Tin nông nghiệp Chuyển đổi cây trồng ở Vị Bình

Chuyển đổi cây trồng ở Vị Bình

Author Chí Công, publish date Thursday. August 18th, 2016

Chuyển đổi cây trồng ở Vị Bình

Ông Đinh Chí Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Bình, cho rằng: Người dân địa phương chủ yếu làm ruộng, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất không ổn định, kéo theo nguồn thu không cao.

Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, nhờ thụ hưởng từ Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giai đoạn 2014-2016, định hướng đến năm 2020, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, nhân rộng và tổ chức một số chuyến tham quan thực tế các mô hình hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Qua đó, góp phần giúp cho người dân nâng cao kiến thức, học hỏi làm theo để từng bước cải thiện cuộc sống gia đình.

Đến nay, diện tích đất lúa của xã Vị Bình đã giảm xuống khoảng 1.600ha (diện tích tự nhiên là 2.090ha).

Nguyên nhân là do người dân phá bỏ vườn tạp, lên liếp trồng cây ăn trái và rau màu các loại như dưa hấu, dưa leo, khoai môn, hồ tiêu… bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp 4, chia sẻ: “Nếu hộ nào có đất ruộng nhiều thì làm lúa mới có ăn, gia đình tôi chỉ có vài ba công đất nên quyết định chuyển sang trồng rau màu.

Thực tế là bình quân từ 2 công rau nhút, tôi thu lợi nhuận không dưới 4 triệu đồng/tháng, tính ra cao hơn nhiều so với làm lúa”.

Theo anh Hoàng, sau khi lấy vợ ra riêng, cha mẹ cho vốn làm ăn vỏn vẹn 2,5 công đất ruộng.

Với số đất ít ỏi này, vợ chồng anh chăm chỉ làm ruộng, làm thuê, tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ ăn, đôi khi còn thiếu hụt.

Thế nhưng, vào tháng 6-2015, anh mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, lên bờ bao, chuyển sang trồng rau nhút.

Nhất là dưới ruộng anh kết hợp nuôi cá đồng tự nhiên; trên bờ bao trồng thêm bầu, bí bán chợ hàng ngày.

Vì vậy, năm rồi anh thu lợi nhuận hơn 50 triệu đồng, cuộc sống đã ổn định hơn trước rất nhiều.

Không riêng gì anh Hoàng, đa phần người dân xã Vị Bình chủ động thay đổi tư duy canh tác, năng động trong sản xuất nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm đối với thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Ông Trần Ngọc Tàu, ở ấp 2, cho biết: “Rau màu các loại, kể cả sản phẩm gia vị không thể thiếu trong những bữa ăn hàng ngày.

Đáng nói là vài năm trở lại đây, làm lúa khó khăn, vụ trúng vụ thất nên tôi quyết định chuyển sang trồng hồ tiêu trên tán cây tràm nhằm nâng cao thu nhập gia đình”.

Sở dĩ ông Tàu lựa chọn hồ tiêu là vì công chăm sóc và chi phí phân thuốc nhẹ, đầu ra ổn định.

Bởi ông ước tính bình quân một gốc tiêu cho sản lượng khoảng 4kg tiêu khô.

Trong khi đó, 1.000m2 có thể trồng được 250 gốc tiêu, với giá hiện nay cũng cho thu nhập cao hơn làm lúa.

Vì thế, vào tháng 9 năm rồi, sau khi được tham quan những mô hình trồng tiêu hiệu quả ở huyện Long Mỹ, ông quyết định lên liếp trồng hết 2ha đất ruộng.

Đến nay, vườn tiêu ông phát triển nhanh và đang trong đợt cho trái đầu tiên.

Vài tháng tới đây, vườn tiêu của ông Tàu sẽ được thu hoạch, ước năng suất đạt khoảng 400kg tiêu khô.

Hiện thương lái thu mua với giá từ 190.000-200.000 đồng/kg tiêu khô.

Mức giá này chắc chắn mang về cho gia đình ông Tàu khoản thu nhập khá cao.

Ông Đinh Chí Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Bình, đánh giá: Đây là một trong những hộ chuyển đổi mô hình canh tác hiệu quả tại địa phương.

Từ những tín hiệu khả quan bước đầu, tới đây, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, định hướng người dân chuyển đổi sang trồng màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác.

“Trước hết, chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cho người dân.

Đồng thời, tranh thủ vận dụng những chính sách cụ thể như: tạo điều kiện vay vốn, quảng bá sản phẩm, gắn với công tác thu hút, liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến bao tiêu sản phẩm, giúp người dân yên tâm canh tác”, ông Tính nhấn mạnh.


Tiết giảm chi phí nhờ trồng mía lưu gốc Tiết giảm chi phí nhờ trồng mía lưu… TPHCM tổ chức phiên chợ nông sản an toàn TPHCM tổ chức phiên chợ nông sản an…