Chủ trang trại không ngại TPP
Lãi vì TĂCN, vaccine sẽ giảm
Chúng tôi tìm về các vùng chăn nuôi lớn ở Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Nội… để nắm bắt thông tin người dân đón nhận về TPP. Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Cao Quang, xã Cao Minh (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc), chủ một trang trại “khủng” khi chi tới hơn 10 tỷ đồng đầu tư công nghệ hiện đại nuôi lợn.
Hiện anh Tuấn đang nuôi tới 500 lợn nái và 1.300 lợn thịt/lứa. Anh Tuấn cho biết: “So với đỉnh điểm giá TĂCN năm 2013 thì hiện hầu hết các hãng TĂCN đều giảm giá 10 – 20%. Một bao cám loại 25kg năm 2013 có giá 420.000 đồng/bao, nhưng hiện chỉ khoảng 380.000 – 390.000 đồng/bao; loại bao 10kg cũng giảm từ 200.000 đồng xuống 180.000 đồng/bao, cám gạo cũng giảm từ 8.000 đồng/kg, xuống còn 6.500 đồng/kg…”.
Chúng ta gia nhập TPP, lợi thế sẽ không dành cho chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ mà là chăn nuôi lớn, làm theo chuỗi. Nếu tách rời chuỗi, người chăn nuôi sẽ bị “cô lập” trên thị trường. Ngoài ra chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ vẫn có thể phát triển, nhưng phải phát triển theo hướng nuôi con đặc sản”.
Ông Vũ Khắc Minh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc
Theo anh Tuấn, trong chăn nuôi TĂCN chiếm tới 60 – 70% giá thành, do vậy chỉ cần giá TĂCN giảm là người chăn nuôi sẽ làm ra sản phẩm có giá thành thấp, cạnh tranh và có lãi.
“Trung bình để có 1kg lợn hơi, người chăn nuôi phải sử dụng 2,4 – 2,6kg thức ăn, với giá thức ăn khoảng 18.000 – 20.000 đồng/kg, tùy theo từng loại như hiện nay, mỗi kg lợn hơi sẽ có giá thành sản xuất khoảng 44.000 – 45.000 đồng/kg. Và trên thực tế, hiện giá lợn hơi đang ở mức 47.000 – 49.000 đồng/kg, lợn đẹp có lúc đạt 52.000 đồng/kg. Với mỗi con lợn khi xuất chuồng đạt trọng lượng khoảng 100kg, người chăn nuôi đang lãi từ 700.000 – 1,5 triệu đồng/con” – anh Tuấn nhẩm tính.
Mặc dù chỉ nuôi 200 lợn thịt và 10 lợn nái, song từ đầu năm đến nay, anh Bùi Thế Lực, xã Liên Minh (Vụ Bản, Nam Định) đã xuất chuồng 2 lứa lợn, mỗi lứa lãi cả trăm triệu đồng. Anh Lực cho hay: “Không biết khi vào TPP thì ngành chăn nuôi sẽ ảnh hưởng như thế nào, nhưng hiện nay người chăn nuôi đang được hưởng lợi bởi giá TĂCN và vaccine đều giảm 15 – 25%”.
Theo anh Lực, ngoài chi phí TĂCN, mỗi con lợn nuôi tới khi xuất chuồng phải tiêm đủ ít nhất 5 loại vaccine, chi phí từ 50.000 – 80.000 đồng/con. Với giá vaccine giảm 15 – 25%, mỗi con lợn sẽ giảm được 5.000–16.000 đồng. “Trong điều kiện chăn nuôi khó khăn như hiện nay, chăn nuôi rất khó lãi nhiều, nhưng đầu vào mỗi thứ giảm một ít thì nông dân vẫn có thể sống được với nghề. Vừa qua tôi xuất 100 lợn thịt, khoảng 100 – 110kg/con, trung bình lãi 1,4 - 1,8 triệu đồng/con/4 tháng nuôi, ngoài ra tôi còn tận dụng được phân lợn để nuôi cá, sản xuất gas để đun nấu… từ hầm biogas” – anh Lực cho biết.
Liên kết chuỗi không sợ TPP
Nói về những thách thức mà các chủ trang trại có thể gặp phải khi Việt Nam gia nhập TPP, anh Tuấn cho rằng, TPP không phải là “con ngáo ộp”, không đáng sợ như nhiều người nghĩ. Khi tham gia TPP, tất cả đều phải có lộ trình, sản phẩm vào Việt Nam cũng phải có lộ trình, họ phải thâm nhập thị trường, chiếm thị trường dần dần, chứ không phải như kiểu “mở cửa một cái là họ tràn vào như đi xem chiếu bóng”. “Tôi tin rằng trong khoảng 5 – 10 năm nữa, chăn nuôi Việt Nam vẫn có thể sống được, bởi thói quen của người Việt là dùng thực phẩm tươi sống, mà hàng nhập thì không thể cạnh tranh được điều này” – anh Tuấn tự tin nói.
Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, để người chăn nuôi có đủ khả năng đối mặt với TPP, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa. Một trong các yếu tố quan trọng là tạo điều kiện cho vay vốn, kiềm chế giá thức ăn, vaccine, tạo kết nối cung cầu, liên kết chuỗi trong sản xuất nhằm giúp người chăn nuôi làm ra những sản phẩm có chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Bởi dù sao đi chăng nữa, người chăn nuôi trong nước vẫn có nhiều lợi thế hơn như thuê mặt bằng, nhân công, phí vận chuyển… so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Về vấn đề này, ông Đào Xuân Hải, xã Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc) chủ trang trại gà đẻ trứng, với gần 100.000 con/lứa thì cho rằng, một lợi thế nữa khi Việt Nam gia nhập TPP là chúng ta có rất nhiều giống đặc sản, như gà Đông Tảo, gà đồi Yên Thế, lợn đen cắp nách Mường Khương, gà đen, bò Mông…, tất cả những thứ này không nước nào cạnh tranh nổi. “Điều chúng ta lo hiện nay là làm sao để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, giá cả cạnh tranh thì không sợ gì TPP” – ông Hải tự tin nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có được sự tự tin mạnh mẽ như “vua” lợn sạch, lợn “không tắm” Nguyễn Đại Thắng ở xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội), bởi không chỉ đầu tư trang trại quy mô, nuôi lợn sạch, ông Thắng đã xây dựng cho mình một chuỗi giá trị từ sản xuất, đến tiêu thụ khép kín rất bài bản.
Ông Thắng chia sẻ: “Sản phẩm EM dùng để nuôi “lợn không tắm” tôi học được từ Trung Quốc, Nhật Bản và cũng từ các bạn hàng mà cách đây 3 năm, tôi đã nhận định rằng trước sau Việt Nam cũng sẽ gia nhập TPP. Nếu không thay đổi tư duy, phương thức sản xuất thì rất khó sống với nghề, vì vậy tôi đã tập trung vào sản xuất thực phẩm sạch và 2 năm nay, tôi tiếp tục đầu tư vào chuỗi cung ứng thực phẩm sạch có xuất xứ đến tận tay người tiêu dùng. Hiện mỗi ngày trang trại của tôi mổ từ 6 – 10 con lợn, rồi sơ chế đóng gói hút chân không đưa về Hà Nội tiêu thụ”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao