Cho không mới tham gia bảo hiểm nông nghiệp
Phần lớn các hộ dân tham gia là hộ nghèo (được miễn phí bảo hiểm thủy sản ). Vì thế, các chuyên gia đã đề xuất thiết kế lại chính sách này, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Có tới 91,9% số hộ tham gia bảo hiểm nông nghiệp trên tổng số hơn 304.000 hộ tham gia BHNN thời gian qua là hộ nghèo, cận nghèo, tức là những hộ được nhà nước hỗ trợ mua toàn bộ hoặc mua 75% phí BHNN.
Điều này khiến các đơn vị kinh doanh BHNN lỗ nặng.
Lỗ nặng vì bảo hiểm cho thủy sản
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến thời điểm ngày 20.6.2014, tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp là 701,8 tỷ đồng, với tỷ lệ bồi thường bảo hiểm tương đương 178,1%.
Điều này có nghĩa, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp của các doanh nghiệp đang bị lỗ.
Trong đó, bồi thường bảo hiểm cây lúa đạt 19 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 20,6%); bồi thường bảo hiểm vật nuôi 13,3 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 15,9%); đặc biệt là bồi thường bảo hiểm thủy sản với tổng số tiền lên tới 669,5 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 306%).
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), kết quả sơ bộ của chương trình thí điểm BHNN theo Quyết định 315, bảo hiểm vật nuôi được thực hiện trên địa bàn rộng nhất với 9 tỉnh.
Số hộ tham gia bảo hiểm lúa là lớn nhất với trên 200.000 hộ trong đó chủ yếu là hộ nghèo.
Tỷ lệ giữa số tiền bồi thường so với tổng doanh thu phí bảo hiểm lúa và vật nuôi chỉ chiếm khoảng 20%, trong khi đó tỷ lệ này ở thủy sản là hơn 300% tức là kinh doanh bảo hiểm thủy sản bị lỗ.
TS Trần Công Thắng- Phó Viện trưởng Ipsard cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, ngoài rủi ro cao về dịch bệnh khi tham gia BNHH, thủ tục xác nhận thiệt hại và bồi thường phức tạp, gây khó khăn cho người tham gia bảo hiểm.
Đặc biệt, trong bảo hiểm thủy sản, hoạt động nuôi thả và lấy mẫu xét nghiệm bệnh với sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong bối cảnh hạn chế về nguồn nhân lực từ công ty bảo hiểm và địa phương (cấp xã), đã gây không ít phiền toái cho người tham gia bảo hiểm”.
Theo TS Thắng, quy trình bồi thường bảo hiểm cũng kéo dài, đặc biệt là trong thủy sản, vẫn là một điểm hạn chế lớn của chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Dừng bảo hiểm thủy sản để thiết kế gói mới
" Cũng giống như các nước, BHNN ở Việt Nam là vô cùng cần thiết và quan trọng vì các bạn có rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở tốp đầu của thế giới về sản lượng.
Chính phủ có thể hỗ trợ ở giai đoạn đầu với mức kinh phí lớn rồi giảm dần kinh phí thì BHNN mới triển khai thành công được”. Ông Vicente Selles
Trước những thực tế nêu trên, Bộ Tài chính đã đề xuất trong giai đoạn 2015 – 2017 dừng hỗ trợ đối với bảo hiểm thủy sản (tôm, cá), mặc dù đây là lĩnh vực có nhiều người tự nguyện tham gia nhất.
Ông Hoàng Xuân Điều – Giám đốc Ban bảo hiểm nông nghiệp (Bảo hiểm Bảo Việt) cho biết, bảo hiểm thủy sản là bảo hiểm phần lớn người dân có điều kiện kinh tế mới tham gia do phí bảo hiểm thủy sản rất cao (khoảng 23%) do mức độ rủi ro lớn.
“Nếu bỏ hỗ trợ thí điểm lĩnh vực bảo hiểm thủy sản, các doanh nghiệp bảo hiểm có điều kiện vẫn có thể triển khai nhưng do tỷ lệ rủi ro cao, nên chắc chắn phí mua bảo hiểm cũng cao.
Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì chắc chắn người dân sẽ không tham gia”- ông Điều nói.
Theo ông Điều, hiện bảo hiểm thủy sản có rất nhiều rủi ro về dịch bệnh và cả về trục lợi bảo hiểm.
Vì thế, Bảo Việt đang nghiên cứu, đề xuất sản phẩm phù hợp hơn trong bảo hiểm thủy sản.
Qua triển khai bảo hiểm nông nghiệp, các công ty bảo hiểm đều nhận thấy lĩnh vực thủy sản rủi ro cao với mức độ thiệt hại của người dân rất lớn.
“Riêng Bảo Việt đã phải bồi thường hơn gấp đôi số tiền bảo hiểm.
Cụ thể, chúng tôi thu được 260 tỷ đồng tiền phí, nhưng phải bồi thường tới 470 tỷ đồng.
Chính vì vậy, nếu tiếp tục triển khai cần thiết kế sản phẩm mới”- ông Điều nói.
TS Trần Công Thắng cho rằng, bảo hiểm nông nghiệp là một công cụ tài chính để quản trị rủi ro trong nông nghiệp mà nhiều nước đã áp dụng.
Tại Việt Nam, bảo hiểm nông nghiệp đã được một số công ty bảo hiểm thử nghiệm cung cấp từ những năm 1980 nhưng thất bại.
Giai đoạn 2011-2013, Việt Nam đã tiến hành chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp áp dụng cơ chế liên kết công – tư và đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi, Việt Nam vẫn cần học hỏi rất nhiều.
Chia sẻ về những kinh nghiệm bảo hiểm nông nghiệp, ông Vicente Selles - Tổng Điều phối viên Cơ quan Hợp tác phát triển Tây Ban Nha tại Việt Nam nói: “Muốn triển khai bảo hiểm nông nghiệp thành công cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ.
Ngay ở Tây Ban Nha, thời gian đầu mới triển khai bảo hiểm nông nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ nên mới có được thành công”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao