Chất cấm, kháng sinh là thuốc nổ phá ngành chăn nuôi
Thêm dầu vào lửa
Theo ông Thông, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một vấn đề nóng, được đặt lên hàng đầu trong đời sống hiện nay. Từ Quốc hội cho đến các ngành, địa phương, người dân đều quan tâm đến ATVSTP. Ngành nông nghiệp những năm vừa qua gặp nhiều khó khăn, chăn nuôi không ngoại lệ. Trong đó có việc một số nhóm người, vì lợi ích đã cố tình hoặc vô tình sử dụng chất cấm, tạo nạc, tạo màu và sử dụng kháng sinh tràn lan, gây nguy hại cho người tiêu dùng, từ đó khiến ngành chăn nuôi vốn gặp nhiều khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Dù có nhiều biện pháp quản lý nhưng hiện nay vẫn tiềm ẩn nguy cơ các cá nhân cố tình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trước thực tế này, pháp luật đã có quy định mới về hành vi sử dụng chất cấm, từ xử phạt hành chính sang cấu thành tội phạm hình sự. Đó là thể hiện sự dứt khoát, cứng rắn đối với hành vi sai trái này.
"Khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm có dư lượng chất cấm sẽ gây rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, tăng huyết áp, nguy cơ sảy thai… Khi sử dụng trong thời gian dài dẫn đến rối loạn hormon của cơ thể, gây nhiễm độc gan, gây đột biến và có thể gây ung thư”.
Bà Lê Thị Hồng Hảo - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia
“Chúng ta có những hình thức liên kết sản xuất hiệu quả. Chính các mô hình kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra đã tạo ra các sản phẩm an toàn, tạo lòng tin cho người tiêu dùng” - ông Thông nói.
Ông Chu Đình Khu - Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT) cho biết, kháng sinh được phát minh với mục đích để phòng bệnh, trị bệnh và phụ gia kích thích sinh trưởng. Hiện nay, dù ngành chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, xử lý nhưng tình trạng lạm dụng, sử dụng thuốc và kháng sinh sai mục đích trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Trong 2 năm 2012 và 2014, Cục Chăn nuôi đã tổ chức thanh kiểm tra 94 nhà máy sản xuất, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại 18 tỉnh thành, trong đó có một số đơn vị sử dụng kháng sinh có hàm lượng cao hơn mức quy định.
Tại các trang trại chăn nuôi gà, các chủ trang trại ít sử dụng kháng sinh với liều lượng theo quy định mà tự bổ sung vào thức ăn chăn nuôi của mình để phòng, trị. Đa số các chủ trại thường sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh với hàm lượng cao hơn 2 - 4 lần. Nhiều trại chăn nuôi sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm và cho rằng cần phải trộn vào trong thức ăn, nước uống để phòng bệnh cho vật nuôi.
Với chất cấm, ông Khu cho biết, trong năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016, Cục Chăn nuôi đã kiểm tra 1.893 cơ sở, qua đó phát hiện 58 cơ sở vi phạm về chất cấm. Trong 1.239 mẫu thức ăn được lấy, có 17 mẫu vi phạm. Trong 3.927 mẫu nước tiểu heo, phát hiện 257 mẫu dương tính với chất cấm. Khi triển khai các đợt kiểm tra đã có những kết quả tích cực, giảm thiểu rõ rệt tỷ lệ các mẫu dương tính với các chất cấm trong chăn nuôi.
Phải thanh tra đột xuất!
Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng hiện nay tình hình sử dụng chất cấm đang giảm đi khá nhiều. Đến nay theo thông báo từ nhiều địa phương là không phát hiện việc sử dụng chất cấm.
Nhận biết thịt sạch và thịt có chất cấm
Thịt sạch lớp mỡ dày hồng tươi, săn chắc, trong khi thịt siêu nạc lớp mỡ mỏng hơn, màu đỏ tươi, đậm. Còn thịt không sạch là nếu dùng tay ấn vào thấy không có độ rắn chắc, có màu vàng chảy ra, khi nhúng thịt vào nước sẽ chuyển sang nhợt nhạt.
“Cuối năm 2015, trong các đợt thanh tra đột xuất, khi đến các nhà máy thức ăn chăn nuôi, họ đều khẳng định không dại gì sử dụng chất cấm. Qua những tháng vừa rồi, chúng tôi chưa phát hiện được các tổ chức, cá nhân vi phạm” - ông Việt nói.
Về kháng sinh, theo ông Việt, đây là vấn đề nan giải, kéo dài, nếu không giải quyết sẽ tác động lớn hơn so với chất cấm. Chúng ta phải có cách làm mới là thanh tra đột xuất đến các cơ sở. Và quan trọng hơn là phải xác định nguyên nhân, nguồn cung cấp kháng sinh và quản lý chặt ngay từ đầu.
Ông Việt cho biết nếu lơ là quản lý, nhiều cá nhân sẵn sàng sử dụng các chất cấm và kháng sinh vì lợi nhuận rất cao và thương lái sẵn sàng cung cấp cho người nuôi. Chính vì vậy, các địa phương phải có kế hoạch ngăn chặn cụ thể.
“Chất cấm tập trung chủ yếu là ở trang trại. Vì vậy phải kiểm tra thường xuyên các trang trại mới dẹp được. Với kháng sinh, phải quản lý đường nhập vào, phải xác định được 1 năm ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cần bao nhiêu kháng sinh và đưa vào kiểm soát chặt chẽ. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, không nên thanh tra theo kế hoạch chỉ 30%. Chỉ có thanh tra đột xuất mới phát hiện được sai phạm” - ông Việt nhấn mạnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao