Tôm thẻ chân trắng Chủ động phòng bệnh tôm nuôi

Chủ động phòng bệnh tôm nuôi

Author TS. Đặng Thị Lụa, publish date Tuesday. April 5th, 2016

Chủ động phòng bệnh tôm nuôi

Để nuôi tôm thành công, người nuôi cần thiết phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong suốt quá trình nuôi, ngay từ khâu cải tạo ao, sử dụng con giống sạch bệnh đến việc quản lý môi trường nuôi sạch.

Kinh nghiệm cho thấy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Bởi điều trị sau khi bệnh xảy ra là rất khó, do tôm không có hệ miễn dịch đặc hiệu.

Tôm mắc bệnh thường bỏ ăn nên không đưa thuốc vào cơ thể tôm được; đồng thời do tôm sống trong môi trường nước nên khi bị bệnh rất khó phát hiện và khó điều trị.

Thực tế, bệnh trên tôm lây lan qua cả hai con đường từ bố mẹ sang (lây nhiễm theo chiều dọc) và lây nhiễm qua môi trường (qua vật chủ trung gian truyền bệnh, tôm bị bệnh, nước và bùn đáy ao nuôi có mầm bệnh…).

Để chủ động phòng bệnh cho tôm, các hộ nuôi cần áp dụng triệt để một số biện pháp sau:

– Ao nuôi cần được cải tạo tốt theo đúng quy trình để tiêu diệt hết mầm bệnh và vật chủ trung gian truyền bệnh.

Đặc biệt lưu ý đến việc tháo cạn nước phơi khô đáy ao và loại bỏ các loài giáp xác vì chúng có thể là nguồn mang mầm bệnh cho tôm.

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Ấn Độ, virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) có thể tồn tại và gây bệnh cho tôm trong điều kiện đáy ao đã được phơi nắng 19 ngày, thậm chí có trường hợp phơi nắng tới 35 ngày, tùy theo lượng WSSV bị nhiễm trong bùn đáy ao nhiều hay ít (Kumar và ctv, 2013).

Do vậy, khuyến cáo phơi khô đáy ao từ 3 tuần tới 1 tháng.

– Cần tuân thủ theo lịch thời vụ thả tôm được địa phương khuyến cáo.

– Tôm giống thả phải đảm bảo sạch (có xuất xứ rõ ràng và có kiểm dịch chất lượng).

– Hệ thống ao nuôi cần có ao chứa, ao lắng và nguồn cấp, thoát nước riêng biệt.

Trong quá trình nuôi cần lựa chọn những con nước tốt để lấy bổ sung cho ao nuôi.

– Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường ao nuôi, thực hiện các biện pháp quản lý môi trường nhằm đảm bảo các yếu tố thủy lý hóa nằm ở mức tối ưu cho sự phát triển của tôm như: độ mặn 10 – 25‰, pH 7,5 – 8,5; độ kiềm 80 – 120 mg/l;

Giảm thiểu khí độc, diệt khuẩn và sử dụng men vi sinh định kỳ kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio có hại trong ao nuôi.

– Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung thường xuyên Vitamin C, khoáng chất, chất tăng cường miễn dịch vào thức ăn cho tôm.

Lưu ý: Tuyệt đối không dùng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm vì sẽ gây ra hiện tượng kháng thuốc và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

– Quản lý chặt chẽ lượng thức ăn cho tôm ăn hàng ngày.

Bởi nếu dư thừa sẽ dẫn tới ô nhiễm môi trường ao tôm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh, đặc biệt là bệnh do vi khuẩn gây ra, như: AHPND và làm tăng chi phí sản xuất.

Kinh nghiệm cho thấy, trong tuần đầu mới thả tôm nên cho tôm ăn với liều lượng bằng 25% liều lượng được quy định.

Giai đoạn tôm lớn cần cho tôm ăn làm nhiều lần (6 – 7 lần thay vì 3 – 4 lần như nhà sản xuất khuyến cáo).

– Theo dõi đáy ao trong suốt quá trình nuôi, nếu thấy đáy nhớt và trơn (đối với ao nuôi lót bạt) cần có biện pháp vệ sinh sạch và thay nước.

– Trường hợp phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay với cơ quan chức năng của địa phương, cán bộ thú y địa phương để xác định bệnh tích và có biện pháp xử lý thích hợp;

Đồng thời thông báo cho các hộ nuôi xung quanh biết để chủ động phòng bệnh.

Lưu ý: Hộ nuôi tôm không được xả nước từ ao nuôi tôm bệnh ra môi trường bên ngoài mà phải được xử lý bằng Chlorine để tiêu diệt mầm bệnh và chỉ xả nước ra bên ngoài sau ít nhất 15 ngày xử lý hóa chất.


Một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn - Phần 2 (Phần cuối) Một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu… Bí quyết nuôi thành công tôm nước mặn trong ao nước ngọt - Lý thuyết đến thực tiễn Bí quyết nuôi thành công tôm nước mặn…