Mô hình kinh tế Cholimex Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Công Nghệ Cao Ở Cần Giờ

Cholimex Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Công Nghệ Cao Ở Cần Giờ

Publish date Sunday. April 22nd, 2012

Cholimex Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Công Nghệ Cao Ở Cần Giờ
Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) sẽ đầu tư 45 tỉ đồng để phát triển dự án nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại Cần Giờ, TPHCM.

Ông Huỳnh An Trung, Phó tổng giám đốc Cholimex, cho biết như trên sau buổi làm việc với UBND TPHCM về dự án nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao ở Cần Giờ, TPHCM chiều ngày 18-4.

Theo ông Trung, ban đầu dự án sẽ được nuôi thử nghiệm trên diện tích 1,2 héc ta. Sau đó, công ty sẽ chuyển giao quy trình nuôi cho người dân nuôi tôm ở Cần Giờ. Tổng nguồn vốn đầu tư là 45 tỉ đồng.

Ông Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng (IIB), đơn vị tư vấn và thẩm định dự án nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của Cholimex, cho biết công nghệ nuôi tôm thẻ công nghệ cao tại Cần Giờ đã được Tổng cục thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp phép, còn IIB thẩm định chi phí đầu tư, chi phí ứng dụng so với các nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay với công nghệ cao mà Cholimex sẽ áp dụng.

Theo ông Hiển, công nghệ nuôi tôm thẻ này sẽ không sử dụng nhiều hóa chất để xử lý nguồn nước, dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng nước cho tôm nuôi ở mật độ cao (nuôi thâm canh) nên chi phí bỏ ra trên một mét vuông mặt nước thấp hơn. “Công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng của Cholimex có chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng về lâu dài thì lại rẻ hơn cách nuôi hiện tại”, ông Hiển nói.

Theo ông Trịnh Biên, chuyên viên Phòng Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT TPHCM, trước đây, toàn huyện Cần Giờ chỉ có khoảng 800 héc ta nuôi tôm thẻ chân trắng (tương đương 13,3% diện tích) nhưng do năm qua dịch bệnh trên tôm sú bùng phát mạnh nên năm nay người nuôi tôm Cần Giờ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. “Hiện Cần Giờ có khoảng 6.000 héc ta nuôi tôm, trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 90% diện tích, còn 10% là nuôi tôm sú”, ông Biên cho biết.

Sở dĩ có sự chuyển đổi diện tích nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng lớn như vậy, theo ông Biên, là do năng suất nuôi tôm sú tại Cần Giờ là 3,5 tấn/héc ta, trong khi, năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng là 8 tấn/héc ta, nhưng thời gian nuôi lại ngắn hơn cũng như ít bệnh hơn.

Khó Trồng Đại Trà Giống Ngô Biến Đổi Gen Khó Trồng Đại Trà Giống Ngô Biến Đổi… Nuôi Cá Ngừ Đại Dương Triển Vọng Lớn, Thách Thức Nhiều Nuôi Cá Ngừ Đại Dương Triển Vọng Lớn,…