Mô hình kinh tế Chuyển Dịch Cơ Cấu Kinh Tế Ở Võ Miếu

Chuyển Dịch Cơ Cấu Kinh Tế Ở Võ Miếu

Publish date Monday. September 8th, 2014

Chuyển Dịch Cơ Cấu Kinh Tế Ở Võ Miếu

Diện tích tự nhiên hơn 4.800ha, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn có 3.006 hộ với 12.084 khẩu sinh sống ở 22 khu dân cư, trong đó dân tộc Kinh chiếm 48%, Mường 46%, còn lại là dân tộc Dao và dân tộc khác.

Những năm gần đây, xã đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

Là xã đông dân cư thứ hai của huyện, từ trước đến nay, nguồn thu của người dân trong xã vẫn chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp.

Xác định việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng sẽ tạo bước đột phá về phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã đã chủ động đề ra các giải pháp để phát triển trong đó chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước hướng tới tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Để làm được điều đó, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác.

Xác định người dân là đối tượng chính được hưởng lợi nên khi có chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn, xã tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận tham gia tập huấn về phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, thâm canh chè, gieo trồng vụ đông... Qua đó, giúp người dân biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ, nâng cao đời sống.

Mặt khác, Đảng ủy- UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể hướng người dân tích cực tham gia học hỏi, phát huy nhân rộng các mô hình kinh tế mới, thực hiện các giải pháp hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho bà con. Chính vì thế nên trong nhiều năm, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế của xã liên tục đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Năm 2013, tổng giá trị sản xuất của xã đạt hơn 160 tỷ đồng, bằng 108% so với cùng kỳ, trong đó thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm 66,6%; ngành nghề, dịch vụ 27,6%. Bình quân giá trị thu nhập đầu người đạt hơn 13 triệu đồng/người/năm.

Tổng sản lượng lương thực đầu người đạt 484kg/người/năm. Từ kết quả tăng cường vận động bà con nông dân tích cực thâm canh, tăng vụ, diện tích cây lúa đã đạt 888ha, năng suất 52,9 tạ/ha, sản lượng gần 4.700 tấn; cây ngô 245ha, năng suất 46,3 tạ/ha, sản lượng 1.134 tấn; cây chè 301ha, trong đó 216ha cho sản phẩm với năng suất 112 tạ/ha, sản lượng gần 2.400 tấn…  song song với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào cây trồng, xã cũng chú trọng vận động người dân chuyển đổi vật nuôi nên đã có bước phát triển khá. Tổng đàn trâu, bò đạt hơn 2.500 con; lợn hơn 76.000 con; diện tích nuôi thả thủy sản đạt hơn 20ha với năng suất 17 tạ/ha, sản lượng gần 40 tấn.

Do làm  tốt công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên từ một xã có số hộ nghèo cao, đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,84%, hộ cận nghèo chỉ chiếm 5,75%. Toàn xã có 1.854 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 61,7%; 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 91% hộ dân dùng nước hợp vệ sinh…

8 tháng đầu năm 2014, xã đã vận động nhân dân cấy đủ 100% diện tích lúa, trong đó lúa lai chiếm hơn 70%. Người dân tích cực áp dụng các tiến bộ như gieo cấy thâm canh cải tiến (SRI), giàn sạ, đưa máy móc vào làm đất, thu hoạch sản phẩm.

Chị Lê Thị Hương, khu Tân Bình chia sẻ: “Sau khi tham gia Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng và được tập huấn về nâng cao nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình tôi đã làm mô hình kinh tế tổng hợp nuôi trâu, bò, lợn, gà ri…; trồng lúa, sơn xen chè; được dự án hỗ trợ vốn, cho chế phẩm sinh học an toàn đưa vào trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất cao, chất lượng đảm bảo, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Tôi mong muốn được tạo điều kiện hơn nữa để tự khẳng định và giúp đỡ bà con trong khu cùng vươn lên làm giàu chính đáng”.

Ông Hà Mạnh Hoạch - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Trong cơ cấu kinh tế của xã, nông lâm nghiệp chiếm khoảng 94%, còn lại là thương mại - dịch vụ. Thời gian gần đây, cơ cấu có sự chuyển dịch theo hướng tăng về thương mại - dịch vụ, nông lâm nghiệp giảm không đáng kể.

Điều này một phần là do người dân được trang bị khá đầy đủ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Trong khi, diện tích cây trồng đã cơ bản ổn định, trên cơ sở kiến thức được trang bị, người dân đã tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ, chuyển đổi giống cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhân rộng mô hình tăng sản lượng. Khi đó, theo xu thế tất yếu thì thương mại -  dịch vụ cũng phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường…”.

Do làm tốt công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế, diện mạo nông thôn miền núi Võ Miếu đã có nhiều thay đổi. Trong xã xuất hiện nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Có điều kiện kinh tế, các gia đình tập trung đầu tư cho con em học hành, xây dựng nhà cửa, ủng hộ khu dân cư, xã trong việc làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hoá...

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp đã bắt nhịp kịp thời theo nhu cầu thị trường góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội được giữ vững đã tạo nền tảng vững chắc để  xã Võ Miếu vươn lên phát triển bền vững.


Mô Hình Liên Kết 4 Nhà Ở Điệp Nông Mô Hình Liên Kết 4 Nhà Ở Điệp… Tập Trung Chỉ Đạo, Phấn Đấu Hoàn Thành Kế Hoạch Sản Xuất Vụ Đông Tập Trung Chỉ Đạo, Phấn Đấu Hoàn Thành…