Chuỗi dự án chăn nuôi phát triển đồng bộ và khép kín
Lợn “ăn” ti-tan
Năm 2004, trong lúc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đang ăn nên, làm ra với các lĩnh vực công nghiệp, thương mại thì Tổng giám đốc Mitraco Võ Kim Cự (nay là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh) đã quyết định sang Thái-lan để mời chuyên gia về triển khai dự án nuôi LSN.
Giám đốc Xí nghiệp Ti-tan Kỳ Anh Lê Văn Nhị được điều làm giám đốc dự án nuôi lợn này. Mitraco đã đề ra chính sách mời gọi các chuyên gia có kinh nghiệm chăn nuôi giỏi. Tại thời điểm này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ra Nghị quyết về phát triển chăn nuôi đã giao cho Mitraco tập trung phát triển dự án LSN, sau khi đi tham quan Thái-lan về. Điều đáng nói, dù trong điều kiện hoàn cảnh nào, các tổng giám đốc Mitraco kế nhiệm sau này như Nguyễn Nhật hay Dương Tất Thắng đều quan tâm phát triển dự án này.
Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Lê Văn Nhị nhớ lại: Đang quen lĩnh vực công nghiệp, quay ngoắt sang làm nông nghiệp với bao mới lạ, nhưng nhờ tư duy công nghiệp nên từng bước các khó khăn trong quá trình triển khai được tháo gỡ kịp thời. Cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Xổmthắtbuntaphăn (Việt kiều tại Thái-lan) – giám đốc một trong những doanh nghiệp (DN) nuôi LSN lớn nhất Thái-lan “đỡ đầu” về công nghệ, kỹ thuật. Cả một quá trình gian nan cho buổi đầu khởi nghiệp dự án lớn và mới trong lĩnh vực chăn nuôi bằng công nghệ cao được lãnh đạo tỉnh và Ban Giám đốc Mitraco quan tâm đặc biệt.
Tháng 5-2005, Mitraco khánh thành trung tâm LSN có quy mô 1.200 con nái, 24 nghìn lợn thương phẩm/lứa với số vốn đầu tư lên đến 32 tỷ đồng, tạo nên “cú sốc” trong lĩnh vực chăn nuôi lợn ở khu vực bắc Trung Bộ. Nguồn vốn đầu tư cho dự án nuôi lợn này được lấy từ khoản lợi nhuận trong quá trình sản xuất, kinh doanh khoáng sản, ti-tan. Đàn giống đầu tiên gồm 495 con lợn ông bà, bố mẹ dòng: Yorkshire, Duroc, Landrace được nhập qua cửa khẩu Cầu Treo về ngay sau đó.
Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, sau một thời gian chăm bẵm, từ tháng 6-2006, những lứa lợn đầu tiên được xuất chuồng. Lúc đó, cả ban giám đốc, phòng kinh tế của Mitraco - những người chuyên quen chào bán sản phẩm công nghiệp nay phải chạy đáo, chạy lui trong nam, ngoài bắc để bán từng lứa lợn.
Ông Nhị nhớ lại cái thủa ban đầu đầy gian khó đó, do mới đi vào hoạt động, chưa cho thương hiệu, thị trường, trong khi đó dịch bệnh tai xanh trong tỉnh liên tục xảy ra đã ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án. Thời gian đầu, lỗ kế hoạch là điều không tránh khỏi nhưng nằm trong tầm kiểm soát, song đã có không ít ý kiến bức xúc như: “Ti-tan “nuôi” lợn”, “Một tấn lợn “ăn” bảy tấn Imênhít”…
Từ năm thứ ba (2008) trở đi, thị trường bắt đầu quen LSN của Mitraco. Và từ đây, dự án bắt đầu có lãi, chứ không phải sau năm năm như theo kế hoạch ban đầu. Từ chỗ 1.200 con lợn nái, hơn 20 nghìn lợn thương phẩm ban đầu không biết tiêu thụ như thế nào thì nay DN phát triển thành bốn nghìn con nái, cung cấp không kịp cho thị trường trong và ngoài tỉnh với hơn 80 nghìn lợn thương phẩm/năm. Liên tục nhiều năm liền DN luôn đạt lợi nhuận ròng từ 10 đến 13 tỷ đồng/năm.
Điều đáng nói, từ chỗ bị động trong khâu giống, đến nay, DN đã từng bước chuyên sâu, chọn tạo dòng giống có phẩm cấp cao, giá thành hạ (tỷ lệ đẻ con/lứa cao, chất lượng giống tốt); tập trung phát triển các dòng giống ngoại cụ kỵ, ông bà và bố mẹ. Doanh nghiệp vừa mới đưa vào hoạt động trại nái 1.200 con tại xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) để cung cấp giống cho địa bàn. Đơn vị cũng đang lên kế hoạch mở rộng các trại nái gia công để phấn đấu đến năm 2020, có khoảng tám nghìn con nái, cung cấp cho thị thường khoảng gần 200 nghìn lợn thương phẩm/năm…
“Xòe hoa” đồng bộ, khép kín
Năm 2010, từ một đơn vị rau quả thua lỗ, Công ty CP Phát triển Nông lâm nghiệp Hà Tĩnh đã chuyển hẳn sang đầu tư nuôi LSN. Kế thừa kinh nghiệm và thị trường của Công ty CP Chăn nuôi Mitraco đi trước, DN đã có bước phát triển nhanh chóng. Theo Giám đốc CP Phát triển Nông lâm nghiệp Hà Tĩnh Mai Khắc Mại: Sau năm năm đi vào hoạt động, DN làm ăn có lãi khi phát triển được đàn giống với 3.300 lợn nái, gần 70 nghìn lợn thương phẩm/lứa. Ngoài ra, DN còn trồng được 70 ha cao-su từ hai đến ba năm tuổi. “Đến năm 2020, DN sẽ phát triển đàn nái lên năm nghìn con, cung cấp ra thị trường trên 100 nghìn lợn giống thương phẩm/lứa”, Giám đốc Mại cho biết thêm.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh, hai DN chăn nuôi của Mitraco còn làm “bà đỡ’ cho các DN, HTX, tổ hợp tác và các hộ gia đình trong tỉnh tham gia phát triển đàn LSN. Bước đầu tạo ra chuỗi phát triển liên kết từ cung cấp con giống, kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh đến bao tiêu sản phẩm theo hình thức tổ chức sản xuất quy mô lớn, bảo đảm đồng nhất về: công nghệ, kỹ thuật, giống, sản phẩm, nhưng tổ chức nuôi phân tán để người dân được tham gia.
Với hình thức tổ chức trên, cộng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, Mitraco đã hỗ trợ đưa năm trại nái có quy mô mỗi trại từ 300 con trở lên vào hoạt động cùng mạng lưới nuôi vệ tinh gần 100 hộ với quy mô 400 đến 1.000 con/lứa/hộ. Mitraco còn tổ chức phối hợp các địa phương hình thành hàng chục tổ hợp tác (mỗi tổ hợp tác từ 10 đến 20 hộ) cùng liên kết nuôi lợn SN với quy mô 20 đến 30 con/hộ.
Tại điểm chăn nuôi tập trung Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên), chúng tôi tới thăm trang trại của anh Võ Kim Duy (33 tuổi) ở thôn Thọ Lạc. Anh Duy cho biết: Trước đây nuôi nhỏ lẻ, thường xuyên thất bại vì dịch bệnh. Năm 2013, nắm bắt được chính sách nuôi gia công của Mitraco và cùng chính sách hỗ trợ của tỉnh và địa phương, vợ chồng tôi quyết định thuê 3,2 ha vùng đất hoang Cụp Chấu ở xa dân cư, đầu tư gần một tỷ đồng (trong đó vay ngân hàng 500 triệu đồng, tiền hỗ trợ của tỉnh, huyện 240 triệu đồng) xây dựng chuồng trại, nuôi 1.000 con lợn/lứa làm vệ tinh cho Mitraco.
Nhờ có cán bộ kỹ thuật của Mitraco nằm vùng chỉ đạo kỹ thuật và phòng tránh dịch bệnh nên sau gần hai năm phát triển, anh Duy đã cơ bản thu hồi được vốn đầu tư. Vùng Cụp Chấu hoang hóa xưa, nay đã thành trại LSN quy mô lớn, đường bê-tông rộng vào tận nơi, giải quyết việc làm cho bốn lao động và hàng tháng tạo ra lợi nhuận từ 30 đến 40 triệu đồng - một điều mơ ước bấy lâu nay của người dân vùng núi, đầy gian khó này. Anh Duy tâm sự, nếu không có chính sách nuôi gia công của Mitraco cùng hỗ trợ, khuyến khích phát triển của tỉnh và địa phương thì chúng tôi không có cơ ngơi như ngày hôm nay.
Để khép kín chuỗi giá trị và tạo đầu ra ổn định, bền vững cho chăn nuôi LSN, đầu năm 2015, Mitraco đã đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ và chế biến súc sản với công nghệ hiện đại của châu Âu. Nhà máy có công suất giết mổ 120 con lợn/giờ, 50 con bò/ngày và sản xuất hai tấn sản phẩm (giò, chả, xúc xích) với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Đây là dây chuyền chế biến khép kín, hiện đại nhất miền trung. Bước đầu sản phẩm của nhà máy được tiêu thụ trên địa bàn và đang mở rộng ra ngoại tỉnh cũng như xuất khẩu.
Để chủ động nguồn thức ăn, cũng cách đây 10 năm, Mitraco đã đầu tư nhà máy chế biến TĂCN ở Thiên Lộc (Can Lộc) với công suất 100 nghìn tấn sản phẩm/năm. Vốn đầu tư nhà máy là 49 tỷ đồng với dây chuyền công nghệ tiên tiến, tự động hóa nhập ngoại. Theo Giám đốc Công ty CP Chế biến TĂCN Thiên Lộc Nguyễn Ngọc Phương: Để nhanh chóng làm chủ kỹ thuật, công nghệ, DN đã mạnh dạn mời chuyên gia Thái-lan hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”; đồng thời thuê chuyên gia dinh dưỡng đến từ các nước: Thái-lan, Pháp, Hoa Kỳ để tư vấn, xây dựng công thức cho các dòng sản phẩm thức ăn gia súc và gia cầm có chất lượng, tối ưu chi phí và ổn định trên thị trường. Hiện, DN đã sản xuất và tiêu thụ ổn định gần hai chục dòng sản phẩm thức ăn các loại ở địa bàn Hà Tĩnh và các tỉnh bắc Trung Bộ.
Mới đây, DN đã chế biến thành công thức ăn cho lợn cai sữa được thị trường ghi nhận. Qua nuôi đối chứng tại trại lợn ở xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), dòng thức ăn của công ty cho kết quả nổi trội hơn hẳn so với thức ăn cùng loại của một DN nước ngoài. Không chỉ làm ăn hiệu quả, có lãi, đầu năm 2015, công ty đã đưa vào hoạt động trại lợn giống, quy mô 300 con ở Thường Nga (Can Lộc) với vốn đầu tư 18 tỷ đồng.
Cũng theo Giám đốc Phương, đây là trại lợn giống “2 trong 1”, vừa để thử nghiệm các loại TĂCN; đồng thời, cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi trong vùng. Không chỉ có vậy, để từng bước chủ động nguyên liệu đầu vào, DN đã ký kết với 21 xã của huyện Hương Khê trồng ngô nguyên liệu thử nghiệm trên diện tích 400 ha. Sau giai đoạn thử nghiệm, Công ty sẽ nhân rộng diện tích ngô nguyên liệu lên 1.500 ha tại một số địa bàn khác, nhằm từng bước giảm nhập nguyên liệu từ nước ngoài và góp phần cải thiện thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho bà con ở vùng núi còn nhiều khó khăn này.
Bên cạnh chương trình nuôi LSN, Mitraco cũng là DN đi đầu trong việc tham gia phát triển các loại sản phẩm (cây con) chủ lực mà tỉnh đã đề ra, trong đó có việc tích cực phối hợp các đối tác Tây Ban Nha, Úc, Canada đẩy nhanh phát triển dự án đàn bò thịt chất lượng cao; phấn đấu đạt quy mô 20 nghìn con bò thịt chất lượng cao vào năm 2016. Bên cạnh đó, Mitraco đang xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển giống hươu ở Hương Sơn để nhân ra cả nước, với mục tiêu lựa chọn, lai tạo, hợp tác quốc tế nhằm nâng chất lượng đàn hươu và cung cấp hươu giống cho bà con, với quy mô sáu đến tám nghìn con/năm.
Theo Tổng giám đốc Mitraco Dương Tất Thắng: Để góp phần đưa đàn LSN của tỉnh lên 60% vào năm 2020, trách nhiệm của DN đang còn rất nặng nề. Điều kiện cần và đủ lúc này là các công ty thành viên liên quan cần phải tiếp tục đổi mới công nghệ, kỹ thuật để tiếp tục nâng cao chất lượng: đàn lợn giống (cụ kỵ, ông bà), TĂCN, hiệu quả chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, tiếp tục mở rộng mạng lưới nuôi gia công, nuôi liên kết với nông dân... Có như vậy dự án này mới thực sự thành công không chỉ ở góc độ kinh tế.
Liên tục nhiều năm liền Mitraco làm ăn có lãi, đạt doanh thu cao. Riêng năm 2014, tổng doanh thu của Công ty đạt 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 105 tỷ… trong đó có sự đóng góp tích cực của các DN liên quan đến dự án LSN.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao