Chủ Động Phòng Ngừa Dịch Bệnh Ở Tôm
Nuôi tôm được xác định là một trong những nghề “siêu” lợi nhuận, nhưng cũng “siêu” rủi ro. Trong đó, đốm trắng và hội chứng hoại tử gan cấp tính là những loại bệnh nguy hiểm thường gặp, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Để hạn chế dịch bệnh, nuôi tôm bền vững thì cần chủ động phòng ngừa hiệu quả và phải tái cơ cấu sản xuất.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, tôm nước lợ được xác định là một trong những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hà Tĩnh. Tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh hơn 2.000 ha với 96 vùng nuôi tập trung, quy mô từ 7 ha trở lên, trong đó gần 30% vùng nuôi hình thành tổ chức sản xuất chủ yếu tại các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà... Đây là những diện tích nuôi có mức đầu tư cao, áp dụng công nghệ tiên tiến, đủ điều kiện chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nhìn chung, nuôi tôm ở tỉnh đem lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích; mỗi năm, doanh thu đạt bình quân từ 1-2 tỷ đồng/ha, lợi nhuận 400-800 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nuôi tôm trên cát mỗi năm doanh thu đạt 3-5 tỷ đồng/ha, lợi nhuận 1-2 tỷ đồng/ha.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh, gây thiệt hại lớn. Hầu như năm nào, trên địa bàn tỉnh cũng xẩy ra dịch bệnh đốm trắng ở tôm nuôi. 3 năm gần đây xuất hiện thêm hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) hay còn gọi là bệnh chết sớm.
Bà Đặng Thị Thu Hoàn - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho hay: Dịch bệnh xẩy ra chủ yếu tại các vùng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến. Phương thức nuôi này có mức đầu tư thấp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho công tác phòng chống dịch bệnh, phần lớn sử dụng con giống giá rẻ và chưa qua kiểm dịch. Tỷ lệ diện tích bị dịch bệnh so với tổng diện tích nuôi bình quân 5%/năm đối với nuôi thâm canh và 5,8%/năm đối với nuôi bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Năm 2012, diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh tăng tới 218,9 ha, gây thiệt hại trên 55 tỷ đồng, đe dọa đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm, ảnh hưởng sức khỏe người dân và môi trường sinh thái. Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính được phát hiện từ năm 2012 tại các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh với hơn 20 ha và ngày càng diễn biến phức tạp.
Ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN cho rằng: Để hạn chế các loại dịch bệnh nguy hiểm ở tôm, trước hết cần phải tái cơ cấu, nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong đó, tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, các đề án về “chiến lược” phát triển nuôi tôm thâm canh, nuôi trên cát. Mặt khác, tiếp tục chuyển đổi các vùng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh theo hình thức lót bạt, vỗ bờ vôi, xi măng. Những vùng nuôi tôm này đều phải được áp dụng nuôi tôm theo quy trình (GAP).
Cán bộ kỹ thuật Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh kiểm tra sức khỏe tôm nuôi sau đợt lũ vừa qua. Ngoài việc hướng dẫn người dân sử dụng con giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, thì việc tổ chức thả giống tập trung tại các vùng nuôi, thực hiện cùng vào, cùng ra để tạo khối lượng hàng hóa lớn gắn với thị trường và thuận lợi cho công tác phòng chống dịch. Người chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện khử trùng ao nuôi, hệ thống kênh cấp thoát nước. Các vùng nuôi tôm thâm canh tập trung phát triển thêm các trang trại sản xuất con giống, ương dưỡng giống tôm để nuôi theo hình thức khép kín, đồng thời đảm bảo môi trường nước trong ao nuôi và xử lý nước thải, chất thải rắn theo đúng quy định.
Ngoài ra, các ngành chức năng cần chủ động lấy mẫu giám sát các loại dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính ở các vùng có ổ dịch cũ nhằm cảnh báo sớm, để phòng ngừa kịp thời; thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm trọng điểm trên địa bàn.v
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao