Chiêm Hóa (Tuyên Quang) Lạc Được Mùa, Không Lo Ép Giá
Cùng với việc thu hoạch lúa xuân, những ngày này, bà con nông dân vùng lạc huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đang dồn sức thu hoạch lạc xuân để giải phóng đất, gieo trồng vụ mùa.
Xác định lạc là cây công nghiệp ngắn ngày, cho hiệu quả kinh tế cao nên huyện Chiêm Hóa đã khuyến khích bà con tăng cường thâm canh, mở rộng diện tích, đặc biệt là trên những diện tích đất lúa không thuận lợi nguồn nước tưới... nhờ đó, diện tích lạc của huyện không ngừng được mở rộng trong những năm gần đây.
Vụ xuân 2014, vụ lạc chính trong năm, huyện Chiêm Hóa gieo trồng trên 1.900 ha, tăng hơn 200 ha so với vụ xuân năm 2013, giống chủ lực được bà con gieo trồng là L14 và một số giống khác như: L26, L23… các xã có diện tích lạc lớn là Minh Quang 470 ha, Phúc Sơn trên 300 ha, Tân Mỹ trên 200 ha… thời điểm này, cùng với thu hoạch lúa xuân, bà con nông dân trong huyện đang thu hoạch lạc. Hiện bà con đã thu hoạch được trên 60% diện tích, năng suất bình quân ước đạt trên 33 tạ/ha.
Xã Phúc Sơn là địa phương có truyền thống trồng lạc lâu năm nhất ở Chiêm Hóa. Cũng như nhiều năm trước, vụ lạc này nhờ tập trung gieo trồng đúng khung thời vụ và áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo trồng cho đến các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên lạc sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ước đạt gần 35 tạ/ha. Vụ này, gia đình ông Hứa Văn Quý, thôn Bản Cậu trồng trên 2.500m2 giống lạc L14.
Do thời tiết bất lợi, rét đậm, rét hại vào lúc gieo lạc, thời điểm lạc ra hoa lại mưa nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển nhưng nhờ kinh nghiệm lâu năm, cộng với việc được cán bộ khuyến nông tập huấn các kỹ thuật trồng, chăm sóc nên lạc gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao; ước tính năm nay gia đình ông sẽ thu trên 1 tấn lạc, trị giá trên 20 triệu đồng.
Nếu như trước đây, cây lạc chỉ được tập trung gieo trồng ở các các xã Phúc Sơn, Minh Quang... thì vụ xuân này, cây lạc đã được nhiều địa phương khác như Trung Hà, Hà Lang, Tân An… đưa vào canh tác. Những người trồng lạc trong vùng cho rằng, cây lạc vừa dễ chăm sóc, lại phù hợp với đồng đất ở địa phương và cho thu nhập gấp 3 lần trồng lúa trên cùng một diện tích canh tác.
Đồng chí Ma Văn Bào, Chủ tịch UBND xã Trung Hà: Nhận thấy cây lạc cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, nên xã có chủ trương khuyến khích các hộ dân tận dụng các diện tích đất soi bãi để trồng lạc, đồng thời chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa không ăn chắc sang trồng lạc hàng hóa. Đến nay, toàn xã có 130 ha lạc đang vào mùa thu hoạch.
Để cây lạc tiếp tục phát triển xã đang có chủ trương khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Bài toán về việc tìm đầu ra ổn định cho cây lạc được các cấp chính quyền huyện Chiêm Hóa quan tâm triển khai thực hiện trong nhiều năm nay. Đầu năm 2014, từ nguồn vốn tài trợ do Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD), huyện đã xây dựng và vận hành thử nghiệm máy sấy lạc với công suất trên 2,5 tấn/36 tiếng tại xã Phúc Sơn.
Anh Ma Phúc Anh, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất lạc xã Phúc Sơn cho hay: Hiện máy sấy lạc đang được tổ hợp tác quản lý, vận hành thử nghiệm. Hiện tại, những mẻ sấy đầu tiên đã được ra lò và cho kết quả tốt. Sau khi vận hành thử nghiệm thành công, chúng tôi sẽ tiến hành thu mua lạc tươi của bà con để sấy. Điều đáng mừng là ngay trong vụ lạc này, tổ hợp tác đã nhận được một số đơn đặt hàng từ các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Giang...
Việc đầu tư các trang thiết bị, công nghệ để sơ chế, bảo quản lạc sau thu hoạch và tìm thị trường tiêu thụ là một bước tiến mới trong việc phát triển sản phẩm lạc hàng hóa ở Chiêm Hóa, để người trồng lạc không còn lo cái điệp khúc “được mùa, mất giá” mỗi khi mùa về.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao