Chuyển Đổi Đất Lúa Dựa Trên Hiệu Quả Cây Trồng
Chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại hoa màu khác không chỉ giúp giảm lượng hàng hóa nhập khẩu mà còn cân đối lại lượng lúa gạo hiện dư thừa và bảo vệ độ màu mỡ của đất đai.
Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Dư, cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông Dư cho biết:
- Quan niệm rằng an ninh lương thực là làm ra càng nhiều lúa gạo càng tốt không còn phù hợp tại thời điểm hiện nay, do nhiều quốc gia đang thực hiện chính sách tự túc lương thực một phần hoặc toàn bộ. Nếu VN vẫn tập trung quá nhiều cho sản xuất lúa sẽ gặp khó khăn về xuất khẩu.
Tại ĐBSCL hiện nay, ngoài ba vụ chính (đông xuân, hè thu và thu đông) luôn đạt kết quả rất tốt, các thời vụ canh tác khác đều không đạt yêu cầu. Trong đó vụ xuân hè (còn gọi là hè thu sớm) nằm trọn trong các tháng mùa khô, phụ thuộc nguồn nước tưới tiêu trong suốt vụ sản xuất nên năng suất thấp, thường xuyên bị dịch bệnh tấn công nên trước hết có thể xem xét hạn chế vụ lúa này, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
* Nhưng chuyển đổi trên 100.000ha cũng chỉ giảm 500.000-600.000 tấn lúa, một con số quá nhỏ so với lượng gạo xuất khẩu 6-7 triệu tấn/năm, trong khi VN vẫn nhập khẩu 3-4 tỉ USD thức ăn chăn nuôi?
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, các tỉnh ĐBSCL sẽ chuyển đổi trên 100.000ha lúa sang bắp, đậu nành... Hiện Bộ NN&PTNT đang đề nghị hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đất chuyển đổi để hỗ trợ mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Ngoài ra còn hỗ trợ khâu làm đất 700.000 đồng/ha.
- Việc chuyển đổi đất trồng lúa cần phải có thời gian, không thể nói là làm ngay được. Sau giai đoạn thí điểm ban đầu, nếu có hiệu quả nông dân sẽ chuyển đổi nhiều hơn. Việc chuyển đổi cũng tùy theo điều kiện từng địa phương, có thể chuyển đổi từng phần hoặc toàn bộ.
Hướng chuyển đổi là ổn định diện tích đất trồng lúa hai vụ, hình thành vùng sản xuất hàng hóa bắp và đậu nành, trong đó vùng chuyên bắp khoảng 100.000-150.000ha. Với năng suất bắp lai ở ĐBSCL hiện nay là 6-7 tấn/vụ, nếu chuyển đổi 100.000ha có thể tạo ra 600.000-700.000 tấn bắp, giảm đáng kể lượng bắp nhập khẩu mỗi năm.
* Đã có bằng chứng nào cho thấy việc chuyển sang trồng bắp có hiệu quả hơn trồng lúa không, thưa ông?
- Các mô hình thí điểm làm ở Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang đều cho hiệu quả cao hơn trồng lúa 30-100%. Tuy nhiên, nếu muốn đạt hiệu quả như mong đợi khi làm đại trà, Nhà nước phải có chính sách đầu tư hạ tầng, nghiên cứu giống và hỗ trợ nông dân. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo đầu ra của các loại hàng hóa được chuyển đổi, kể cả ở nội địa cũng như xuất khẩu.
* Ngoài ĐBSCL, khu vực nào có thể chuyển đổi diện tích cây lúa sang cây bắp, đậu nành, thưa ông?
- Vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ có điều kiện thời tiết thuận lợi cho phát triển chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây bắp và cây đậu nành cũng được trồng phổ biến những năm trước đây. Tuy nhiên, do sự sắp xếp cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng chuyển đổi chưa phù hợp nên việc tăng diện tích còn gặp nhiều khó khăn và chậm phát triển.
Riêng vùng Đông Nam bộ có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, trình độ thâm canh cao, đất đai rộng, phù hợp cho phát triển cây bắp nên cũng có khả năng chuyển một phần diện tích lúa sang loại cây trồng này. Cái khó của khu vực này là hạn chế về lao động, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để chuyển sang đất công nghiệp.
* Ngoài vấn đề đầu ra cho sản phẩm, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng khác còn gặp khó khăn gì, thưa ông?
- VN đầu tư cho cây lúa gần 40 năm nay, hạ tầng nông nghiệp nông thôn đều tập trung cho cây lúa và chế biến lúa gạo nên không dễ để chuyển dịch ào ào sang cây trồng khác ngay được. Chẳng hạn, ngay cả hoạt động thu mua chế biến bắp cũng phải chuẩn bị vốn, đầu tư trang thiết bị thu gom, phơi sấy, chế biến...
Đặc biệt, các tiến bộ kỹ thuật cho các cây trồng trên cạn (không phải lúa nước) đến nay hầu như không có nhiều thay đổi, có chăng là nghiên cứu về dinh dưỡng cho một số cây trồng cạn nhưng mức độ phổ biến thông qua công tác chuyển giao vào sản xuất còn chậm.
Chúng ta cũng chưa có những quy trình sản xuất cho từng loại cây trồng tại những vùng sản xuất riêng biệt. Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất cây trồng cạn chưa được đầu tư, chưa có những nghiên cứu sâu rộng về kỹ thuật và quy trình canh tác cho từng loại cây ở từng tiểu vùng sinh thái.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao