Tin nông nghiệp Chọn tạo giống mới chìa khóa của nông nghiệp công nghệ cao

Chọn tạo giống mới chìa khóa của nông nghiệp công nghệ cao

Author Ngô Khắc Lịch, publish date Monday. May 30th, 2016

Chọn tạo giống mới chìa khóa của nông nghiệp công nghệ cao

Cây giống chưa theo kịp yêu cầu phát triển

Thực tế hiện nay, giống cây trồng chưa phát triển tương xứng với nền nông nghiệp trong tình hình mới, đặc biệt là các loại rau, hoa cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao và chất lượng tốt. Trong khi đó, rất nhiều loại giống đang sản xuất hiện nay đã bị thoái hóa, cho năng suất và chất lượng sản phẩm thấp. Vì những khó khăn về nguồn giống và lối canh tác manh mún, nhỏ lẻ mà nhà nông ở nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm trong cả nước vẫn đang sử dụng những loại giống này để sản xuất.

Theo TS.Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm khuyên nông Quốc gia, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp rõ ràng không thể tách rời nghiên cứu tạo chọn giống. Chúng ta không thể lấy các loại giống đã thoái hóa lạc hậu, cho năng suất, chất lượng thấp để đưa vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Vì thế, muốn nền nông nghiệp “cất cánh” trong tình hình hiện nay, cần phải có một cuộc cách mạng về giống.

Theo ông Nguyễn Thế Nhuận - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, mặc dù các giống cây trồng mới ở nước ngoài không thiếu, chỉ cần có tiền là có thể nhập về nhưng thực tế, để các loại giống cây trồng mới này thích nghi được môi trường mới cần phải có thời gian dài, trong đó người đi tiên phong phải kiên trì và sẵn sàng chấp nhập thất bại. Điều này là một thử thách lớn đối với nhà nông.

Trong lúc nhu cầu về nguồn giống cây trồng mới rất cao thì ở trong nước, việc nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc giống lại phát triển rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của nền nông nghiệp. “Trong thời đại nông nghiệp ứng dụng CNC đang ngày càng phát triển, việc nghiên cứu chọn giống có năng suất cao, chất lượng phải trở thành điều kiện tất yếu, tiên phong” - ông Nguyễn Thế Nhuận nói.

Ông Nguyễn Công Thừa - Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ tổng hợp Anh Đào Đà Lạt cho biết, nhu cầu về nguồn giống mới tại vùng sản xuất rau, hoa Đà Lạt vượt xa khẳ năng cung cấp của các cơ sở cung cấp giống, nuôi cấy mô trên địa bàn. Hiện nay, phần lớn các giống cây trồng mới, lạ, có khả năng kháng bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng cao đều phải nhập từ nước ngoài. Nhiều đơn vị sản xuất rau, hoa đang phải thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và khâu sau thu hoạch. Nhà nông vừa làm vừa mang tính thử nghiệm và thăm dò nhu cầu thị trường. “Nhiều loại cây trồng khi thích nghi được với điều kiện trong nước thì đối với thế giới nó đã trở thành cây trồng lạc hậu về năng suất, chất lượng!..”-ông Thừa chia sẻ.

Cần cuộc “cách mạng” về giống

Thực tế trong những năm qua, công tác nghiên cứu tạo chọn giống mới ở nước ta chưa được đầu tư quan tâm đúng mức. Phần lớn các loại giống đều phải nhập từ nước ngoài. Tại diễn đàn trên, các đại biểu thừa nhận trong cả nước hiện mới chỉ có khu vực Đà Lạt (Lâm Đồng) là đặc biệt trú trọng đến việc nghiên cứu tạo chọn giống mới có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của Đà Lạt. Hiện nay, Lâm Đồng có khoảng 50 cơ sở ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật. Hàng năm, các cơ sở này cung cấp cho thị trường khoảng 30 triệu giống cấy mô các loại. Đây là nguồn cây giống ban đầu phục vụ cho các vườn ươm tiếp tục nhân giống cho sản xuất. Đặc biệt, một số cơ sở đã có được những hợp đồng xuất khẩu cây giống in-vitro sang châu Âu với số lượng khoảng 10 triệu cây giống/năm.


Hoa cúc Nhật, một giống cúc mới vừa được đưa về Đà Lạt gieo trồng. Ảnh: Khắc Lịch

Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã nỗ lực thể hiện vai trò của mình trong việc nghiên cứu tạo chọn giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng tại Đà Lạt. Đến nay, đơn vị đã nghiên cứu chọn tạo được hàng chục giống mới như giống dâu tây Langbiang 2, có khả năng kháng bệnh, năng suất đạt từ 25-30 tấn quả/ha/năm. Hay giống khoai tây PO3 nhập nội, sản suất chiếm tới 80% diện tích tại Lâm Đồng hiện nay, năng suất trung bình đạt 30 tấn/ha/vụ. Giống khoai tây TK96.1 cho năng suất 35 tấn/ha/vụ, có khả năng kháng mốc, sương trong mùa mưa. Riêng về hoa, Trung tâm này đã nghiên cứu chọn tạo được 16 loại, như hoa cúc, đồng tiền, salem, cẩm chướng, địa lan… Những giống cây mới này đã góp phần đắc lực vào sự thành công của nền nông nghiệp ứng dụng CNC tại Đà Lạt.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại địa phương hiện nay đã có một số công ty nước ngoài tới đầu tư xây dựng nhà máy, vùng nông trại sản xuất hạt giống cây rau, hoa, điển hình là Công ty TNHH sản xuất Bejo Việt Nam (huyện Lâm Hà), doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, sản xuất, chế biến, xuất khẩu hạt giống rau, củ, quả. Công ty này đã xây dựng mô hình thử nghiệm sản xuất giống cây trồng với vốn đầu tư lên tới 11,5 triệu USD, hàng năm sản xuất khoảng 7 tấn hạt giống các loại. Tuy nhiên, ông Phạm S cũng cho biết việc nghiên cứu tạo chọn giống hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp CNC.


Ngành điều Việt đối mặt... trắng tay! Ngành điều Việt đối mặt... trắng tay! Ông trùm gà Đông Tảo ở đất Đồng Nai Ông trùm gà Đông Tảo ở đất Đồng…