Tin nông nghiệp Chưa có hợp đồng bao tiêu, không nên đua nhau trồng lúa Nhật

Chưa có hợp đồng bao tiêu, không nên đua nhau trồng lúa Nhật

Author Hữu Đức, publish date Wednesday. May 24th, 2017

Chưa có hợp đồng bao tiêu, không nên đua nhau trồng lúa Nhật

Vừa qua ở một vài tỉnh ĐBSCL nổi lên chuyện trồng giống lúa Nhật thu lãi cao, cuốn hút nông dân muốn trồng thử. Nhưng khi đua nhau trồng dẫn đến dư thừa, ai mua?

Giống lúa Nhật trên đồng ruộng ĐBSCL

Nhưng điều đáng lo nếu lúa Nhật mở rộng diện tích mà không có liên kết với DN tiêu thụ sản phẩm, SX dư thừa sẽ bán cho ai?

Cơn sốt?

Giữa tháng 3/2017 khi lúa ĐX trong vùng ĐBSCL thu hoạch cuối vụ. Lúa được tiêu thụ với giá bình quân khá cao hơn so cùng kỳ nhưng cũng chưa vượt qua hơn 6.000 đ/kg. Trong khi đó ở Tứ giác Long Xuyên – vùng giáp ranh 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang, một số nông dân trồng lúa Nhật cho hay có thương lái ra giá thu mua 7.000-8.000 đ/kg.

Trao đổi với một số DN đang liên kết SX bao tiêu lúa Nhật, họ ngạc nhiên, khẳng định: Chưa bao giờ lúa Nhật có giá cao như vậy. Có thể do cạnh tranh hoặc là một cách phá thị trường, bởi vì đầu mối DN có hợp đồng xuất khẩu gạo với đối tác Nhật Bản không nhiều. Số lượng gạo xuất dù có tăng lên nhưng chưa đến nỗi hút hàng tạo nên cơn sốt. Quả nhiên sau 2 tuần tin lúa Nhật tăng giá hồi tháng 3 đã lắng dịu đến nay.

Trong 2 năm qua tại Cần Thơ có một số DN bắt đầu tổ chức SX liên kết với nông dân, thu mua, chế biến gạo xuất khẩu, trong đó ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho hay: Vừa qua có nghe tin giá lúa Nhật tăng cao hơn 6.000 đồng/kg thậm chí 8.000 đ/kg, nhưng không có thật. Cty Trung An đã từng xuất khẩu gạo nhật Japonica nhưng số lượng còn ít, không đáng kể. Trung An đang ký hợp đồng với nông dân ở Bình Sơn, Bình Giang, Hòn Đất (Kiên Giang), SX 250ha lúa Nhật theo hai hình thức: Ký giá “chết” bao tiêu 5.600 đ/kg hoặc đến cuối vụ thu hoạch thỏa thuận theo giá thị trường.

Trải qua thực tiễn SX 5 vụ lúa Nhật, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Đồng Vạn, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) thú thật: “Tuy nông dân HTX Đồng Vạn đã quen canh tác lúa Nhật, nhưng nếu không có DN ký kết hợp đồng bao tiêu chúng tôi vẫn không dám đơn phương SX, vì nguy cơ lớn là lúa Nhật chủ yếu SX cung ứng cho DN xuất khẩu. Thị trường trong nước ít tiêu thụ. Nếu thương lái không mua, nông dân biết bán cho ai?”.  

Lúa Nhật ở An Giang

Từ năm 2000 nông dân ĐBSCL đã nghe nói đến trồng lúa Nhật ở An Giang theo mô hình liên kết khá sớm giữa Cty Angimex-Kitoku (liên doanh giữa Cty CP Xuất nhập khẩu An Giang và Cty Kitoku-Nhật Bản). Ban đầu các giống lúa Nhật được đưa sang trồng thử nghiệm tìm vùng đất phù hợp. Từ năm 2008 về sau diện tích canh tác tăng lên khoảng 800 ha/năm và đến những năm gần đây An Giang bình quân có khoảng 1.500-2.000 ha/năm. Nông dân bắt đầu chú ý lúa Nhật khi được bao tiêu giá cao, đạt lợi nhuận khá. Từ mô hình liên kết ban đầu Cty liên doanh Angimex-Kitoku ký kết với các tổ hợp tác, HTX, mở rộng vùng SX gần 4.000 ha ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Gần đây thêm một DN xây dựng vùng nguyên liệu SX xuất khẩu gạo Nhật tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông Lâm Thành Kiệt, Tổng Giám đốc Cty CP nông sản Vinacam nói: Trong năm 2017, Cty ký kết hợp đồng SX hơn 2.000 ha lúa Nhật với HTX Vinacam Tri Tôn, huyện Tri Tôn và một phần diện tích SX lúa Nhật bên ngoài. Cty cam kết với 150 nông dân HTX Vinacam Tri Tôn thu mua lúa 5.600 đồng/kg, dự kiến sản lượng thu hoạch khoảng 20.000 tấn. Chúng tôi ký hợp đồng 5 năm với HTX nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định lâu dài và đảm bảo thu nhập cho nông dân...

+ Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Đồng Vạn (Cần Thơ):

“Giống lúa Nhật DS1 dễ thích nghi ruộng đất Vĩnh Thạnh, phát triển tốt. Tuy lúa “ăn” phân nhiều hơn, nhưng khả năng chống chịu sâu bệnh nên giảm phun thuốc BVTV còn 3 lần (so với canh tác lúa thông thường trước đây phun 5-6 lần), giảm chi phí 1-2 triệu đồng/ha. Năng suất lúa tươi bình quân đạt 9-10 tấn/ha.

Vụ lúa vừa qua HTX Đồng Vạn ký kết SX lúa Nhật 330 ha với Cty Trung An. Vụ lúa HT 2017 HTX ký hợp đồng SX 150 ha lúa Nhật với Cty CP Nông sản Vinacam, giá bao tiêu 5.600 đ/kg, phía DN ứng vốn trước 5 triệu đồng/ha”.

+ Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ:

“Giống lúa Nhật có thời gian sinh trưởng dài ngày, có thể canh tác được 2 vụ trong năm. Tuy nhiên đối với một số vùng ảnh hưởng lũ nông dân khó triển khai SX 2 vụ trong năm. Mặt khác, điều quan trọng nông dân cần lưu ý là nếu muốn SX lúa Nhật cần phải có thị trường ổn định, có DN ký kết hợp đồng tiêu thụ”.


Dây chuyền khép kín cho năng suất 300kg hạt mắc ca mỗi ngày Dây chuyền khép kín cho năng suất 300kg… Giá trái cây ĐBSCL tăng kỷ lục, xuất khẩu rộng mở Giá trái cây ĐBSCL tăng kỷ lục, xuất…