một người có thể vận hành chở cả chục tấn chanh về HTX rất nhẹ nhàng”.

Theo ông Thuận, trước khi áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất, ông đã phải tính toán thiết kế quy hoạch lại toàn bộ đồng ruộng, đưa ra quy trình khép kín từ khâu làm đất đến trồng, chăm sóc, thu hoạch thuận tiện, phù hợp nhất.

Hiện nay, HTX cũng đã xây dựng mô hình kết nối cung - cầu nhằm ổn định tiêu thụ sản phẩm, cải thiện công nghệ sơ chế, chế biến, giúp sản phẩm tiêu thụ ổn định trong bất kỳ tình huống nào. Đồng thời, HTX cũng đã xây dựng được vùng chanh nguyên liệu chất lượng, sản xuất theo hướng GlobalGAP, mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới, nhiều tiềm năng.

Gần đây, ông Thuận đã liên hệ với Viện Cây ăn quả miền Nam để đưa ra những ý tưởng mới về phát triển chanh công nghệ cao và “đặt hàng” các nhà khoa học nghiên cứu quy trình từ khâu sản xuất đến chế biến. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu về sản xuất chanh không hạt thích nghi trên vùng đất phèn mặn…

Những ngày giáp Tết, niềm vui của nông dân trồng chanh càng phấn khởi khi những trái chanh không hạt với thương hiệu chanh Bến Lức của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức đang được khẩn trương đóng hàng để “bay” sang trời Tây theo đơn đặt hàng. Cây chanh không hạt đang bắt đầu phát triển mạnh và cho “trái ngọt” trên vùng đất phèn mặn…


Cây chà là 'bén duyên' đất cát xứ Quảng Cây chà là 'bén duyên' đất cát xứ… Bài học kinh nghiệm sau 4 năm dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Trung Quốc Bài học kinh nghiệm sau 4 năm dịch…