Mô hình kinh tế Chưa vội phát triển cây mắc ca

Chưa vội phát triển cây mắc ca

Publish date Sunday. September 27th, 2015

Chưa vội phát triển cây mắc ca

Ở Khánh Sơn, cây mắc ca đã được trồng từ vài năm nay. Trước khi huyện triển khai trồng thí điểm đã có hộ trồng loại cây này, thậm chí nhiều cây đã cho quả.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến vườn cây của gia đình ông Lê Văn Bi (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc).

Ông Bi cho hay, cách đây mấy năm ông mua lại vườn cây của một người dân địa phương, khi đó trong vườn đã trồng sẵn mắc ca xen với sầu riêng.

Nghe nói mắc ca là loại cây “tỷ đô” nên dù cải tạo lại vườn tược, gia đình ông cũng không chặt bỏ cây này vì cây đã trồng được nhiều năm, bắt đầu cho quả.

“Trong vườn nhà tôi hiện có hơn 100 cây mắc ca, trong đó hơn 10 cây đã cho quả”, ông Bi cho hay.

Nông dân Khánh Sơn còn băn khoăn về đầu ra của cây mắc ca

Gia đình ông Hồ Văn Anh (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) là 1 trong 5 hộ dân ở xã Sơn Bình được lựa chọn để trồng thí điểm 1,5ha cây mắc ca.

Đến nay, tỷ lệ cây sống rất cao, cây đã phát triển lên hơn 1,3m. Khi quyết định tham gia mô hình này, ông Anh cho rằng đây là cây trồng mới, cứ thử nghiệm xem như thế nào rồi tính tiếp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nghe nhiều thông tin trái chiều về cây mắc ca nên ông lo lắng: “Chúng tôi không rõ trồng mắc ca có hiệu quả hay không, bởi phải 6 - 7 năm cây mới cho quả; trong khi đó giá cả bao nhiêu, đầu ra thế nào, ai thu mua chúng tôi đều không rõ”.

Được biết, tháng 7-2014, huyện Khánh Sơn đã tiến hành trồng thử nghiệm cây mắc ca trên địa bàn 8 xã, thị trấn để xác định xem loại cây này có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của các địa phương hay không. Diện tích trồng thí điểm là 6,9ha.

Qua đánh giá sơ bộ của cơ quan chức năng, hiện cây mắc ca đang phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 95%, cây đã cao hơn 1,3m.

Theo lãnh đạo địa phương, để người dân tận dụng được quỹ đất sản xuất, sau khi đến các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu, huyện đã quyết định trồng thử nghiệm một loại cây trồng khác phù hợp với điều kiện thực tế là cây mắc ca - một dạng cây rừng; nếu trồng 5 - 7 năm mà sản lượng quả không đạt vẫn có thể trở thành cây lấy gỗ.

Trở lại câu chuyện với người trồng mắc ca ở Khánh Sơn, điều khiến nhiều hộ dân quan tâm là đầu ra của sản phẩm này ra sao?

Ông Lê Văn Bi cho biết: “Qua tìm hiểu, thông tin về mắc ca cũng trái chiều, có người ủng hộ, có người không. Theo tôi biết, ở Khánh Hòa chỉ có Khánh Sơn trồng thí điểm loại cây này và chỉ có một số cây trong vườn nhà tôi đã cho quả.

Mới đây, gia đình tôi thu hoạch 4 cây mắc ca được hơn 20kg quả. Nhưng thu hoạch xong lại cất vào kho chứ không biết bán ở đâu, không thấy thương lái hỏi mua; giá cả bao nhiêu tôi cũng không rõ. Vì vậy, mỗi khi có khách đến tìm hiểu loại cây này, tôi lại mang quả ra đãi khách. Tôi nghĩ cần phải thận trọng khi phát triển loại cây này”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “UBND huyện cũng rất thận trọng trong việc phát triển các loại cây trồng mới để không làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Đối với mắc ca, hiện chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm, không phát triển thêm diện tích mới để chờ một thời gian nữa, sau khi đánh giá chính xác về sự thích nghi, hiệu quả cụ thể thì mới quyết định. Chỉ khi mắc ca thích nghi tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, UBND huyện mới có kế hoạch nhân rộng, phát triển diện tích phù hợp”.

Theo Hướng dẫn tạm thời kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến hạt cây mắc ca của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mắc ca phải được trồng ở những nơi có nhiệt độ thích hợp nhất, vào khoảng 20 - 250C, với lượng mưa bình quân năm từ 1.600 - 2.500mm.

Đồng thời, nơi trồng cần đạt độ cao từ 10 - 1.200m so với mặt nước biển và ít có gió phơn, sương muối và mưa phùn. Mắc ca thích hợp nhất với những nơi có độ dày tầng đất trên 50cm, thoát nước tốt và giàu hữu cơ. Không được trồng mắc ca ở những nơi đất cát, ngập úng hoặc chua phèn. Địa hình thích hợp nhất là bằng phẳng (độ dốc dưới 20 độ).


Tăng cường hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác lúa trên đất tôm Tăng cường hướng dẫn nông dân kỹ thuật… Khảo nghiệm lúa chịu mặn chọn được ba giống phù hợp Khảo nghiệm lúa chịu mặn chọn được ba…