Chưa Bị Ảnh Hưởng Nhiều
Hoạt động giao thương và giá cả trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời điểm này tạm thời chưa bị ảnh hưởng nhiều…
* DN tìm thêm thị trường mới
Mặc dù đang có những căng thẳng xảy ra giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc trên khu vực biển Đông.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn được xem là thị trường tiêu thụ rất lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt trái cây.
Trong đó, riêng mặt hàng thanh long VN là loại trái đứng đầu bảng với khoảng 70 - 80% được thị trường Trung Quốc tiêu thụ.
Ghi nhận của PV NNVN tại các vùng trồng thanh long và một số trái cây khác cho thấy, tạm thời chưa ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ tại cửa khẩu Trung Quốc.
Ông Nguyễn Hồng Hoàng, thành viên Tổ hợp tác thanh long Lương Phú (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết: “Hiện đang vào đợt rộ các loại trái cây mùa hè nên giá thanh long cũng như nhiều loại trái khác có bị giảm xuống chút ít.
Vùng trồng thanh long vừa cắt vụ nghịch và bước vào vụ chính nên sản lượng trái có giảm do nhiều nông dân cho “dưỡng” vườn.
Tuy nhiên, bà con cũng chưa nghe thông tin căng thẳng gì trong việc xuất khẩu thanh long qua cửa khẩu Trung Quốc”.
Theo ông Hoàng, giá thanh long ruột trắng loại 1 (trọng lượng 300 gram/trái, da bóng đẹp) hiện khoảng 10.000-12.000 đồng/kg, có lúc cao điểm lên 20.000-22.000 đồng/kg. Vì hết đợt xông đèn nên chủ yếu các nhà vườn thu hoạch lai rai bán cho thương lái đến tận vườn thu mua.
Tương tự, ông Võ Ngọc Diệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Lương Phú cho biết: “Không chỉ giá bán vẫn ổn định, các hoạt động xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc những ngày qua không có biến động gì khác thường”.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, ông Bùi Đăng Hưng xác nhận: “Hiệp hội chưa nhận được phản hồi nào của các doanh nghiệp hội viên về chuyện thanh long bị ách tắc tại các cửa khẩu phía Bắc. Chúng tôi vẫn xuất thanh long đi Trung Quốc bình thường, mọi việc đang ổn định, chưa có xáo trộn nào cả”.
Theo ông Hưng, mặc dù hoạt động mua bán tiểu ngạch giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc kém sôi động hơn so với thời điểm đầu năm, nhưng đó là diễn biến bình thường, năm nào cũng thế.
Hiện Bình Thuận có khoảng 19.500 ha thanh long, mỗi năm sản xuất khoảng 400.000 tấn trái, trong đó chiếm khoảng 20 - 30% là tiêu thụ nội địa, còn lại xuất khẩu sang thị trường chính vẫn là Trung Quốc. Ngoài ra, thanh long Việt Nam còn xuất khẩu qua Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, anh Trần Hữu Danh, GĐ Cty TNHH Long Việt (Tiền Giang) chuyên xuất khẩu mặt hàng thanh long đi Trung Quốc lại có chút lo lắng: “Công ty chúng tôi đang có mối xuất hàng thanh long cho cả chục doanh nghiệp Trung Quốc trên địa bàn tỉnh và TP.HCM.
Thời điểm hiện tại họ đã rút hết về nước vì lo ngại tình hình căng thẳng biển Đông, do vậy trước mắt chúng tôi phải tính toán giảm bớt lượng hàng xuất khẩu và tạm chuyển hướng xuất sang thị trường một số nước khác!”.
Mặc dù các mối hàng Trung Quốc rút về nước vẫn “alô” sang đặt mua thanh long, nhưng DN không dám mạo hiểm nhận đơn hàng gián tiếp xuất khẩu vì rủi ro rất cao. Do vậy, DN của anh Danh đang phải chủ động chuyển hướng đóng hàng xuất khẩu qua Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
“Trong ba tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng hơn 276 triệu đô la Mỹ, tăng 32,5% so với cùng kỳ, trong đó thu từ thị trường Trung Quốc vẫn đứng đầu với hơn 90,5 triệu đô la Mỹ, tăng 71% giá trị so với 3 tháng của năm 2014.
Còn Việt Nam nhập rau quả trong ba tháng đầu năm là gần 93 triệu đô la Mỹ, tăng 38% so với cùng kỳ, trong đó, nhập nhiều nhất vẫn là từ Trung Quốc với giá trị đạt gần 30 triệu đô la Mỹ, tương đương cùng kỳ năm trước”, ông Nguyễn Văn Kỳ cho biết.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Thu, GĐ Cty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc) cũng cho rằng: “Trước mắt, việc xuất khẩu hàng trái cây sang thị trường Trung Quốc chưa có ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, DN chúng tôi cũng đang lo lắng trước căng thẳng biển Đông có thể khiến thị trường xuất khẩu sẽ có biến động trong những ngày tới”.
Theo bà Thu, mấy ngày qua có nhiều mối hàng và nông dân sản xuất trái cây sốt ruột điện thoại hỏi thăm khiến DN rất thận trọng trong việc nhập và xuất hàng, đặc biệt với thị trường Trung Quốc.
Trước đây, rau quả Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc mới chỉ được tiêu thụ ở mấy tỉnh biên giới phía Nam của nước này.
Nhưng nửa đầu năm nay, rau quả nước ta đã bắt đầu thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc. Thanh long và nhiều loại rau quả khác của VN đang rất được ưa chuộng, nhưng nguồn cung hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết: “Trung Quốc vẫn luôn được xem là thị trường tiềm năng và lớn nhất của ta và chiếm tới 80% lượng hàng trái cây xuất sang nước này bằng đường tiểu ngạch.
Mặc dù vậy, cho đến nay chúng tôi chưa nghe thông tin từ hội viên nào phản ánh về việc xuất trái cây sang Trung Quốc gặp trục trặc gì”.
Theo ông Kỳ, Trung Quốc là thị trường rất dễ tính nhưng nếu có khó khăn gì tại khu vực cửa khẩu thì không chỉ riêng trái cây mà các ngành hàng nông sản của ta sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Do vậy, Hiệp hội hiện đang tìm hiểu các nguồn tin có liên quan đến xuất nhập khẩu, nhất là tại khu vực cửa khẩu Trung Quốc để kịp thời thông tin đến cho các hội viên. Đồng thời, sẽ có văn bản kiến nghị lên Bộ Công thương và các ngành chức năng can thiệp giải quyết kịp thời khi có ý kiến của các hội viên phản ảnh…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao