Tin nông nghiệp Chính quyền phong tỏa 37 hộ nuôi heo gây ô nhiễm

Chính quyền phong tỏa 37 hộ nuôi heo gây ô nhiễm

Author Hứa Phương - Trần Đáng, publish date Tuesday. April 12th, 2016

Chính quyền phong tỏa 37 hộ nuôi heo gây ô nhiễm

Theo đó, từ ngày 1.4, chính quyền xã Vĩnh Lộc A huy động lực lượng hàng trăm người lập chốt chặn các ngã đường không cho 37 hộ chăn nuôi ở khu vực này chở thức ăn về nuôi heo.

Chiều 11.4, PV Dân Việt có mặt tại 1 trong 3 chốt chặn do chính quyền xã Vĩnh Lộc A dựng lên xung quanh khu vực 37 hộ dân chăn nuôi heo. Một thanh niên trực chốt “dọa” nếu tự ý vào khu vực 37 hộ chăn nuôi heo sẽ bị an ninh “mời” về. Nói xong thanh niên này gọi điện cho ông Trần Quốc Quay - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, thông báo chúng tôi đang đợi tại chốt. Ông Quay đã từ chối tiếp chúng tôi với lý do đã “về UBND huyện” và đề nghị chúng tôi gặp bà Dương Thị Thùy Trang – Phó Chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc A, thì thấy phòng của bà Trang… cửa khóa im ỉm.

Ông Đoàn Phú – một trong 37 hộ dân chăn nuôi heo trong ấp 4 qua điện thoại cho biết, ông là hộ cuối cùng phải đồng ý ký đơn di dời trại heo đi nơi khác. “Tôi đăng ký di dời trại heo rồi, nếu không chính quyền cho biết sẽ đến cưỡng chế vào ngày 15.4 này”, ông Phú nói.

Hiện trại heo ông Phú có 140 con heo. Được hỏi, nếu di dời chính quyền có hỗ trợ gì không? Ông Phú cho rằng, nếu di dời trước ngày 14.4 thì sẽ được chính quyền hỗ trợ 3 tháng tiền nhà trọ là 4,5 triệu đồng.

Trả lời PV về việc vì sao chính quyền xã Vĩnh Lộc B cho lập chốt chặn phong tỏa khu vực 37 hộ chăn nuôi heo tại ấp 4, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng cho rằng, là do các hộ này chuyên chở thức ăn thừa tận dụng từ các nhà hàng về kết hợp với cám tổng hợp để nuôi heo bằng xe không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, lý do này không được ông Phú đồng tình. Ông Phú cho biết, lâu nay bà con chăn nuôi trong khu vực 37 hộ dân luôn chở thức ăn lấy từ các nhà hàng, quán ăn về cho heo ăn bằng xe máy. “Tuy nhiên, lúc đấy có ai nói chở như vậy là mất vệ sinh đâu?”, ông Phú phàn nàn.

Được biết, 37 hộ dân đến từ các tỉnh Bình Định, Hà Tĩnh, Thái Bình… thuê lại đất của ông Nguyễn Văn Khiêm để chăn nuôi heo. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ dân ở đây được chính quyền cho rằng đã gây ô nhiễm nặng nề về môi trường đất, nước, khí thải cho khu vực này. Các hộ dân này trước đó đã nhiều lần bị xử lý do chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nhưng đến nay vẫn tiếp tục vi phạm. Để xử lý dứt điểm, chính quyền địa phương đã ra thông báo đến hết quí I/2016, các hộ chăn nuôi phải di dời, nếu không cơ quan chức năng sẽ thực hiện biện pháp hành chính theo quy định.

Trước đó, UBND huyện Bình Chánh đã ban hành Kế hoạch lộ trình về việc xử lý, di dời các hộ chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường tại địa bàn xã Vĩnh Lộc A. Theo đó, kiểm tra hồ sơ pháp lý về đất đai, xây dựng đối với các hộ chăn nuôi heo gây ô nhiễm trên địa bàn; thẩm tra tính pháp lý việc sử dụng đất do ông Nguyễn Văn Khiêm đang cho thuê chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, xử lý hành vi vi phạm theo quy định pháp luật đất đai; xem xét dừng đăng ký tạm trú, thường trú cho các cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi heo tại địa chỉ có công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng...

Theo ông Phụng, hiện chính quyền địa phương đã tổ chức được điểm chăn nuôi tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường cho các hộ chăn nuôi heo này cũng trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A.

Liên quan vấn đề này, ngày 4.4, ông Trần Hồng Cẩn - Phó Vụ trưởng Vụ Dân nguyện, thường trực tiếp công dân của Quốc hội đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh  Võ Văn Quận “chỉ đạo kiểm tra, xem xét theo thẩm quyền, trả lời công dân và báo cáo kết quả giải quyết về cơ quan thường trực tiếp công dân của Quốc hội”.


Lợi nhiều bề với lò sấy lúa đa năng Lợi nhiều bề với lò sấy lúa đa… Thuần phục những đàn ong mật Thuần phục những đàn ong mật