Tin thủy sản Chiến lược kiểm soát dịch bệnh

Chiến lược kiểm soát dịch bệnh

Author Nguyễn Anh, publish date Saturday. November 21st, 2020

Chiến lược kiểm soát dịch bệnh

Dịch bệnh luôn là mối lo ngại trong phát triển thủy sản nói chung nhất là với nuôi tôm, bởi đây là nhân tố làm giảm hiệu quả sản xuất, tăng chi phí cho người nuôi. Do đó, cần có kế hoạch quốc gia và huy động được các nguồn lực, sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong chủ động phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh.

Một trong những chiến lược tự nhiên cải thiện sự tăng trưởng và sức khỏe của tôm. Ảnh: TB

Thiệt hại nghìn tỷ đồng mỗi năm

Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh thủy sản giai đoạn 2021 – 2025, trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng diện tích NTTS bị thiệt hại hơn 41.980 ha, gấp 1,91 lần so cùng kỳ năm 2019.

Cục Thú y cho biết giai đoạn 2012 – 2015, bình quân mỗi năm có trên 47.600 ha và trên 15.000 lồng, bè, vèo nuôi thủy sản bị thiệt hại, ước tính tổn thất trên 3.000 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2016 – 2020 (tính đến hết tháng 8/2020), bình quân mỗi năm có gần 45.000 ha và trên 26.000 lồng, bè, vèo nuôi thủy sản bị thiệt hại, ước tổn thất trên 2.960 tỷ đồng/năm. Nguyên nhân do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Đối tượng thủy sản nuôi bị thiệt hại nhiều nhất là tôm nuôi nước lợ. Tổng diện tích bị thiệt hại là hơn 39.536,6 ha, chiếm 94,18% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, cao gấp 1,93 lần so cùng kỳ năm 2019 và chiếm 5,56% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Cụ thể, diện tích tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại do các loại dịch bệnh là 5.482,71 ha, giảm 6% so cùng kỳ năm 2019, với các loại bệnh phổ biến như hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, đỏ thân, phân trắng, đường ruột… Diện tích tôm thiệt hại do biến đổi môi trường và thời tiết là 2.778,85 ha, thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân là 31.275,14 ha.

Tại một số vùng nuôi tôm trong cả nước, 10 tháng đầu năm nay cũng ghi nhận nhiều thiệt hại về dịch bệnh. Như tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã có 150 ao nuôi bị nhiễm bệnh tương đương hơn 105.000 m2 (chiếm 10,68% diện tích nuôi tôm toàn xã), chủ yếu là bệnh đốm trắng. Hay tại tỉnh Sóc Trăng, vùng nuôi tôm lớn ở khu vực ĐBSCL, trong tháng 9 – 10/2020, ngành chức năng địa phương đã thu 113 mẫu tôm tại các ao nuôi bị thiệt hại ở các huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu. Kết quả bệnh đốm trắng (WSSV): tỷ lệ dương tính trên mẫu bệnh phẩm là 38%; Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPND): tỷ lệ dương tính trên mẫu bệnh phẩm là 33%; bệnh vi bào tử trùng (EHP): tỷ lệ dương tính trên mẫu bệnh phẩm là 41%. Theo đánh giá của tỉnh Sóc Trăng thì: “tình hình dịch bệnh tăng nhanh vào đầu tháng 10 đến nay, nguyên nhân do tác động của các đợt áp thấp nhiệt đới và bão liên tiếp đến nước ta, gây ra mưa kéo dài, nhiệt độ môi trường biến động và giảm thấp tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển”. Đặc biệt, tỷ lệ mẫu dương tính bệnh đốm trắng tại khu vực phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu chiếm tỷ lệ rất cao (30/36 mẫu thu giám sát có kết quả dương tính). Đồng thời, tỷ lệ dương tính với các bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh vi bào tử trùng tại khu vực này cũng cao, một số mẫu bị nhiễm kép từ 2 đến 3 bệnh.

Xây dựng chiến lược ứng phó

Đại diện Cục Thú y cho biết, để có kế hoạch tổng thể cho việc phát triển tôm, cá tra và nhiều loại thủy sản khác; Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh thủy sản, trong đó lập kế hoạch rất chi tiết, phù hợp với vùng miền, từng đối tượng nuôi và từng loại dịch bệnh để có giải pháp phòng chống phù hợp, tương ứng các điều kiện có thể xảy ra như thời tiết biến đổi cực đoan, xâm nhập mặn và kể cả môi trường ô nhiễm.

Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, giai đoạn 2021 – 2025 đặt ra mục tiêu nâng cao năng lực tổ chức kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên một số đối tượng thủy sản, trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra và đối tượng có giá trị cao như tôm hùm, cá hồi, cũng như đối tượng có sản lượng nuôi nhiều là cá rô phi, nghêu… Mục tiêu cụ thể của đề án này là kiểm soát tỷ lệ diện tích thủy sản nuôi bị bệnh ở mức thấp hơn 3%/tổng diện tích thả nuôi.

Giải pháp quản lý môi trường

Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia ngành tôm đến từ Mỹ cho biết: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, việc nuôi tôm thành công hay thất bại hiện nay tại Việt Nam chủ yếu dựa vào việc xử lý các yếu tố về môi trường, dịch bệnh. Từ con giống, thức ăn, quy trình nuôi… đều tập trung vào việc cải thiện khả năng chống chịu bệnh của con tôm, điều này không xảy ra ở một số quốc gia mà môi trường còn tốt và ngành tôm chỉ mới bắt đầu phát triển”.

Các giải pháp nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp đang được các doanh nghiệp khuyến khích giúp việc tầm soát, kiểm soát dịch bệnh khá hiệu quả, tỷ lệ nuôi thành công cao, như các mô hình sử dụng ao lắng, lót bạt, nhà kính… Tuy nhiên, điều nan giải là xu hướng dịch bệnh phát triển trên diện tích tôm nuôi quảng canh, vốn phụ thuộc rất nhiều đến các yếu tố môi trường thời tiết. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, để tăng tỷ lệ nuôi thành công, giảm diện tích thiệt hại do dịch bệnh ngành tôm tại Việt Nam sẽ rất cần đến việc bảo vệ môi trường trong nuôi tôm, đặc biệt là các yếu tố đất, nguồn nước…


Bột lá hương thảo - Cải thiện tăng trưởng, giảm stress cho cá chép Bột lá hương thảo - Cải thiện tăng… Nông dân phát triển công nghệ số để quản lý trại hàu tại Australia Nông dân phát triển công nghệ số để…