Tin thủy sản Chuyển đổi lồng nuôi HDPE để thích ứng thiên tai

Chuyển đổi lồng nuôi HDPE để thích ứng thiên tai

Author Kim Sơ, publish date Monday. August 5th, 2024

Chuyển đổi lồng nuôi HDPE để thích ứng thiên tai

Hiện lồng bè nuôi trồng thủy trên địa bàn tỉnh Phú Yên chủ yếu bằng vật liệu gỗ, tre, không thích ứng với thiên tai.

Ngày 31/7 tại thị xã Sông Cầu, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề nông nghiệp cho nông dân tại các địa phương trong tỉnh với chủ đề “Giải pháp nuôi trồng và phát triển thủy sản bền vững”. Hơn 100 người nuôi trồng thủy sản ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An tham dự.

Theo Chi cục Thủy sản Phú Yên, diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt trên 1.800ha. Tính đến 31/6, tổng số lồng bè tại các địa phương đã kiểm đếm là 186.036 lồng, trong đó thị xã Sông Cầu là 134.612 lồng, huyện Tuy An 12.924 lồng, thị xã Đông Hòa 38.500 lồng. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt hơn 4.900 tấn.

Tuy nhiên hiện nay, các lồng bè nuôi chủ yếu làm bằng vật liệu gỗ, tre, không thích ứng với thiên tai. Trước tình trên, để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững, việc chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng HDPE là rất cần thiết.

Ông Trần Thanh Trí, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Nuôi trồng thủy sản STP Khánh Hòa cho biết, hiện nay Công ty cung cấp giải pháp nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại Phú Yên bằng lồng HDPE.

Theo ông Trí, lồng HDPE có tính mềm dẻo, độ bền vật liệu lên đến 40 - 50 năm và thân thiện với môi trường. Hiện Công ty có lồng vuông nuôi tôm hùm có thể sử dụng được với khu vực nuôi gần bờ. Khi nuôi tôm hùm có thể tháo tay vịn để thao tác vận hành được dễ dàng và linh hoạt. Lồng nuôi này cũng có thể chuyển đổi để nuôi cá. Bên cạnh đó, Công ty còn có lồng nuôi cá, tôm dùng hệ nâng nổi, phù hợp với vùng nuôi gần bờ, trong vịnh kín và lồng tròn nuôi cá ngoài 3 hải lý. Lồng nuôi được gắn thiết bị định vị lồng và lắp đặt camera để theo dõi, phân tích, giám sát sức khỏe, khả năng bắt mồi của thủy sản nuôi…

Cũng theo ông Trí, hiện nay Công ty có giải pháp hỗ trợ bà con nuôi trồng thủy sản tiếp cận lồng nuôi HDPE như cho thuê, trả góp với chi phí ưu đãi hay hỗ trợ tới 30% chi phí chuyển đổi.

Các đại biểu trả lời các câu hỏi của bà con nuôi trồng thủy sản tại hội nghị. Ảnh: KS.

Tại hội nghị, nhiều bà con mong muốn được chuyển đổi lồng nuôi HDPE thay lồng nuôi truyền thống. Tuy nhiên, lồng HDPE chi phí đầu tư lớn, vượt quá khả năng của nhiều bà con. Do đó, họ mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi sang lồng nuôi này.

Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, hiện nay việc chuyển đổi sang lồng nuôi HDPE là xu hướng tất yếu trong nuôi trồng thủy sản trên biển, được các nước tiên tiến áp dụng rộng rãi. Vì vậy, bà con Phú Yên cũng cần chuyển đổi sang lồng nuôi này để vừa thích ứng với thiên tai, đảm bảo tài sản, vừa đảm bảo cảnh quan môi trường. Tuy nhiên bà Nga lưu ý khi bà con áp dụng lồng nuôi vật liệu mới, cần giảm lồng nuôi truyền thống. Sắp tới, khi các địa phương giao mặt nước khu vực nuôi, bà con nên mạnh dạn chuyển sang lồng nuôi theo hướng này.

Cũng tại hội nghị, bà con nuôi trồng thủy sản cũng được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) giới thiệu đối tượng nuôi mới là hải sâm cát. Đây là đối tượng dễ nuôi, không cần đầu tư thức ăn, ít dịch bệnh, đặc biệt cải tạo môi trường rất tốt. Những vùng ao đìa bỏ hoang có thể nuôi đối tượng này. Hiện các nhà khoa học của Viện III đã làm chủ công nghệ sản xuất giống hải sâm cát.

Ngoài ra, các hộ nuôi còn được giới thiệu giải pháp nuôi tôm 3 giai đoạn, giúp thuận lợi cho việc quản lý, kiểm soát và khống chế bệnh cho từng giai đoạn nuôi.


Nuôi thủy sản VietGAP, chi phí giảm mạnh, giá bán tăng 10 - 20% Nuôi thủy sản VietGAP, chi phí giảm mạnh,… Đồng Nai ứng dụng công nghệ cao phát triển nghề nuôi tôm Đồng Nai ứng dụng công nghệ cao phát…