Tin thủy sản Chư Pah: Nuôi cá nước ngọt cho thu nhập khá

Chư Pah: Nuôi cá nước ngọt cho thu nhập khá

Author Tường Vy, publish date Thursday. June 21st, 2018

Chư Pah: Nuôi cá nước ngọt cho thu nhập khá

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, nhóm bạn trẻ gồm các anh: Dương Văn Ích, Nguyễn Văn Hùng, Bùi Công Ngọc và Nguyễn Chung (cùng ở thôn 7, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) đã đấu thầu 30 ha mặt nước để đầu tư nuôi cá nước ngọt. Sau gần 2 năm triển khai, việc chăn nuôi đã đạt kết quả khả quan.

Anh Dương Văn Ích bên hồ cá của nhóm. Ảnh: T.V

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh Dương Văn Ích xung phong vào bộ đội. Năm 2012, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, cũng như bao thanh niên khác, Ích chăm chỉ phụ giúp gia đình làm cà phê. “Nhận thấy ở địa phương có điều kiện mặt hồ rộng, tôi nảy ra ý tưởng đầu tư nuôi cá để tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình”-anh Ích cho biết.

Lúc đầu, gia đình anh Ích không đồng tình với ý tưởng này vì cho rằng đầu tư nuôi cá khá mạo hiểm, từ trước tới nay cũng chưa có ai trong thôn dám làm. Quyết tâm không bỏ cuộc, mãi đến năm 2016, anh Ích mới thuyết phục được gia đình ủng hộ. Anh Ích đem ý tưởng này bàn với nhóm bạn gồm các anh: Nguyễn Văn Hùng, Bùi Công Ngọc, Nguyễn Chung và rủ họ cùng tham gia đấu thầu gần 30 ha mặt hồ của Công ty Cà phê 706 (xã Ia Nhin) để phát triển nghề nuôi cá. Nhận thấy đây là ý tưởng khá táo bạo, mới mẻ và có nhiều thuận lợi, các bạn anh đều đồng tình tham gia. Sau đó, mỗi người trong nhóm đóng góp 50 triệu đồng để làm vốn đầu tư ban đầu.  

Khi đã gom đủ 200 triệu đồng, nhóm của anh Ích bắt đầu thuê hồ và mua 1,6 tấn cá giống gồm: trắm, chép, mè, trê và rô phi… về thả. Đây là những loại cá dễ nuôi, phù hợp với điều kiện nuôi thả ở hồ tự nhiên. Sau đó, anh Ích cùng các bạn vừa tự học, vừa tìm đến những hộ nuôi cá lâu năm để học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, nhóm của anh Ích mượn những phần đất bỏ hoang của bà con trong vùng để trồng cỏ làm thức ăn hàng ngày cho cá.

Sau gần 2 năm chăm sóc, cá tương đối thích nghi với điều kiện khí hậu, môi trường nên sinh trưởng tốt và bắt đầu cho khai thác. Theo ước tính, mỗi tháng, nhóm của anh Ích khai thác trên 1 tấn cá. Với giá bình quân 30-40 ngàn đồng/kg được thương lái mua tại hồ, mỗi thành viên có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. “Để có nguồn cá thương phẩm khai thác quanh năm, chúng tôi nuôi theo hình thức gối vụ, khoảng 6 tháng thả cá giống một lần, mỗi lần khoảng vài tạ. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra hồ, nguồn nước để kịp thời xử lý nếu có dấu hiệu bất thường”-anh Ích cho biết thêm.

Anh Bùi Công Ngọc chia sẻ: “Tham gia mô hình này, mình thấy hiệu quả bước đầu tương đối khả quan, vừa có việc làm lại có thêm thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình. Mỗi ngày, mình và các bạn dành khoảng 2 giờ để cắt cỏ cho cá ăn, vệ sinh hồ. Thời gian còn lại, mình phụ giúp gia đình làm cà phê và công việc nhà”.

Mặc dù kết quả thu được khá khả quan nhưng anh Ích và các bạn vẫn luôn trăn trở bởi để mở rộng mô hình này hiện còn nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn, kỹ thuật và đầu ra. Ông Bùi Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nhin, cho biết: “Hồ tự nhiên thuộc khu vực thôn 7 có diện tích khoảng 30 ha, độ sâu trung bình 10-15 m nên nguồn nước dồi dào quanh năm. Mô hình nuôi cá của anh Dương Văn Ích và các bạn bước đầu đã đạt hiệu quả. Tuy nhiên, đây là mô hình mới và vốn đầu tư lớn nên cần được sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành chức năng, nhất là hỗ trợ về nguồn vốn và kỹ thuật. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có tập huấn về kỹ thuật nuôi cá nước ngọt. Xã cũng sẽ tổ chức cho bà con nông dân học tập và nhân rộng mô hình này”.


Công nghệ Biofloc: khả năng phòng bệnh trong nuôi tôm Công nghệ Biofloc: khả năng phòng bệnh trong… Nghệ An phát triển và mở rộng vùng nuôi tôm theo hướng VietGap Nghệ An phát triển và mở rộng vùng…