Tin thủy sản Chủ lồng méo mặt vì cá chết

Chủ lồng méo mặt vì cá chết

Author Việt Phương, publish date Thursday. May 26th, 2016

Chủ lồng méo mặt vì cá chết

Nắng cũng chết, mưa... cũng chết?!

Xuồng 7 lá chở chúng tôi dạo quanh những lồng bè cá ở nhánh sông Tiền chạy qua 2 ấp Phú Tân và Phú Lễ, dài khoảng 3km. Các bạn sinh viên ngành thủy sản (từ Trường Đại học Tiền Giang) đang thực tập trên các lồng cá này cũng buồn lây với chủ bè, các bạn bận bịu canh cá nổi đầu để kịp thời vớt giúp chủ lồng. Và đặc trưng nhất mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra đó là mùi hôi ngặt mũi bốc lên từ mặt nước im lìm.

Ông Lê Văn Huỳnh (55 tuổi), một hộ dân nuôi đến hơn 20 lồng bè ở ấp Phú Tân dẫn chúng tôi tham quan và tận tay vớt các xác cá chết lên xem với vẻ mặt đầy xót xa. Ông cho biết, cá chết mỗi ngày nhiều hơn, nhiều ngày qua vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Cá chết nhiều nhất ở loại khoảng nửa ký trở lên. Vụ này thê thảm vì vừa thả thì cá bị sốc nước mặn, trong khi chưa kịp bình phục thì lại đến đợt nắng gắt kéo dài. “Mỗi tháng, tôi đều thu hoạch lồng cá, làm như thế mới có tiền ra tiền vào mà xoay vòng đồng vốn mua thức ăn và thả cá giống. Nhưng đã trong một thời gian khá lâu rồi, giá cá cao nhất chỉ ở mức 33 ngàn đồng/kg trong khi chi phí sản xuất được 1kg cá cũng cao bằng vậy hoặc hơn. Nay lại thêm việc cá chết từ từ ngày một nhiều hơn đến như thế này! Thú thật, tôi đang có ý định bán đất” - ông Huỳnh than.

Nuôi 7 lồng bè cá điêu hồng gần ông Huỳnh, ông Nguyễn Văn Năm (41 tuổi) cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Ông Năm nói: “Cá mình chết thì mình tự chịu, chứ di chuyển ra ngoài đoạn nhánh sông gần sông Tiền, chính quyền không cho là hợp lý. Bởi người nuôi cá chúng tôi ai chẳng biết cá điêu hồng thì không bao giờ được an toàn nếu nuôi gần cá tra. Nước thải từ ao cá tra xả ra là vô cùng bất lợi. Ngày trước, chúng tôi cùng nhau năn nỉ chính quyền địa phương để nuôi cá lồng ở đoạn sông này vì nghĩ sức nước trên sông chảy mạnh, như thế sự ô nhiễm từ nước trong ao cá tra cũng đỡ hơn! Có điều là vài năm qua, lòng sông ở đây ngày càng bị bồi lắng nên nước chảy rất yếu. Những tưởng nắng nóng gây nổ mắt cá nên chết, ai ngờ mấy ngày qua có mưa mát hơn mà cá vẫn chết, thật sự không thể hiểu được!”

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khi nhiều người vẫn cam chịu tình cảnh cá chết thì một số chủ lồng bè sau khi bị UBND xã Phú Túc từ chối đã tự ý di chuyển một số lồng đến vị trí mình mong muốn - đó là khu vực ven sông Tiền, khu vực cấm nuôi. “Mấy vụ vừa qua do giá cá thấp quá trong khi giá thức ăn không giảm nên tôi bị lỗ miết. Nay lại thêm chuyện cá chết nên thà tôi bị phạt chứ không thể khoanh tay đứng nhìn cá chết mỗi ngày càng nhiều hơn” - một chủ lồng bè cá điêu hồng ở ấp Phú Lễ phân trần.

Phương án cải thiện

Ông Nguyễn Hữu Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc cho biết, phong trào nuôi cá lồng bè trên các khúc sông qua địa bàn xã tăng đột biến từ năm 2009 đến nay. Sản lượng hàng năm hơn 1.000 tấn cá thịt, chủ yếu là cá điêu hồng và cá phi dòng Gift. Qua theo dõi tình hình, cá chết mỗi ngày từ vài chục đến vài trăm ký/lồng, tuy nhiên, cá chỉ chết ở các lồng cạn khi nước ròng bị nhô lên khỏi mặt nước, còn các lồng cá ở vị trí sâu hơn thì chưa xảy ra hiện tượng cá chết hoặc có chết cũng số lượng rất ít (trong mức thất thoát được người nuôi dự tính).

“Cá chết nhiều nhất vào lúc giữa trưa nắng gắt, qua theo dõi, chúng tôi phát hiện lúc nắng nóng, thỉnh thoảng có xuất hiện những luồng khí phực lên từ đáy lồng, nghi là khí mê-tan. Đó là kết quả của việc người dân để thừa mứa thức ăn qua nhiều năm ở dưới mà không chịu vệ sinh gây ra. Dưới đáy lồng có nhiều lớp thức ăn thừa có trộn thuốc nằm đan xen giữa những lớp bùn nhão. Cá chết do nắng gắt là một giả thuyết nhưng môi trường dưới đáy lồng bè bị ô nhiễm rất nghiêm trọng nên khi gặp nắng nóng gây phát tán ra môi trường nước mới là lý do chính” - ông Tài cho biết.

Để giúp người dân có điều kiện cải thiện tình hình, ông Tài cho biết, hiện UBND xã đã trình lên huyện 2 phương án: nạo vét trên các tuyến kênh rạch này và cho người dân di chuyển sang vị trí khác nhưng nằm trên các tuyến sông rạch khoảng 7km đi qua địa bàn xã. Tuy nhiên, ông Tài cũng cho rằng, các phương án đều không dễ thực hiện. Bởi, nếu nạo vét thì rất khó bố trí được vốn còn chuyển sang vị trí khác thì sẽ cản trở giao thông đường thủy, hơn nữa một số vị trí mà người nuôi cá muốn chuyển đến không nằm trong vùng quy hoạch nuôi cá lồng bè. “Tôi cho rằng cách duy nhất hiện nay để người nuôi cá giảm thiểu rủi ro chính là chủ động xử lý phần bị ô nhiễm dưới đáy lồng bè và trong quá trình nuôi phải có ý thức bảo vệ môi trường nhiều hơn nữa” - ông Nguyễn Hữu Tài khẳng định.

Trong khi đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay, khi quy hoạch vùng nuôi, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng khu vực ấp Phú Tân và Phú Lễ không khả quan khi nuôi cá lồng, vì 2 loại cá da trơn và cá lồng bè sẽ ô nhiễm chéo cho nhau và rất rủi ro. Bất chấp trước những lời cảnh báo, người dân ở đây vẫn cứ nuôi tự phát từ năm 2009 đến nay, đồng thời đề nghị với chính quyền để đưa đoạn sông này vào quy hoạch nuôi cá lồng bè. Tháng 9-2015, UBND tỉnh cũng đã công nhận vùng này trong quy hoạch bằng Quyết định số 1616. Phòng đang hướng dẫn người nuôi cá đăng ký thực hiện đầy đủ các thủ tục theo Hướng dẫn số 169 (hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1616, ban hành vào tháng 4-2016) để họ được Chi cục Thủy sản tỉnh xác nhận. Khi các thủ tục này được thực hiện hoàn chỉnh thì người nuôi cá lồng bè sẽ đủ điều kiện để “đàm phán” với phía ngân hàng. Tất cả quy định đều rất dễ dàng thực hiện ngoại trừ giấy chứng nhận của cơ quan quản lý đoạn sông này, bởi hiện vẫn chưa xác định do Cảng vụ Mỹ Tho quản lý hay Sở Giao thông vận tải Bến Tre quản lý.


Đưa cá rô phi thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực Đưa cá rô phi thành mặt hàng thủy… Thực hư chuyện cá cảnh mắc cạn 10 năm chưa giải quyết Thực hư chuyện cá cảnh mắc cạn 10…