Mô hình kinh tế Chờ tái canh cà phê sự thật đắng lòng ở Kon Tum

Chờ tái canh cà phê sự thật đắng lòng ở Kon Tum

Publish date Monday. April 20th, 2015

Chờ tái canh cà phê sự thật đắng lòng ở Kon Tum

Huyện Đắc Hà là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất tỉnh Kon Tum với tổng diện tích trên 7.000 ha. Trong đó, 1.500 ha là của 4 công ty thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam, được giao khoán hoàn toàn cho các hộ dân. Do đa số diện tích được trồng từ cách đây 25 đến 30 năm nên đã rất già cỗi, năng suất thấp, khiến đời sống các hộ nhận khoán rất khó khăn.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, mong ước của các hộ về tái canh cà phê để cải thiện năng suất nâng cao thu nhập, chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được.

Hàng trăm hộ nhận khoán khắc khoải đợi chờ

Vợ chồng anh Vũ Văn Tú, Nguyễn Thị Mì ở thôn 1, xã Đắc Mar, huyện Đắc Hà gắn bó với cây cà phê của Công ty TNHH Một thành viên cà phê 704, thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam đã 28 năm. 1.150 cây cà phê trên diện tích 9 sào nhận khoán của gia đình đã bước sang tuổi 30 nên rất tàn tạ.

Trong khi năng suất các vườn cà phê trẻ trong huyện đạt từ 20 đến 30 tấn/ha, thì ở vườn cây này, gia đình chăm sóc hết mức, năng suất cũng chỉ đạt khoảng 10 tấn quả tươi. Mỗi vụ cà phê, trừ sản lượng phải nộp cho công ty, rồi tiền đầu tư phân bón, lợi nhuận còn lại không đảm bảo cuộc sống cho gia đình.

Anh Vũ Văn Tú cho biết: “Bắt đầu từ năm 2010 đã có hiện tượng cây già, bị vỡ vỏ, rất khó chăm. Cà phê già cỗi năng suất giảm nhiều, thậm chí chỉ đạt 7 - 8 tấn/ha quả tươi trong một năm. Hạch toán chi phí đầu tư thì không đủ cho sinh hoạt của 1 công nhân/năm”.

Trước thực tế vườn cây già cỗi, từ nhiều năm nay, hàng trăm công nhân của 4 công ty cà phê tại huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum có mong muốn được tái canh đối với diện tích cà phê nhận khoán, để nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập. Thế nhưng, năm này qua năm khác, câu trả lời từ phía công ty vẫn là chờ đợi và chờ đợi.

Anh Nguyễn Văn Thiêm, nhận khoán 1 ha cà phê của Công ty TNHH Một thành viên cà phê 704 cho biết: “Bà con công nhân rất muốn tái canh vì bây giờ hiệu quả không còn. Công ty cũng có triển khai nhưng chưa rõ, rất chậm”.

Được biết, cách đây 8 năm, các công ty cà phê trên địa bàn huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum cũng đã thí điểm tái canh đối với diện tích cà phê bắt đầu già cỗi. Kết quả cho thấy biện pháp tái canh ghép chồi cây phát triển tốt, năng suất hơn hẳn so với diện tích già cỗi. Hiệu quả là thế nhưng từ đó đến nay, với lý do chưa có hướng dẫn của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, việc tái canh dừng vô thời hạn, khiến hàng trăm hộ nhận khoán khắc khoải đợi chờ.

Đã có ý kiến của cử tri cho rằng, các công ty cà phê ở đây không muốn thực hiện tái canh là vì lợi ích ngắn hạn, đó là không muốn mất khoản thu sản lượng gần 10 tấn cà phê quả tươi mỗi héc ta, trong 3 năm kiến thiết cơ bản.

Doanh nghiệp chẳng dại gì làm?

Ông Phạm Văn Chúc, nguyên Phó Giám đốc Công ty cà phê Đắc Uy 3, thẳng thắn: “Tôi mà là giám đốc thì cũng không muốn tái canh, bởi vì vườn cà phê đó dù sống, dù chết giao cho dân cứ mỗi năm lấy 3,2 tấn. Không có thu hoạch tôi cũng có 3,2 tấn. Vì thế, không dại gì tôi tái canh để mấy năm không có thu hoạch. Việc đến thì vẫn phải thực hiện, nhưng doanh nghiệp Nhà nước, tôi làm một gia đoạn nào đó, rồi tôi lại nghỉ. Mà trong 3 năm tái canh không có thu, còn sau 3 năm đến lúc có thu hoạch, tôi lại nghỉ thì không dại gì tôi làm tái canh”.

Ông A Vượng, Bí thư Huyện ủy Đắc Hà cho biết, về tái canh cà phê, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo giúp người dân trong huyện thực hiện tái canh hơn 600 ha cà phê già cỗi. Tuy nhiên, với diện tích cà phê già cỗi của doanh nghiệp, mặc dù biết người dân đã có nguyện vọng tái canh từ lâu song huyện không thể can thiệp để việc tái canh diễn ra nhanh hơn. Do Tổng Công ty cà phê Việt Nam chưa có chủ trương, chưa có văn bản gửi về các doanh nghiệp nên các doanh nghiệp chưa dám làm.

Cùng với nguyện vọng nhanh chóng được thực hiện tái canh đối với diện tích cà phê đã già cỗi để cải thiện năng suất, về lâu dài, nhiều ý kiến của cử tri là những hộ nhận khoán cà phê của 4 công ty cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam ở huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum đều có mong muốn: doanh nghiệp thực hiện thoái vốn Nhà nước, thanh lý lại vườn cây cho hộ nhận khoán để người dân tự chủ động bỏ vốn đầu tư tái canh.

Nguyện vọng này cũng xuất phát từ thực tế là đã từ nhiều năm nay, các công ty cà phê ở đây chỉ thực hiện việc thu sản lượng theo hợp đồng giao khoán, còn trách nhiệm đầu tư, chăm sóc cà phê đều thuộc về hộ công nhân.


Năng suất cây thuốc lá vàng giảm do sâu bệnh Năng suất cây thuốc lá vàng giảm do… Hiệu quả từ tổ hợp tác trồng rau an toàn Hiệu quả từ tổ hợp tác trồng rau…